Nghệ An: Tết Mậu Tuất, đông Phật tử về chùa lễ Phật

GNO - Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, nhiều chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An như chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Chí Linh (Yên Thành), chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Diệc, tổ đình Cần Linh (TP. Vinh)… đón rất đông du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh và thắp hương cầu mong cho năm mới tốt lành.

28383710.jpg
Trung bình mỗi ngày chùa Đại Tuệ đón khoảng 5.000 hành hành hương, tham quan, chiêm bái lễ Phật


Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của khách thập phương đến chiêm bái, nhà chùa đã tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Ghi nhân tại chùa Đại Tuệ mỗi ngày có 5.000 khách, tại chùa Cổ Am và chùa Chí Linh bình quân mỗi ngày có 3.000 du khách về dâng lễ.

Trước lượng khách tăng đột biến trong những ngày đầu năm, nhà chùa đã chủ động phối hợp với lực lượng công an địa phương tăng cường lực lượng bảo vệ, thanh niên tình nguyện hướng dẫn tới địa điểm trông xe miễn phí, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không để người ăn xin trong khu vực, hướng dẫn khách tuân thủ mọi quy định khi đi lễ. 

Chị Trần Thị Minh, Phật tử ở TP.Vinh cho biết: “Năm nào đầu xuân gia đình tôi cũng lên chùa Đại Tuệ lễ Phật, năm nay nhà chùa tổ chức Lễ hội hoa đào và triển lãm Phật ngọc Lưu Ly, gia đình về đây đi lễ chùa không đơn giản chỉ để ước nguyện về sức khỏe, mà đó còn là khoảnh khắc hòa mình vào chốn tâm linh".

Theo chị Minh, đây cũng là dịp để giáo dục các con về những giá trị tốt đẹp của truyền thống, cội nguồn, về nét đẹp của văn hóa tâm linh khi đến với cửa Phật. "Đến đây tôi thấy thực sự rất hài lòng về cách bố trí bãi gửi xe miễn phí của nhà chùa - giúp giảm bớt một phần chi phí, đảm bảo an toàn cho người dân, không phải lo lắng về việc gửi xe ở đâu khi lên chùa”, chị Minh nhận xét.

Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV để thờ Phật Bà Đại Tuệ, Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đến nay chùa Thượng trong khuôn viên chùa Đại Tuệ đã hoàn thành với Bảo tháp Đại Tuệ cao chín tầng với chiều cao 32m thờ thất Phật và Phật Mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc, đại hùng bảo điện 2 tầng với diện tích 1.200m2, nhà Tổ đường diện tích 300m2, nhà thờ Ngũ đế diện tích 300m2, nhà kỷ niệm đường 250m2, Hồ Tiên (ao sen) diện tích 500m2 cùng với khu Tăng xá.

Toàn bộ hệ thống tượng pháp trên đại tháp chùa Thượng được thiết kế toàn bằng ngọc quý; tượng pháp trong đại điện cũng như Tổ đường và nhà thờ Ngũ đế được làm từ gỗ dâu nguyên khối. 

Tại chùa Cổ Am những ngày đầu xuân, hàng ngàn người dân và Phật tử đã đổ về chùa. Từng dòng xe nối dài và hàng nghìn du khách chen chân lên chính điện. Không chỉ người lớn tuổi đi lễ chùa, mà các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, thầy cô giáo cũng tấp nập đến chùa để bày tỏ lòng thành tâm, hiểu thêm về nét đẹp văn hóa tín ngưỡng nơi cửa Phật.

Cô giáo Hoàng Thị Hà từ Quỳnh Lưu vào chùa Cổ Am (Diễn Châu) nói: “Lần đầu gia đình đi chùa Cổ Am - cảm giác thật bình an". Cô cùng mộ số người bạn và các em học sinh đầu năm đi lễ chùa để tìm hiểu thêm về đạo Phật về những nét đẹp của văn hóa tâm linh và cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với gia đình, người thân và mọi người.

Chùa Cổ Am được xây dựng thời hậu Lê, là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở Diễn Châu. Trải qua hơn 600 năm với nhiều dấu ấn lịch sử, chùa đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3211/QĐ/BT ngày 12-12-1994. Năm 2017, nhà chùa đã khánh thành đưa vào sử dụng ngôi đại hùng bảo điện, nhà Tăng, đại tượng Quan Âm 3 mặt, vườn La-hán, động Như Ý - đây là một trong những lý do dịp đầu năm Mậu Tuất lượng khách về chùa lại tăng hơn so voi những năm trước.

Tại chùa Chí Linh, bắt đầu từ đêm 30 Tết khách thập phương khắp nơi đã về chùa rất đông và từ đó đến nay mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến với chùa để thắp hương lễ Phật. Đặc biệt, ngay tại lễ khai pháp hội cầu an đầu năm, nhà chùa đã chuẩn bị 10.000 suất cơm chay phục vụ Phật tử, du khách… đến hành hương, chiêm bái lễ Phật.

Chùa Chí Linh từ lâu là cụm văn hóa tâm linh khá nổi tiếng, chùa Gám thờ các vị thần có công bảo quốc, hộ dân: Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Tam tòa Đại vương... Chùa Gám có lối kiến trúc, điêu khắc, hoa văn và họa tiết được xác định là công trình kiến trúc Phật giáo theo tông phái Trúc Lâm. Hằng  năm, vào dịp lễ hội đền - chùa Gám được tổ chức từ ngày 14 tới 16-2 (âm lịch) có hàng vạn khách thập phương du Xuân, đến chiêm bái cảnh chùa.

Có mặt tại tổ đình Cần Linh (TP.Vinh), CTV Giác Ngộ online ghi nhận, mặc dù chùa đang trong quá trình trùng tu, xây dựng nhưng lượng du khách đổ về chùa rất đông, các bãi xe đều không còn chỗ trống.

Rất đông du khách, Phật tử đứng chờ lấy cơm chay do nhà chùa phát vào lúc giữa trưa. Trong chính điện, hàng nghìn Phật tử đang ngồi nghe Ni sư trụ trì giảng pháp. 

Do nét đẹp trong văn hóa nơi cửa Phật, dù lượng du khách đông trong những ngày đầu Xuân tại các chùa, nhưng với sự sắp xếp khoa học của trụ trì chùa và ý thức của mọi người nên không có sự lộn xộn, chen lấn, thắp hương tràn lan. Từng dòng người đi lễ chùa trong sự náo nức nhưng trang nghiêm, thành kính linh thiêng. Mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với Đức Phật...

Hữu Tình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày