Theo niềm tin đơn sơ ấy, cộng với một chút khả năng viết văn, tôi quyết định học báo chí. Tôi đạt được “nguyện vọng 1” của kỳ thi tuyển sinh đại học với số điểm sát rạt điểm chuẩn. Khăn gói vào Sài Gòn, tôi được học nghề mà mình chọn bằng cả nỗ lực, đam mê.
Thầy cô dạy nghề trên giảng đường bảo: Hãy viết báo ngay khi còn là sinh viên. Thế là tôi và những người bạn của mình bắt đầu dấn thân. Chúng tôi đọc báo và tập viết theo “gu” của tờ báo đó, rồi chọn mục phù hợp trong khả năng của sinh viên mà viết. Cứ gửi, rồi sẽ được “nhớ tên”, và tòa soạn sẽ sử dụng bài của mình. Tôi được một đàn anh khuyên. Các thầy cô trong những bộ môn như viết tin, phóng sự cũng bảo thế.
Và thật như thế. Những bài viết đầu tiên không được sử dụng, tôi không nản, vẫn viết và nỗ lực của mình được đáp lại bằng một mẩu đăng, dù chỉ vài ba trăm chữ. Có lẽ, với người viết, kỷ niệm khó quên nhứt sẽ là bài viết đầu tiên được đăng báo. Hạnh phúc, lâng lâng cả mấy ngày.
Tác giả khi mới vào nghề 5 năm, trong lần tác nghiệp ở chùa Hoằng Pháp - Ảnh: Phong Châu |
2. “Văn ôn võ luyện”. Nghề nào để có thể làm được, quen tay, trưởng thành thì cũng đều cần rèn luyện thường xuyên, bắt đầu với những ngày tập tành như thế.
Với nghề báo, việc học là mỗi ngày và cần phải làm mới cách viết, cách thể hiện đề tài để không trở nên chai cứng. Đó là những điều tôi được nhắc nhở từ những người thầy, người anh, người chị trong nghề. Họ dạy mình nuôi nghề bằng cảm xúc và tự trọng với công việc để mỗi sản phẩm đến tay người đọc, hay khán thính giả phải là sự chắt chiu chữ nghĩa, có hàm lượng chất xám chứ không hời hợt, cho có. Từ một bản tin đọc nhanh đến bài phóng sự hay xã luận đều phải được “sản xuất” bằng tinh thần ấy. Tất nhiên, đó không phải là áp lực khiến mình phải mệt nhòi, mà từ sự tự do, phóng khoáng của chữ nghĩa, uyển chuyển linh hoạt, nhẹ nhàng. Để đạt được điều này, mình phải viết nhiều, đọc nhiều.
Kiến thức và kỹ năng chính là hai điều kiện cần, để mình có thể “chơi với chữ” chứ không phải “vật lộn” thì mới ra được một tác phẩm nào đó. Hai điều kiện đó đều phải học và học mỗi ngày ngay cả khi đã làm báo lâu năm.
3. Thực sự, tôi rất biết ơn những người thầy trong nghề của mình. Họ dạy tôi chuyên môn và cả đạo đức làm nghề. “Bút sắc, lòng trong” không phải là câu nói suông mà bằng chính ngòi bút của các vị ấy.
Tôi học được cả ở nhân vật của mình, những người vừa giỏi và có tâm rộng, nhìn cuộc sống và biểu hiện nơi cuộc đời với đôi mắt từ bi, uyên bác. Có những cuộc phỏng vấn 2-3 tiếng đồng hồ, mình không thấy mệt mà ngược lại được nuôi dưỡng. Năng lượng an lành từ họ khiến mình về nhà vẫn thấy nhẹ trong lòng, viết bài một mạch là xong, chuyển tải được gần như trọn vẹn cái ý, cái tình của nhân vật.
“Cảm ơn con đã giúp thầy chia sẻ với bạn đọc”, “Cảm ơn em đã làm cầu nối để chị được sẻ chia”… Những tin nhắn đó chính là món quà mà tôi nhận về sau những bài báo. Có những bạn đọc trở thành bạn khi tâm đắc một vấn đề mà mình chia sẻ, bằng “mắt thương”, không dùng từ đao to búa lớn.
Chơi với chữ, làm bạn với chữ, biết ơn chữ nghĩa và những tâm rộng của những người có đạo tâm, đạo tình lớn. Chính họ đã cùng tạo nên tác phẩm, đồng tác giả nhưng không ký tên cùng mình. Tôi biết, dù làm nghề nào chúng ta cũng không thể tự mình, một mình mà ‘ra ngô ra khoai’ được. Nói như Thượng tọa Tổng biên tập Báo Giác Ngộ trong buổi họp mặt sáng 21-6 tại tòa soạn, với niềm xúc động rằng, có những người thầm lặng sau mặt báo, họ làm những công việc khác, giản dị, tất cả đã cùng góp nên thương hiệu, thành công của báo.
Làm nghề và sống với lòng biết ơn, tự dưng mình sẽ muốn viết những bài giúp nuôi dưỡng tâm hồn người đọc, khán thính giả của mình. Những bài báo có thể chưa giúp họ qua bờ bên kia, hết khổ, nhưng ít nhứt cũng đừng làm họ phải nặng lòng thêm. Tôi nghĩ đó cũng là những bài viết nuôi dưỡng chính mình, để ngòi bút của mình không xáo động mỗi khi đặt xuống một trang viết, xuất bản một sản phẩm, dẫu thế sự có lắm nỗi lao xao…