Ngày đầu tiên đi học của tôi

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày đầu tiên đi học của tôi không có "một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh" như trong tác phẩm Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.

Tôi chỉ nhớ đó là một ngày nóng nực, trời trong vắt, chẳng có đám mây bàng bạc hay không khí mát mẻ gì của một mùa thu êm ả cả. Lũ trẻ trong xóm, có cả tôi, đang ùa nhau ra con mương kế bên nhà để tắm, thi nhau lặn hụp, bày đủ thứ trò để trốn cái nắng cháy da.

Chợt anh trai tôi xuất hiện và giục về nhà có việc gấp. Tôi nghĩ: “Thôi xong, chẳng lẽ mẹ phát hiện mình trốn đi chơi?”. Thế là tôi mặc vội cái quần xà lỏn cũ, đã thun lại với nhiều vòng lò xo, lóc cóc theo sau.

Chờ tôi chẳng phải là cây roi mẹ hay để ở góc nhà như mọi khi, mà thay vào đó là ánh mắt đầy phấn khởi và nụ cười rạng rỡ. Có lẽ đó là nụ cười tươi nhất từ trước đến nay mà đứa nhỏ như tôi có thể thấy trên khuôn mặt của mẹ. Dù sau này, tôi cũng thấy mẹ cười nhiều hơn nhưng với tôi đó vẫn là nụ cười đẹp nhất.

Chỉ tay vào cái áo trắng xếp gọn gàng trên giường, mẹ bảo: “Mặc áo quần vào, rồi theo chú đi học đi con”. Tôi ngớ ra, theo chú nào, đi học cùng với ai đây nhỉ? Hóa ra vẫn còn một người đàn ông đứng sau lưng mẹ tôi, mãi suy nghĩ lung tung nên tôi chẳng thấy.

“Đi gặp thầy cô, bạn bè mới, học chữ thôi con”, chú nói. Tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra nhưng cũng phải làm theo lời mẹ. Hồi ấy, thằng nhóc đen xì vì trốn ngủ trưa đi bắt cá ven sông, tay chân lấm lem bùn đất như tôi thấy cái áo trắng tinh tươm là... hoảng cả lên.

Ngày đầu tiên đi học của tôi không có "một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh" như trong tác phẩm Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.

Ngày đầu tiên đi học của tôi không có "một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh" như trong tác phẩm Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.

Cảm giác lạ lắm, vừa lo lắng, vừa khoái bộ áo quần này. Trân trọng và không chóng chán như khi nhận cái vụ (con quay) mới, con diều giấy hay chùm dây thun từ anh trai. Chẳng nỡ để bàn tay đầy đất của mình chạm vào cái áo đó cả. Rồi tôi cũng thay áo quần xong và ngồi trên yên phía sau xe của chú đến trường.

Ngày đầu tiên đi học của tôi chẳng phải là cậu bé được "mẹ âu yếm nắm tay dẫn đi trên con đường làng", cũng chẳng có "tiếng í ới của mấy cậu nhỏ trạc tuổi tôi trên đường". Duy chỉ giống với cảm xúc đó mà thôi, tất cả mọi thứ đều thay đổi đối với thằng nhóc như tôi.

Ngồi sau xe mà lòng tôi hoang mang nhiều thứ. Tuy vậy, đây cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự an toàn, che chở của một người cha. Nhìn bóng lưng to lớn, đầy vững chắc trong từng chuyển động của người đàn ông trước mắt, tôi ao ước đủ điều. Chừng đấy thôi cũng khiến tâm hồn của một đứa nhỏ như tôi run lên sung sướng.

Cảm giác vừa sợ hãi, vừa thích thú cứ chiếm lấy hết tâm trí của tôi. Cha mất sớm, từ nhỏ cứ quanh quẩn bên mẹ, có chăng cũng chỉ được anh trai chăm sóc, bảo vệ mà thôi. Bỗng đâu được một bờ vai to lớn, vững chãi che chở, không hạnh phúc cũng lạ.

Nơi khởi đầu chân trời mới của tôi
Nơi khởi đầu chân trời mới của tôi

Đến trường, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. May mắn thay cô Hoa, cô giáo đầu tiên trong đời của tôi nhanh chóng dẫn tôi tới cái ghế trống để xua tan đi nỗi sợ hãi của đứa học trò lần đầu đến lớp. Cô hướng dẫn tôi cách ngồi học, cách cầm bút, cách nhìn lên bảng theo dõi cô giảng bài.

Đầu óc tôi lúc đó rối tung cả lên, chới với chẳng biết bám víu vào đâu. Bóng lưng an toàn duy nhất là chú tôi bây giờ cũng đã lẳng lặng rời xa khỏi tầm mắt. Cũng chẳng có mẹ để dúi đầu vào lòng mà trốn tránh hay nhận được cái vuốt ve an ủi của bà. Chỉ chực khóc nhưng phải kìm lại vì xung quanh tôi ai cũng nhìn mình.

Theo suốt tôi trong ngày đầu tiên đi học chỉ là đôi tay nhỏ nhắn và mềm mại của cô giáo. Đôi bàn tay này vuốt ve an ủi tôi, cùng với hương thơm thoang thoảng mùi bồ kết từ mái tóc của cô rất dễ chịu, trấn an nỗi lo sợ trong tôi. Nó khác xa với đôi tay chai sạn của mẹ tôi cũng như mùi mồ hôi luôn nhễ nhại vì làm việc của bà. Nhờ sự ân cần đó mà tôi cũng dần thích ứng với từng chữ cái, con số và làm quen với bạn bè.

Mãi sau này tôi mới biết, thì ra tôi nhập học khá muộn, trễ đâu phải mấy tháng. Nhà nghèo, thiếu thốn đủ thứ, đến tuổi vào lớp 1 nhưng mẹ chẳng kiếm đâu ra tiền may áo quần, mua sách vở, nộp học phí nên tôi phải ở nhà. Thậm chí, cái nghèo nó đeo đuổi mãi tôi suốt thời gian còn đi học. Trước ngày nhập học, mẹ tôi mới kiếm được ít tiền để mua sách vở, tập bút cho tôi. Nhiều lần không đủ tiền thế là phải ký “nợ” trả dần, may mắn thay là luôn được họ chấp nhận. Những lúc đó, anh em tôi háo hức chạy theo mẹ sắm sửa, tranh nhau từng cuốn tập in hình cầu thủ bóng đá, cái nhãn vở đầy màu sắc cuốn hút chứ không hề nghĩ được những lo toan mà mẹ đang chịu đựng.

Rồi chú tôi, sau này theo Phật, trở thành một vị thầy tu. Ông là người đã thay mẹ đưa tôi đi học, tiếp xúc với con chữ đầu đời, giúp tôi mở mang tri thức. Và giờ đây, cũng chính ông với hình ảnh đầu tròn, áo vuông giản dị và những giáo lý căn bản về đạo đức, việc làm phụng sự chúng sanh của ông làm tôi khởi lên tín tâm với Phật giáo. Tôi và gia đình sau này cũng được ông hướng dẫn quy y Tam bảo, trở thành những người con Phật với đời sống thiện lành, hữu ích.

Nhân duyên ươm mầm với Phật giáo
Nhân duyên ươm mầm với Phật giáo

Giờ đây, mỗi lần thấy các em đi học, lòng tôi lại nao nao nhớ về những tháng ngày xưa. Ngày đầu tiên đi học của tôi không chỉ có ý nghĩa là được tiếp xúc với con chữ, với thế giới mới, mà nó còn là bước đệm giúp tôi nhận ra thế giới xung quanh vẫn hiện hữu rất nhiều điều tốt đẹp.

Từ bộ quần áo trắng tinh tươm, bóng lưng ấm áp của chú, đôi tay mềm mại của cô… rồi đến hình ảnh một vị chân tu... Những nhân duyên ban sơ đó đã ươm mầm cho tôi đến với Phật giáo, đó là sự thay đổi lớn nhất trong tâm hồn của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày