Người dân xứ Nghệ lễ Phật rằm tháng Giêng

GNO - Đi chùa cầu an đúng ngày rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành nét văn hóa của người Việt với quan niệm: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” - bởi vậy từ tối qua, ngày 14 tháng Giêng và sáng nay, rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất nhiều người dân và Phật tử đã nô nức lên chùa lễ Phật cầu an.

huutinh1.jpg


Nhiều người cầu nguyện an lành dịp rằm tháng Giêng tại chùa Đại Tuệ

Có mặt tại chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) vào chiều ngày 14 tháng Giêng, bạn Nguyễn Xuân Hoàng, sinh viên năm cuối Trường Đại học Vinh chia sẻ: “Năm nay là năm cuối của em nên em cùng bạn bè đến chùa cầu mong cho việc học được thuận lợi, mong sao sau này ra trường sẽ xin được việc đúng như mình mong muốn”.

Xuân Hoàng cho biết thêm, bạn là thành viên trong Câu lạc bộ của chùa Hà (Nam Đàn) vào các dịp lễ tết hay công việc ở chùa vào các ngày nghỉ học bạn thường đến để làm công quả.

Ghi nhận của CTV Giác Ngộ, dịp này, nhiều người cũng đã lên chùa Đại Tuệ để vãn cảnh, chiêm bái Phật ngọc Lưu Ly, cầu an trong ngày rằm đầu tiên của một năm.

Tại chùa An Thái (Quỳnh Lưu) vào sáng ngày rằm tháng Giêng, chị Trần Thị Bình (48  tuổi) xã Quỳnh Long tâm sự: “Hằng năm vào ngày 1 Tết và rằm tháng Giêng tôi và con dâu thường đi chùa cầu an, mong cho con cháu, gia đình có đầy đủ sức khỏe, luôn bình an và mọi chuyện thuận lợi”.  

Không chỉ người cao tuổi hay Phật tử mới đi lễ chùa mà khá đông người trẻ cũng đến chùa trong những ngày này. Bạn Nguyễn Thị Nhung, học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Mậu đang thắp hương ở chùa Đông Yên (Quỳnh Lưu) cùng với một số bạn trẻ khác cho biết: “Chúng em hằng ngày thường bận việc học nên chỉ đi chùa 1 hoặc 2  lần vào dịp đầu năm hay rằm tháng Giêng”. Theo các bạn, đi chùa để cầu nguyện được thành tựu việc học.

Ngoài ra, những người trẻ tới chùa còn mang tâm niệm đến để tìm kiếm sự cân bằng, tĩnh tâm: “Những lúc cảm thấy trong lòng bất an, có chuyện không vui  em thường đến chùa để tụng kinh, niệm Phật cùng các Phật tử ở chùa như tìm về một chốn bình yên, về chùa em thấy như về một chốn bình yên,  đặc biệt khi công quả ở chùa thì không thấy mệt mà thấy rất vui”, bạn Trần Thị Như Quỳnh chia sẻ.

Để cầu an, một số gia đình còn rất coi trọng mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng, đặc biệt đối với những gia đình là Phật tử. Chị Đào Thị Vần, thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cho biết: “Rằm tháng Giêng năm nào cũng vậy, gia đình tôi lại làm một mâm cúng chay, gồm hoa quả, xôi, chè...; cúng vào đúng giờ ngọ với ước nguyện cả năm mọi việc được hanh thông, trôi chảy và thuận lợi”.

Chị Vần cho biết thêm, các năm trước đây, gia đình cũng hay đốt vàng mã nhưng năm nay gia đình không đốt vàng mã tại gia đình cũng không mang vàng mã lên chùa. 

huutinh2.jpg
ĐĐ.Thích Hải An - chùa An Thái (Quỳnh Lưu) hướng dẫn Phật tử đến lễ Phật sáng 15 tháng Giêng

Đốt vàng mã, chuyện xóa bỏ tục lệ này đang được mọi người quan tâm và đồng thuận, ủng hộ nhiều, nhất là khi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đưa ra đề nghị bằng văn bản. Tất cả những ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An hầu như không có chùa nào đốt vàng mã từ trước tới nay. Người dân cũng như Phật tử chia sẻ không nên quá lãng phí vào việc đốt nhiều vàng mã, hay chưng cất hoa tươi quá nhiều trong các dịp lễ Tết, quan trọng là bản thân mỗi người phải sống tốt, làm việc thiện.

“Rằm tháng Giêng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, là thời điểm thích hợp nhất để cầu sự an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới phật tử và bà con nhân dân, người dân cũng không nhất thiết phải cúng lễ ngày rằm tháng Giêng hoành tráng. Cần nhất là tâm an yên, có tấm lòng thương yêu đồng bào nghèo khó, chăm chỉ làm việc thiện, sống có phúc, biết hướng người thân hướng về Tam bảo”, ĐĐ.Thích Tuệ Minh, Trưởng ban HDPT Phật giáo tỉnh Nghệ An khuyến cáo Phật tử.

Hữu Tình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày