Ngài Luangta Maha Boowa, bậc cao tăng suốt đời cống hiến cho đất nước Thái Lan

Giác Ngộ - Ngài Dharmawisuthimongkol, hay còn được biết đến với tên Luangta Maha Boowa, là một bậc cao tăng của Thái Lan. Ngài sinh vào ngày 12-8-1913 trong một gia đình địa chủ giàu có ở phía Đông Nam tỉnh Udon Thani.
wwwnuoc (2).jpg

Chân dung ngài Luangta Maha Boowa

Năm ngài 20 tuổi, vào ngày 12-5-1934, ngài phát tâm xuất gia gieo duyên, được truyền thọ giới pháp và trở thành một vị tu sĩ. Lúc ấy ngài nghĩ là chỉ tu hành một thời gian ngắn ở trong chùa để thảo mãn những ước mong của mẹ ngài, của gia đình, rồi sau đó trở về đời sống bình thường. Trong thời gian xuất gia, ngài được theo học với thiền sư Luangpu Man Phurithatto, một trong những vị thiền sư nổi tiếng thuộc truyền thống ẩn cư trong rừng sâu của Phật giáo Thái Lan thời bấy giờ. Chính thiền sư Luangpu Man Phurithatto đã làm thay đổi ý định xuất gia của ngài. Thay vì xuất gia gieo duyên một thời gian ngắn, ngài đã quyết định trọn đời sống nếp sống phạm hạnh của người xuất gia.

Ngài Luangta Maha Boowa được nhiều người dân Thái kính ngưỡng, tưởng nhớ vì sự đóng góp vô cùng lớn lao của ngài trong việc cứu giúp nền kinh tế Thái Lan vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng diễn ra vào năm 1997.

wwwnuoc (1).jpg

Ngài Luangta Maha Boowa lúc sinh tiền

Ngài Luangta Maha Boowa trụ trì chùa Pa Baan Taad ở huyện Udon Thani Muang. Chùa Pa Baan Taad đã được ngài xây dựng vào năm 1950, sau khi ngài trở về Udon Thani để chăm sóc mẹ già đang lâm trọng bệnh. Lúc ấy, dân làng và người thân của ngài thỉnh ngài định cư tại khu đất rừng phía nam của làng, và họ đã cúng dường cho ngài 16 hecta đất để cho ngài xây dựng tu viện. Ngài đã nhận sự cúng dường ấy vì ngài nghĩ rằng, ở đấy thì ngài có thể phụng dưỡng được mẹ già của mình. Hàng đệ tử của ngài vô cùng kính ngưỡng ngài, vì thế mà lúc ngài còn sinh tiền, bất cứ phần thức ăn nào còn lại của ngài đều được mọi người nhặt lấy ngay khi ngài rời khỏi bàn ăn. 

Ngài sống nếp sống của một bậc ẩn sĩ. Vào năm 1997, trước sự khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế Thái Lan, ngài đã nhập thế và bắt đầu chiến dịch vận động, kêu gọi tín đồ Phật giáo và người dân Thái Lan, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, quyên góp tài sản để xây dựng ngân quỹ nhằm khôi phục đất nước sau những ảnh hưởng nghiêm trọng do cơn khủng hoảng tài chính năm 1997 gây ra. Vào ngày 9 tháng giêng năm 2010, ngài đã chuyển giao 967 thỏi vàng, tổng trọng lượng lên đến 12 tấn và hơn 10 triệu đô-la tiền mặt cho Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Trong lần chuyển giao lượng tài sản khổng lồ mà ngài đã quyên góp được ấy, ngài đã phát biểu: “Chủ ý của tôi là biếu tất cả số tài sản mà mọi người đã cúng dường cho tôi đến Ngân hàng Trung ương Thái Lan để làm một nguồn ngân quỹ dự trữ”. 

Ngài đã viên tịch vào ngày 30-1-2011 ở tuổi 97. Ngài ra đi, Thái Lan mất đi một trong những bậc cao tăng của đất nước. Trong cuốn kỷ yếu được ấn hành sau khi ngài mất có ghi lại lời của ngài rằng: “Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 1997, tôi đã nhập thế để giúp đất nước thoát ra khỏi những bức màn đen tối, đó là bóng tối của lòng tham và sự nghèo đói. Tôi muốn người Thái nhìn thẳng vào những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, thấy rõ các nguyên nhân ấy để rồi có thể thay đổi thái độ của họ nhằm ngăn ngừa sự tái xuất hiện của cuộc khủng hoảng. Tôi đã từng hỗ trợ cho đất nước, không chỉ là chiến dịch quyên góp tiền của cho ngân quỹ quốc gia mà quan trọng hơn là góp phần truyền bá lời Phật dạy đến một bộ phận lớn người dân trong xã hội Thái Lan tại thời điểm mà nhiều người Thái đang lãng quên những nguyên tắc đạo đức của Phật giáo”.

Cũng trong cuốn kỷ yếu có ghi những điều kỳ lạ khi mẹ ngài mang thai ngài: Khi mẹ ngài mang thai ngài, có lúc thì ngài nằm yên lặng một cách lạ thường trong bào thai nên mẹ ngài nghĩ là chắc hẳn ngài đã chết, hoặc có khi thì ngài đạp quấy rất mạnh nên mẹ ngài nghĩ là có lẽ ngài sắp bị chết. Càng gần ngày sinh thì hai thái cực này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngay trước khi sinh ngài ra, cha và mẹ của ngài đều mơ thấy điềm lành. Cha ngài thì mơ thấy rằng ông nhận được một cây dao rất sắc, mũi dao nhọn và có cán bằng ngà voi, được đựng trong một cái hộp bằng bạc. Lúc ấy cho ngài cảm thấy rất vui. Còn mẹ ngài thì mơ thấy rằng bà nhận được đôi bông tai bằng vàng đẹp đến mức bà không thể nào cưỡng lại sự mong muốn được đeo nó vào và soi gương mãi mà không biết chán. Càng ngắm thì bà càng thích thú. Sau đó cha mẹ ngài kể lại giấc mơ của mình cho ông nội nghe và nhờ ông giải nghĩa hai giấc mơ ấy. Theo ông nội của ngài thì hai giấc mơ ấy ngụ ý rằng cuộc đời của ngài sẽ diễn tiến theo một trong hai thái cực: “Nếu ngài chọn lối sống bất lương thì ngài sẽ trở thành một tên tội phạm đáng sợ nhất. Cá tính của ngài sẽ rất đáng sợ, sẽ là một tên thủ lĩnh khét tiếng của băng nhóm tội phạm và sẽ không bao giờ để cho mình bị bắt sống hoặc bị tù đày, mà sẽ trú ẩn trong rừng và chiến đấu với các nhà chức trách cho đến chết. Ở thái cực khác, nếu ngài chọn con đường đạo hạnh, thì đức hạnh của ngài sẽ không có ai sánh bằng”.

Và thực tế là ngài đã chọn con đường đạo hạnh để đi, đã trở thành một bậc cao tăng thạc đức, là một bậc đại ân nhân của cả dân tộc Thái Lan. Ngay cả sự qua đời của ngài cũng đem lại lợi ích cho nước nhà. Chỉ trong vòng 10 ngày sau khi ngài qua đời, tổng số tịnh tài, tịnh vật cúng dường cho tang lễ của ngài đã lên dến 330,5 triệu baht (tương đương khoảng 11 triệu đô-la) bằng tiền mặt và séc, cộng thêm 78kg vàng. Số tài sản này cũng sẽ được chuyển giao cho Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

wwwnuoc (3).jpg

Hàng chục nghìn người đến dự tang lễ của ngài Luangta Maha Boowa

wwwnuoc.jpg

Trước khi ngài qua đời, ngài đã từng khuyên những người đệ tử của ngài không nên tiêu phí quá nhiều trong tang lễ của ngài. Trong bài trả lời phỏng vấn với phóng viên Nanfa đăng trong tạp chí của chùa Hổ (Tiger Temple magazine), ngài đã khẳng định là ngài không muốn mọi người cúng dường cho ngài để tạo phước trong khi thi thể của ngài đã nằm trong quan tài. Nhưng nếu như những tài vật ấy được dùng vì danh dự của quốc gia và lợi ích của mọi người thì ngài luôn tán thán.  

Khi tin tức về sự viên tịch của ngài được truyền đi, hàng triệu Phật tử và nhân dân Thái Lan đều cảm thấy tiếc thương. Hàng chục nghìn người đã không quản ngại đường sá xa xôi, tập trung đến chùa Pa Baan Taad để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với ngài, để đảnh lễ và tiễn biệt ngài lần cuối. Rất nhiều lều trại được dựng lên xung quanh khu vực của chùa để làm nơi ăn ở cho khách thập phương trong thời gian diễn ra tang lễ. Thi thể của ngài được đặt trong một quan tài được làm lạnh, được quàn tại linh đường của chùa Pa Baan Taad. Khách đến phúng điếu được sắp xếp thành từng nhóm và mỗi nhóm được phép vào làm lễ viếng trong vòng 3 phút.

Lễ trà tỳ nhục thân của ngài được tổ chức vào ngày 3-3-2011 tại chùa Pa Baan Taad dưới sự bảo trợ của hoàng gia Thái Lan. Rất đông chư Tăng và Phật tử đến dự lễ. Hàng nghìn cảnh sát và quân nhân có mặt để đảm bảo an ninh cho tang lễ. Hoàng hậu Sirikit là người chủ trì buổi lễ trà tỳ. Bà dâng cúng chư tăng trưởng lão 10 bộ y áo rồi đặt gỗ đàn hương và hoa vào lò hỏa thiêu. Sau đó, công chúa Chulabhorn đến đặt vòng hoa tiễn biệt. Tiếp theo là 99 vị Tăng trưởng lão và các vị thượng khách, rồi mới đến chư tăng và quần chúng nhân dân, mọi người đều được phép đặt những vòng hoa tại các điểm đã bố trí sẵn xung quanh lò hỏa táng. Ước tính hơn 1 triệu người đến phúng điếu và tham dự tang lễ của ngài.

Sau khi hỏa thiêu, tro cốt của ngài Luangta Maha Boowa được chia làm 2 phần, một phần để phân phát đến một số ngôi chùa của các vị tu sĩ ẩn tu ở trong rừng, một phần thì được đặt trong một cái hủ bằng vàng và phụng thờ tại chùa Pa Baan Taad. Ngài đã ra đi nhưng ân đức của ngài luôn được nhân dân Thái Lan tưởng nhớ, đạo hạnh của ngài sẽ mãi là nguồn lực động viên và nhắc nhở mọi người tu tập, hoàn thiện bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại đức Thích Nhuận Đức trong buổi họp kỷ luật tại Văn phòng II Trung ương GHPGVN vì những phát ngôn và thuyết giảng sai với tôn chỉ, giáo lý, giáo luật Phật giáo; đồng thời vi phạm các quy tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN; làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với Phật giáo và Giáo hội - Ảnh: VPII cung cấp

Đại đức Thích Nhuận Đức tiếp tục sám hối và xin lỗi vì lời khiếm nhã khi nói về đồng bào Khmer

GNO - Thông tin từ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Ban Trị sự đã nhận Thư sám hối và xin lỗi của Đại đức Thích Nhuận Đức (cư trú tại tổ đình Hộ Pháp, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vì đã có những lời khiếm nhã trong một video ghi hình năm 2023 khi nói về đồng bào Khmer.
Thầy Thích Đạo Nguyên với công việc làm gốm tại chùa

"Hồn đất Việt" trong những tác phẩm “Gốm chùa”

GNO - Màu tro bếp, màu nâu sồng của vạt áo, màu của đất mẹ, màu phai úa của thời gian trên những tác phẩm “Gốm chùa” gợi nhớ trong tâm thức nhiều người về ký ức xưa, đồng thời phảng phất những chiêm nghiệm về cuộc sống nhân sinh bình dị đời thường.
Phá thai: Một góc nhìn Phật giáo

Phá thai: Một góc nhìn Phật giáo

NSGN - Phá thai là một vấn đề đã có từ xa xưa và trở thành một đề tài gây tranh luận gay gắt trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đạo đức, chính trị và tôn giáo.

Thông tin hàng ngày