GN - Nếu tôi chưa làm thủ tục bỏ đạo mới thì tôi có được trở về đạo Phật ngày xưa của tôi không?
HỎI: Năm nay tôi 29 tuổi. Thực lòng thì tôi rất yêu mến đạo Phật. Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ cho đi chùa, lễ Phật, nghe pháp, tham dự các khóa tu cùng các hoạt động của Phật tử. Thế nhưng lớn lên tôi lại yêu và lấy chồng là người khác đạo. Chúng tôi yêu nhau được 6 năm, khi còn yêu thì đạo ai nấy giữ, thỉnh thoảng tôi có theo anh ấy đi nhà thờ. Tôi cũng có tìm hiểu về đạo của anh ấy nhưng cảm thấy không hợp.
Sai lầm của tôi là khi đồng ý đi đến hôn nhân với anh ấy, để được làm lễ cưới trong nhà thờ, tôi đã chấp nhận tham dự lễ rửa tội (ngày đó tôi cứ nghĩ nó như là một thủ tục cần thiết cho đám cưới). Sau đám cưới, chồng cấm tôi không được đi lễ chùa nữa nhưng trong tâm tôi vẫn hướng về đạo Phật. Bất hạnh là chúng tôi đã có cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Dù mới kết hôn được 1 năm nhưng vì nhiều lý do chúng tôi không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng. Chúng tôi chưa có em bé và hiện đang làm thủ tục ly hôn. Tôi muốn được quay lại với đạo Phật, sống với niềm tin đích thực của mình, nhưng chồng tôi dọa: “Đã rửa tội rồi mà theo đạo khác sẽ đọa xuống hỏa ngục”. Tôi đã nhiều lần hỏi về thủ tục để ra khỏi đạo thì anh ấy từ chối không trả lời.
Nay tôi xin hỏi quý Báo Giác Ngộ, nếu tôi chưa làm thủ tục bỏ đạo mới thì tôi có được trở về đạo Phật ngày xưa của tôi không? Và như thế, tôi có phải xuống hỏa ngục như anh ấy nói không? Tôi rất mong sớm nhận được trả lời của quý Báo để vững vàng hơn với quyết định của mình.
(LECHAM, lecham…vn@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Lecham thân mến!
Theo như tâm sự thì bạn có nhân duyên với đạo Phật nhiều hơn tôn giáo mà bạn mới theo. Tiếc là, bạn có hơn 20 năm theo đạo Phật nhưng vì niềm tin chưa kiên định, hiểu đạo chưa thấu đáo; và nhất là, bị ngoại đạo lợi dụng hôn nhân để tiến hành cải đạo, nên bạn đã phản bội truyền thống tôn giáo của bản thân và gia đình.
Trước thềm hôn nhân, bạn đã đánh mất lòng tự trọng (bỏ đạo mình, theo đạo chồng); người có lòng tự trọng thì đạo ai nấy giữ. Chính sai lầm căn bản này đã khiến bạn đánh mất vị thế bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong đời sống hôn nhân. Nên sau đám cưới, chồng bạn đã nhanh chóng bộc lộ sự xem thường, xúc chạm bạn; “Chồng cấm tôi không được đi lễ chùa nữa” là minh chứng cụ thể. Có thể nói, cuộc hôn nhân của bạn nhanh chóng tan vỡ có liên hệ mật thiết với những sai lầm kể trên.
Hiện bạn đang tiến hành ly hôn để được tự do, được sống với chính mình. Bạn đã đúng khi “nhiều lần hỏi về thủ tục để ra khỏi đạo”, chỉ tiếc là “anh ấy từ chối không trả lời”. Thiết nghĩ, phàm bất cứ việc gì, “vào” được thì phải “ra” được. Nếu “vào” được mà không “ra” được thì việc đó không bình thường, trái với tự nhiên. Bạn là người mới, nên điều gì chưa biết cần phải hỏi những người trên trước để được hướng dẫn cho phải phép.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thưa hỏi, nếu những người có trách nhiệm không hỗ trợ, hướng dẫn giúp bạn thì bạn hoàn toàn có quyền tự quyết “ra khỏi đạo”. Các đấng thiêng liêng luôn nhân từ đã hiểu được tâm nguyện của bạn nên không trách phạt bạn. Nếu có, thì chính những người chịu trách nhiệm mà không hướng dẫn bạn mới đáng bị trách phạt mà thôi.
Sau khi ra khỏi đạo, muốn theo đạo nào là tùy ý của bạn. Bạn có nguyện vọng “trở về đạo Phật ngày xưa” của bạn, thiển nghĩ, đó là chuyện rất bình thường. Như người đi lạc, nay tìm về quê hương, về nhà của mình thì gia đình hạnh phúc, mọi người đến chia vui.
Riêng lời nói có tính đe dọa “Đã rửa tội rồi mà theo đạo khác sẽ đọa xuống hỏa ngục” chỉ đúng với anh ấy mà thôi. Với những người giàu niềm tin mà nghèo thiếu trí tuệ (không thấy mà tin là điều phúc), bị nô lệ tinh thần lâu ngày thì chắc chắn “bỏ đạo sẽ đạo xuống hỏa ngục”. Còn những người nguyện sống với sự hiểu biết thì chỉ tin vào nhân quả. Tạo nhân tốt, tức sống thiện thì sẽ hưởng quả lành ở trời người. Tạo nhân xấu, tức sống ác thì sẽ đọa vào cõi dữ, hỏa ngục.
Theo quan điểm của chúng tôi, bỏ đạo hay theo đạo vốn là hình thức bên ngoài. Nguyện bỏ cái ác, theo cái thiện mới thực sự quan trọng. Chính suy nghĩ, lời nói và hành động thiện hay ác của bạn sẽ dẫn dắt bạn lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục. Nếu sống tốt, làm thiện thì hà cớ gì phải sợ hỏa ngục? Thiết nghĩ, ngay đây, bạn đã có được hướng đi đúng đắn của đời mình mà không phụ thuộc vào sự ban phúc, giáng họa của thần linh. Và đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các Phật tử đối với vấn đề hôn nhân khác đạo.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)