Nghĩ mình hai thứ tóc

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau một đêm trời đất mưa gió tơi bời, ta thức dậy với ý nghĩ nghe đã quen: Thì ra mình vẫn còn đây, chưa sao cả!
Ảnh minh họa - Nhuận Thường

Ảnh minh họa - Nhuận Thường

Thân xác già cỗi và yếu đuối này vẫn còn tồn tại nơi đây, trên cõi đời ô trọc này!.. Ta lần bước ra trước sân, lại phải nhìn thấy rất nhiều lá vàng khô còn ướt đẫm nước mưa rơi đầy khắp nơi. Chỉ có lá vàng mới rơi rụng, tất cả lá xanh đều còn đủ trên cây! Tuổi “cổ lai hy” rồi mới biết quan tâm đến lá vàng ! Đó cũng là “quy luật” sao ta ơi ?

Ta đang chứng kiến cảnh xác con bướm to bằng hai ngón tay được khoảng chục con kiến đưa về cõi vĩnh hằng của nó. Kèn trống, cờ xí, tụng niệm hoàn toàn không có nên cuộc tiễn đưa diễn ra thật im lặng. Với con người thì ai cũng thích bày ra đủ thứ nghi lễ rắc rối để rồi cuối cùng thì người quá cố vẫn phải chịu cảnh nằm yên dưới ba tấc đất lạnh giá và cô đơn... Đây có phải là lúc “hư vô” đang hiện ra quanh cái xác chết của đời một con bướm? Hay đây là sự im lặng cần cho một kẻ đã vì cuộc đời mà phải lìa đời? Có người bảo khi sống, con bướm không chịu tạo nghiệp nên nay đám tang chẳng có ma nào đi tiễn cho một đoạn đường - trừ chủ nhà là ta cũng do tình cờ mà gặp.

Lại có người lại bảo trước đây đám kiến lửa này “mắc nợ” con bướm nên giờ phải nai lưng ra mà khiêng cái xác đời bay bướm kia về tới tận nơi nào chúng thích chứ không phải cõi vĩnh hằng nào cả! Nhưng làm gì có cõi-vĩnh-hằng cho một con bướm? Không ai dám khẳng định là “có” cả !

Ta vừa ăn sáng và uống cà-phê ngay trước hiên nhà. Trời mưa nhiều nên lạnh. Ta mặc thêm áo gió, nhìn chung quanh đang chờ nắng lên thật to. Rồi nắng cũng phải lên đúng vào giây phút bừng sáng của nó. Như tiếng chuông chùa bên kia sông tới giờ công phu phải vang lên nhằm nhắc nhở con người sống từ bi để “tạo nghiệp”!

Cây lá, rác rưới rơi đổ tơi bời và ngổn ngang đầy một sân. Tuổi già rồi nên đành mặc kệ chúng ra sao cũng được để ta khỏi phải uống thuốc khỏe sau khi cố ra tay quét dọn. Nhưng này, tối nay chắc trời lại mưa to gió lớn theo việc làm có sẵn của tạo hóa đã bao đời nay. Rồi ta lại phải đi dọn dẹp nữa sao? Đã biết đó là quy luật rồi mà sáng nào cũng diễn đi diễn lại cảnh “quét lá đa” ấy! Ta mỉm cười nhưng rồi không biết cười ai và cười vì điều gì! À thì ra ta lại cười mình sao mà “vụng đường tu” để rồi... Thôi thì giờ đây chỉ còn lại mình với ta mà thấy vui vui... Rồi ta lại đưa mắt nhìn quanh mãi vẫn không sao tìm thấy được “một nhành mai” như trong bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư ( 1051-1096 ) :

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhỡn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Cành mai trắng ấy là cả cuộc đời này với tất cả những hỷ nộ ái ố vốn là bản tính con người xưa nay... Nếu trời đất vẫn cứ đổ mưa gió, bão bùng xuống nữa, sáng mai ta lại ra sân tìm cho mình “một cành mai” khác của mưa gió và của cuộc đời già nua và bệnh hoạn...

Khi chợt nhớ chuyện xác con bướm, ta thấy bọn kiến đang tìm cách đưa con bướm lọt vào cái khe hẹp giữa hai cục gạch ở ngay dưới bậc tam cấp ta ngồi. Này, ta đã biết hang ổ của bọn kiến lửa rồi đó nha! Chúng mày chẳng ở đâu xa nên hèn chi có gì rơi rớt ra là có mặt chúng mày ngay tức thì là vậy! Sao chúng mày “giống” bọn-con-người của ta quá vậy? Cứ nghe tới miếng ăn, tới quyền lợi riêng là có mặt ngay, rất nhanh! Nhưng bọn kiến thì đâu cần phải suy nghĩ này nọ chi cho vừa mệt xác lại vừa mất thời gian như con người khi phải “ăn để sống”!

Đã tới nửa đêm lại rồi! Ta đang chờ cơn mưa to như đêm qua. Ta sẽ vui vẻ đón nhận nó như một người bạn thân thiết nào trong đời. Rồi sáng mai ta lại gặp cảnh đàn kiến đưa tang có thể là một con sâu hay xác một con chim nào bị mưa gió dập vùi về cõi vĩnh hằng của nó... Không có cái chết nào khác nhau - kể cả ta trong nay mai. Bất ngờ, ta nghe tiếng chuông chùa bên sông lại thong thả buông từng tiếng vang vọng trong không gian vắng lặng của một đêm sâu buồn cô tịch ...

Nghe tiếng hài nhi khóc

Ta nghĩ về mùa xuân

Nghĩ mình hai thứ tóc

Chưa hiểu hết vô thường!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày