Ngôi chùa Việt Trúc Lâm Kharkov vẫn còn nguyên vẹn giữa vùng chiến sự khốc liệt ở Ukraine

Chùa Trúc Lâm Kharkov trong mùa tuyết ở Ukraine - Ảnh: CTLK
Chùa Trúc Lâm Kharkov trong mùa tuyết ở Ukraine - Ảnh: CTLK
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kharkov là một trong những nơi bị oanh tạc khốc liệt trong cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine những ngày qua. Tuy nhiên Ukraine đã bác đề xuất thiết lập hành lang nhân đạo tại Kharkov (và cả Sumy).

Tại thành phố Kharkov, chỉ hơn nửa tháng trước vẫn thanh bình. Ngôi chùa Việt với tên gọi theo địa danh "Trúc Lâm Kharkov" vẫn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Việt tại Ukraine nói chung và thành phố Kharkov nói riêng, rất đông bà con đã đến dự lễ cầu an rằm tháng Giêng theo tín ngưỡng truyền thống.

Vậy mà, nay Kharkov đã trở thành chiến sự, nhiều nơi bị pháo kích, hoang tàn.

Cảnh hoang tàn của thành phố Kharkov sau khi bị Nga pháo kích hôm 1-3-2022 - Ảnh: Reuters

Cảnh hoang tàn của thành phố Kharkov sau khi bị Nga pháo kích hôm 1-3-2022 - Ảnh:

Reuters

“Hiện tại ở Kharkov đang là vùng chiến sự rất nguy hiểm, nên nhiều người đã di chuyển về miền Tây, giáp ranh với Ba Lan để lánh nạn. Những cơ sở của người Việt Nam tại đây cho đến nay chưa bị tổn thất gì và chùa Trúc Lâm Kharkov vẫn còn bình yên, nguyên vẹn”, Thượng tọa Thích Quang Điền, vị Tăng đang đảm trách Phật sự điều hành chùa Trúc Lâm Kharkov (Ukraine) cho biết qua điện đàm hôm 5-3.

Thượng tọa Thích Quang Điền cho biết thêm mong muốn của chư Tăng và Phật tử tại đây trước mắt là tránh được chiến tranh khốc liệt đang diễn ra, việc ở lại, di tản ở nước thứ ba hay trở về quê hương Việt Nam sẽ được quyết định sau.

Chư Tăng chùa Trúc Lâm Kharkov hướng dẫn Phật tử trong lễ rằm tháng Giêng vừa rồi - Ảnh: CTLK

Chư Tăng chùa Trúc Lâm Kharkov hướng dẫn Phật tử trong lễ rằm tháng Giêng vừa rồi - Ảnh: CTLK

Chùa Trúc Lâm Kharkov là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của cộng đồng người Việt tại Ukraine, được xây dựng năm 2007 với sự phát tâm công đức của cư sĩ Phạm Nhật Vượng (tập đoàn Technocom).

Tháng 9-2008, Trung ương GHPGVN đã cử đoàn chư vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp sang Ukraine dự lễ khánh thành, bổ nhiệm trụ trì và công nhận Hội Phật tử Việt Nam tại đây, thuộc GHPGVN.

Hiện tại, chùa có chư Tăng do GHPGVN cử sang đảm nhiệm điều hành các hoạt động Phật sự, tu học và thực hành tín ngưỡng truyền thống dân tộc cho bà con người Việt sinh sống, làm việc xa quê hương.

Ngôi chùa Trúc Lâm Kharkov trong tuyết trắng - Ảnh: CTLK

Ngôi chùa Trúc Lâm Kharkov trong tuyết trắng - Ảnh: CTLK

Hôm 3-3, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương thay mặt GHPGVN đã có thư thăm hỏi chư Tăng tại chùa Trúc Lâm Kharkov và Hội Phật tử Việt Nam tại Ukraine.

Thượng tọa viết: “Những người Phật tử, nhất là người Việt Nam chúng ta đã thấu hiểu nỗi đau thương của chiến tranh và luôn luôn mong muốn cuộc sống hòa bình. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho hòa bình, chấm dứt xung đột vũ trang, cầu nguyện cho sự đối thoại hòa bình vì sự bình yên của nhân loại”.

Phật tử người Việt tại Ukraine đến chùa Trúc Lâm Kharkov tu học - Ảnh: CTLK

Phật tử người Việt tại Ukraine đến chùa Trúc Lâm Kharkov tu học - Ảnh: CTLK

Văn thư cũng cho biết Giáo hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Việt Nam để có những giúp đỡ kịp thời cho bà con cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine sớm được ổn định cuộc sống. Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN sẽ đề nghị Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu tổ chức đón tiếp bà con cộng đồng người Việt Nam di chuyển từ Ukraine sang các nước châu Âu sẽ nhận được sự trợ giúp kịp thời.

Chùa Trúc Lâm Kharkov là một trong những trung tâm văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo cộng đồng người Việt tại Ukraine đến sinh hoạt, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc nơi xứ người - Ảnh: CTLK

Chùa Trúc Lâm Kharkov là một trong những trung tâm văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo cộng đồng người Việt tại Ukraine đến sinh hoạt, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc nơi xứ người - Ảnh: CTLK

Giáo hội cũng đã chỉ đạo các chùa Việt tại Ba Lan cũng đã và đang tổ chức tiếp đón đồng bào, người dân lánh nạn xung đột vũ trang tại Ukraine.

Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã có phương án đón 7.000 người Việt tại Ukraine phân bổ ở 3 thành phố chính là Kiev, Kharkiv, Odessa về nước an toàn. Được biết, sáng mai 7-3, dự kiến chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước sẽ khởi hành và hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài ngày 8-3-2022.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày