Nguyện ước thiện lành

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1136 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1136 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đức Phật thị hiện trên cõi đời này vì một nhân duyên lớn “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Trên hành trình vận chuyển bánh xe Pháp, Đức Thế Tôn tùy duyên và căn cơ mỗi chúng sinh mà hóa độ.

“Chúng sinh đa bệnh, Phật pháp đa phương”, trong 84 ngàn pháp môn hướng dẫn mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, cầu nguyện là một pháp môn quan trọng. Kinh Nguyện (số 105, kinh Trung A-hàm) đã nêu lên 12 ước nguyện chính đáng của một hành giả tu đạo giải thoát.

1- Mong Đức Thế Tôn thăm hỏi, nói chuyện với ta và thuyết pháp cho ta nghe.

Được làm thân người là khó, gặp Phật pháp lại càng khó hơn nên vị Tỳ-kheo được sinh trong thời Phật tại thế, được xuất gia tu hành, mong muốn được Đức Thế Tôn thăm hỏi, nói chuyện và thuyết pháp khai thị. Đây là cơ hội để vị Tỳ-kheo học hỏi, nương bóng mát từ bi và trí tuệ của Như Lai mà tu tập.

2- Nhờ ta mà khi những người trong thân tộc mạng chung, họ được sinh lên cõi lành.

Theo giáo lý đạo Phật, người trên thế gian chịu bốn ơn lớn: Ơn cha mẹ, ơn Tam bảo, ơn Tổ quốc và ơn chúng sinh. Hơn thế nữa, người xưa có câu: “Một người tu hành đắc đạo thì cửu huyền thất tổ được siêu thăng”. Như vậy hành giả phải song hành tự độ và độ tha, đem công đức tu tập của mình hồi hướng đến những người thân hiện còn được bình an và người đã qua đời thì được sinh lên cõi lành.

3- Mong các thí chủ cúng dường tứ sự cho ta: y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang; do nhân duyên này, họ sẽ có nhiều công đức, đại quang minh, nhiều phước báo.

Người xuất gia tu tập con đường Trung đạo, không tham đắm dục lạc và cũng không khổ hạnh ép xác. Do đó mong cầu của vị Tỳ-kheo là được các thí chủ cúng dường tứ sự: y phục, đồ ăn uống, giường nằm, thuốc thang để làm phương tiện tu hành. Do nhân duyên hộ trì này, cầu nguyện cho các thí chủ có nhiều công đức, luôn sáng suốt, nhiều phước báo.

4- Mong ta có thể nhẫn chịu được đói, khát, lạnh, nóng, muỗi ruồi châm chích, sự áp bức của gió, mặt trời, bị tiếng xấu, bị đánh đập, bản thân bị tật bệnh rất đau khổ, cho đến mạng sống sắp tuyệt, đối với tất cả khổ thọ, ta đều có thể kham nhẫn.

Sau khi Thành đạo, nhìn về con đường tu tập đã đi qua, Thế Tôn đúc kết thành kinh nghiệm quý giá: “Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nghĩa là nhẫn lực và tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này trọn chẳng thành Vô thượng Chánh chân Chánh đẳng giác”. Như vậy, kham nhẫn là một trong hai lực quan trọng mà người tu có thể xem là bí quyết để thành công trên đường đạo.

Vị Tỳ-kheo mong cầu có thể nhẫn chịu được cả ba phương diện thân, khẩu, ý. Thân nhẫn là chịu đựng được các hoàn cảnh không vừa ý như đói, khát, lạnh, nóng, muỗi ruồi châm chích, sự áp bức của gió, mặt trời, bị đánh đập, bản thân bị tật bệnh rất đau khổ, cho đến mạng sống sắp tuyệt. Khẩu nhẫn là im lặng được trước các nghịch cảnh bị tiếng xấu, chửi mắng, vu oan. Ý nhẫn là nhẫn chịu đối với tất cả khổ thọ, buông xả, an định trước mọi thuận nghịch của đời sống. Hạnh kham nhẫn hỗ trợ người tu rất tích cực trên các chặng đường tu tập. “Sự nhẫn nại là pháp tu tối thượng để giải thoát tâm khỏi những bất thiện” (Thiền sư Ajahn Chah).

5- Mong ta kham nhẫn được điều không hoan lạc; nếu sinh tâm không hoan lạc, không bao giờ để đắm trước.

Nguyên liệu vận hành cỗ máy luân hồi là vô minh, tham ái dục. Người tu luôn tỉnh giác thấy được những hiểm nguy của dục lạc mà quyết tâm đoạn trừ, thà chịu thiếu thốn chứ không bao giờ đắm trước thì có bước tiến lớn trên hành trình tu đạo.

6- Nếu ba niệm ác bất thiện: dục, nhuế và hại khởi lên, mong rằng ta không bao giờ để đắm trước.

Dục, nhuế, hại là những niệm ác, bất thiện cản trở sự tu tập của người xuất gia, tổn giảm công đức và phước báo. Do vậy, nếu Tỳ-kheo mong cầu không bị dục, nhuế, hại chi phối, cùng với sự tinh tiến tu tập thì quả vị giác ngộ có thể thành tựu.

7- Mong ta ly dục, ly bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Thiền thứ tư (Tứ thiền), thành tựu và an trú.

Thiền là cốt lõi của sự hành trì đạo Giải thoát. Đức Thế Tôn trên con đường xuất gia tìm đạo cũng đã học thiền (Chỉ) từ các vị thầy tâm linh bậc nhất ở Ấn Độ thời bấy giờ, sau đó tự mình quay trở về dưới gốc cây bồ-đề, thiền định (Chỉ và Quán) suốt 49 ngày đêm cho đến khi thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác. Vị Tỳ-kheo mong muốn nối gót Như Lai, trải nghiệm con đường mà Thế Tôn từng đi để thành tựu, an trú, chứng đắc từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, cho đến Tứ thiền.

8- Mong ta dứt hết ba kết, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, không bị rơi xuống pháp ác, quyết định thú hướng đến quả vị Chánh giác, tối đa còn bảy lần ở cõi trời cõi người, sau bảy lần qua lại rồi liền chứng đắc khổ biên.

Từ nền tảng Tứ thiền, hành giả nỗ lực thiền quán, quả vị giải thoát đầu tiên là Tu-đà-hoàn, dứt hết ba hạ phần kết sử là thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Bậc Thánh Tu-đà-hoàn còn bảy lần sinh tử ở cõi trời cõi người, tiếp tục tu hành để đạt đến quả vị A-la-hán.

9- Mong ta đã dứt hết ba kết, làm mỏng dâm, nộ, si, chỉ còn một lần qua lại cõi trời, cõi người, sau một lần qua lại, rồi liền chứng đắc khổ biên.

Vị Tỳ-kheo mong cầu chứng đắc Tư-đà-hàm, dứt hết ba kết sử, làm mỏng dâm, nộ, si, chỉ còn một lần qua lại ở cõi trời, cõi người rồi chứng đắc khổ biên (giải thoát).

10- Mong ta dứt hết năm hạ phần kết sử, sinh vào thế giới Ngũ tịnh cư thiên mà chứng đắc Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại thế gian này.

Mong cầu của vị Tỳ-kheo là được chứng quả A-na-hàm, dứt hết năm hạ phần kết sử (thân kiến, giới cấm thủ, nghi, dục, sân), sinh vào Sắc giới Ngũ tịnh cư thiên (Bất hoàn, không trở lại thế gian này) mà chứng đắc Niết-bàn. Quả vị này là thềm thang cuối cùng dẫn bước hành giả đạt được quả vị A-la-hán.

11- Mong ta được tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng đắc vô sắc, với như kỳ tượng định, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ; do huệ quán mà đoạn trừ lậu và biến tri lậu.

Hành giả tu tập muốn đạt đến giác ngộ giải thoát phải trải qua con đường Giới - Định - Tuệ. Giới - Định - Tuệ bổ sung, tương hỗ cho nhau để hướng đến mục tiêu cuối cùng là đoạn trừ lậu, biến tri lậu mà được tịch tịnh giải thoát.

12- Mong ta được như ý túc, thiên nhãn trí, tha tâm trí, túc mạng trí, sinh tử trí, các lậu hoặc đã dứt sạch, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trú, biết một cách như thật rằng: “Sự sinh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa”.

Câu kinh “Sự sinh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa” là lời tuyên bố xác nhận những ai đã hoàn toàn đoạn trừ được nguyên nhân khổ đau sinh tử luân hồi, chứng đắc quả vị A-la-hán. Mong cầu của vị Tỳ-kheo một lần nữa chứng minh tự tính giác ngộ và khả năng thành Phật của mỗi chúng sinh là hoàn toàn có thể. Cầu nguyện của vị Tỳ-kheo lần lượt theo tiến bộ tâm linh từ thấp đến cao, từ việc cầu nguyện cho tha nhân đến cầu nguyện cho sự tu tập thành tựu giải thoát của chính mình.

Như vậy, lời Đức Phật dạy về 12 ước nguyện trong kinh Nguyện là những mong ước chính đáng mà người tu hành cần có. Hiểu đúng về ý nghĩa cầu nguyện và điều kiện để thành tựu các ước nguyện ấy chẳng những đánh thức tâm lực, củng cố niềm tin cho mình và mọi người mà còn khiến cho nhân quả phước báo chiêu cảm, tự tánh giác ngộ và từ bi nảy nở mỗi ngày thêm lớn.

Cầu nguyện là con đường dẫn dắt chúng sinh đến với đạo, chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được soi sáng dưới cái nhìn từ bi và trí tuệ. Những người đang đau khổ và thiếu bình ổn về tâm hồn rất cần một điểm tựa tâm linh, mà ở đó sự cầu nguyện giúp họ thêm vững chãi. Cầu nguyện đi đôi với hành trì, nghĩa là tu tập Giới - Định - Tuệ thì mới có thể đoạn trừ các ác pháp, tăng trưởng thiện pháp mà giải thoát phiền não khổ đau. Cầu nguyện là cách để liên kết tâm của chúng ta với các bậc giác ngộ, đó cũng là thệ nguyện. Người có thệ nguyện lớn thì đạo tâm mới kiên cố, bước chân tu hành càng vững vàng. Vì thế, hàng đệ tử Phật nên khởi tâm cầu nguyện, mong ước thiện lành như lời Thế Tôn dạy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày