“Nhà báo” Giác Ngộ!

GNO - Đọc nhiều, viết ít, thành thân với tuần báo Giác Ngộ hồi nào không hay. Giờ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cộng tác với báo Phật giáo có lúc lại cười một mình...

“Hồi đó”, sau khi đọc mòn các số báo in và online, viết được mấy bài cộng tác, tập tành “tác nghiệp” thực tế ở quê nhà. Lần đầu, tôi được ĐĐ.Thích Giác Nghi (nay đã có giáo phẩm Thượng tọa), Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, trú trì chùa Long Phước, tiếp thân mật và mời trà ở văn phòng.

Thầy lắng nghe, trao đổi, gợi ý về một nhân vật miệt mài làm từ thiện bao năm dài cho trẻ mồ côi: hàng tháng đều đặn gửi một khoản tiền trích từ tiền con cháu ở nước ngoài gửi về phụng dưỡng tuổi già, tằn tiện hùn phước nuôi các cháu bất hạnh ở nhà trẻ mồ côi chùa Long Phước do ĐĐ.Giác Nghi làm giám đốc. 10 năm tròn không thiếu một đồng của ngân khoản cố định, và không trễ! “Tôi muốn nêu gương sáng này cho mọi người học tập” - ĐĐ.Giác Nghi nói. Thầy cung cấp cho tác giả số điện thoại, hướng dẫn đường đi đến chỗ ở của nhân vật...

Đường về Thào Lạng cảnh quan khác hẳn, tôi rời nội ô TP.Bạc Liêu, hướng đến vị trí Vĩnh Châu. Cũng đường ấy có thể đến chùa Xiêm Cán nổi tiếng, hay nơi có gốc xoài mấy trăm năm tuổi. Xe buýt từ Giá Rai đến Bạc Liêu, bắt xe ôm từ bến xe buýt đi Thào Lạng, vào một ngày đẹp trời...

Vừa xuống cầu Thào Lạng, bên phải, dưới đường tháp của làng, xuất hiện tượng Quan Âm lộ thiên trong khuôn viên xanh của một nơi như trang trại nhỏ, song có biển đề “tịnh thất Diệu Tường” - nơi nhân vật ĐĐ.Giác Nghi trang trọng giới thiệu.

Đại đức giữ liên lạc suốt qua điện thoại và chỉ dừng khi hướng dẫn tác giả bấm chuông cửa! Không gian trang nghiêm với những gốc cây cảnh giá trị, trải rộng các khu nhà thờ phụng, tịnh tu, nhà phục vụ và kho... Lễ Phật, tôi tần ngần ngắm các quyển kinh xếp ngay ngắn ở tịnh thất, bằng khen của TT.Minh Lành, các cấp địa phương tặng tịnh thất.

suco.jpg


Sư cô Diệu Tường - Ảnh: Nguyễn Thành Công

Sư cô Diệu Tường có tuổi rồi, chân bị bệnh di chuyển khó khăn và phải có hỗ trợ. Tiếp tác giả theo giới thiệu của ĐĐ.Giác Nghi, sư cô - nhân vật từ thiện ấn tượng cho trẻ mồ côi - chân thành kể về nhân duyên làm thiện: có tiền từ Mỹ gửi về, trích ngay gửi cho trẻ mồ côi Long Phước. Có thầy đùa: sao sư cô gấp gáp vậy? “Làm thiện  làm ngay, tuổi già vô thường gọi đi lúc nào không biết, không kịp làm lại hối” - câu nói này làm tôi không thể quên.

Câu chuyên xúc động. Sư cô lục mấy xấp báo Giác Ngộ úa vàng màu giấy, lại kể về chuyện đọc Giác Ngộ bao năm, những lần được đảnh lễ quý Hòa thượng lãnh đạo báo. Ánh đèn máy ảnh lóe sáng - tác nghiệp tay ngang thành chuyên nghiệp nhờ... cảm xúc chân thực của câu chuyện.

Được sư cô mời cơm. Lại nghe tiếp chuyện đời của một nữ nhân không có nhiều hạnh phúc, có gia thất, lập nghiệp ở Tây Nguyên, tan rồi hợp, con cái ở rất xa xôi... Đoạn trường cuộc đời có hạnh phúc cuối ở nhân duyên với Phật, lập tịnh thất, chuyên tu, tạo nên cảnh tịnh ở một vùng xa xa bên ngoài nội ô TP.Bạc Liêu, ngay chân cầu Thào Lạng.

Nắm bàn tay người cao niên, tạm biệt. Bài viết cùng hình ảnh gửi hầu như được tòa soạn duyệt xuất bản ngay, nóng hổi. Một kỷ niệm cộng tác báo Phật giáo khó nguôi vì nhiều lẽ...

*

Vẫn nhớ, khi rời tịnh thất, bộ hành ghi hình đồng quê hữu tình rồi ghé ăn mì ở một quán ven đường. Có một cô dường như cán bộ địa phương hỏi han, cũng thiệt tình: “tui cộng tác báo phật giáo, viết cho Giác Ngộ”; cô ấy nói cũng thiệt tình: “tui thấy người ta làm báo sang trọng lắm, còn anh...”. Lôi thôi mồ hôi mồ kê, tiền lẻ một xấp, ăn mì gói uống trà đá, đi bộ... Chẳng trách! Nhớ khi “tác nghiệp” ở chùa Long Phước, chính ĐĐ.Giác Nghi đã nghi ngại, “thấy người ta làm báo chụp ảnh bằng máy to kềnh, còn chú xài máy gì chút xíu vậy?”. Biết nói sao, “người ta” khác, mình khác, chiếc máy ảnh du lịch xíu xiu cũ mèm kia vất vả lắm mới có được, trước toàn viết chay hay gửi bài từ điện thoại cùi bắp khiến biên tập viên bực mình gửi trả hoài!

Sau này khi đến viết tin sự kiện ở một cảnh chùa, có được gặp lại Sư cô Diệu Tường, mừng khi sư cô vẫn nhận ra và lại nắm bàn tay vị Bồ-tát ấy, người đã tằn tiện chi tiêu mười năm dài nuôi trẻ mồi côi.

Mấy năm rồi, lâu lâu coi lại bài viết cũ về Sư cô Diệu Tường ở tịnh thất cùng tên ngay chân cầu Thào Lạng, vô thường xoay chuyển, vẫn y chang: chiếc máy ảnh nhỏ xíu xiu, mì gói, trà đá “tác nghiệp” dài dài.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ


Nguyễn Thành Công

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày