Nhà báo Lưu Đình Long: "Báo Giác Ngộ để lại nhiều thiện cảm trong lòng bạn đọc, đồng nghiệp"

Lưu Đình Long từng có 14 năm công tác tại Báo Giác Ngộ, hiện anh cũng là cộng tác viên thân thiết của báo
Lưu Đình Long từng có 14 năm công tác tại Báo Giác Ngộ, hiện anh cũng là cộng tác viên thân thiết của báo
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lúc còn làm báo, điều tôi cảm thấy hạnh phúc và tự tin nhất chính là “khai” nơi làm việc của mình: Báo Giác Ngộ. Nơi đây, tôi được hàm dưỡng tâm hồn và trau dồi nghề nghiệp. 

Nhờ làm ở Giác Ngộ mà tôi viết được những cuốn sách nhỏ, chia sẻ suy nghiệm cuộc sống từ góc nhìn của người học Phật có duyên làm báo “chuyên ngành”.

“Mình làm báo Phật giáo”

Không cần khai tên báo mà chỉ cần dấu chỉ như vậy, mọi người cũng đã biết ngay đó là Giác Ngộ. Điều đó cho thấy, báo Giác Ngộ đã định vị thương hiệu là tờ báo Phật giáo duy nhứt tại Việt Nam, dù vai trò chỉ là “Cơ quan ngôn luận của GHPGVN TP.HCM”.

Mới đây, trong quy hoạch báo chí của Thủ tướng Chính phủ, Giác Ngộ (cùng với Công giáo và Dân tộc) là hai tờ báo tôn giáo được giữ lại. Đây là món ăn tinh thần được chờ đợi của độc giả, Tăng Ni, Phật tử hàng tuần, hàng tháng xuyên suốt 47 năm qua. Là tờ báo Phật giáo có tuổi đời lâu nhứt từ trước đến nay…

Quá nhiều những thuộc tính thuộc về báo Giác Ngộ mà tôi nghĩ, bất cứ ai đã từng làm và đang tiếp tục công việc tại tòa soạn đều cảm thấy tự hào, trân trọng. Và cả biết ơn nữa. Nếu không có các bậc tiền nhân gầy dựng với những trang báo sơ khai đầu tiên mang thương hiệu Giác Ngộ thì chắc chắn không có một Giác Ngộ đa phương tiện (từ nguyệt san, tuần báo, online, đến truyền hình) như hiện nay.

Mỗi bước chuyển mình của Giác Ngộ - từ bán nguyệt san lên tuần báo, rồi thêm phụ trương nghiên cứu Phật học, tới ra mắt phiên bản online, hình thành kênh truyền hình Giác Ngộ trên nền tảng YouTube - là công lao khai mở, thực hiện của nhiều thế hệ. Trong đó, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN.

Được chở che dưới bóng mát của cây đại thụ, báo Giác Ngộ vượt qua nhiều khó khăn riêng và cả chung trong khó khăn của đất nước, của TP.HCM trong những giai đoạn lịch sử của mình. Có những lúc phải tạm ngừng vài ba số như trong đại dịch Covid-19 hồi 2021. Báo Giác Ngộ, trong khó khăn lại càng phát huy được tính kiên cường và sáng tạo của người làm báo.

Ở đó, bạn đọc thấy Giác Ngộ đã cử phóng viên đến tận các bệnh viện thu dung, khu cách ly để tác nghiệp. Những câu chuyện lay động trái tim cũng được viết từ bệnh viện, với những tấm gương Tăng Ni, Phật tử hành Bồ-tát đạo. Và ở đó, việc Giác Ngộ phát sóng những pháp thoại từ tâm dịch TP.HCM cũng đã an ủi, chia sẻ tinh thần, giúp Phật tử được nghe pháp từ xa, nhìn thấy những giảng sư, vị thầy khả kính của mình.

Tác giả tác nghiệp tại sự kiện Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Ảnh: Bảo Toàn

Tác giả tác nghiệp tại sự kiện Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Ảnh: Bảo Toàn

Báo Phật giáo - Giác Ngộ - là báo hiền, như Hòa thượng Thích Giác Toàn nói là “ngôi chùa trong làng báo Việt Nam” nhưng nghiệp vụ và sự dấn thân của đội ngũ làm báo đương nhiên “không hiền”, chứng minh qua các phóng sự đoạt giải báo chí TP.HCM hàng năm. Tiếng nói góp ý, phản biện từ các hiện tượng lệch lạc trong sinh hoạt tôn giáo hay đả kích Phật giáo từ bên ngoài cũng như thẳng thắn đưa ra góc nhìn trong các vấn đề tồn đọng của chính Phật giáo… đã được Giác Ngộ kiên trì, đi đầu, với sự khéo léo. Chính vì vậy, tôi nghĩ Giác Ngộ mới đáng đọc trong chiều sâu của một tờ báo chuyên nghiệp, vừa vun bồi ý đạo nhưng cũng không phải đứng bên ngoài dòng chảy cuộc đời để có tiếng nói chính trực.

Tự hào vì từng làm ở Giác Ngộ với tôi còn là vì, nơi đây, bên cạnh thông tin, phản biện, truyền tải giáo pháp còn có các hoạt động ngoại vi trong khuôn khổ của tờ báo như từ thiện xã hội, tổ chức các cuộc thi, các chương trình văn hóa-xã hội gắn liền với nhân sinh. Mỗi trang báo là đường dẫn để người đọc tìm về cõi thiện, cùng chung sức xây dựng giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc, phát huy tinh thần Từ bi – Trí tuệ. Đó chính là sứ mệnh tuyệt vời mà những người làm báo Giác Ngộ đã làm, trong sự tử tế.

Chính vì những đóng góp từ nghiệp vụ đến những giá trị tinh thần và vật chất xuyên suốt đó, đi đến đâu tôi cũng được mọi người nhắc đến Giác Ngộ với sự trân trọng, nhiều thiện cảm.

Chuyển mình cùng nhịp sống số

Tất cả các ngành đều cần bước vào công cuộc chuyển đổi số để phát triển cùng nhịp đập của thế giới. Báo chí cũng vậy. Có thể thấy, công nghệ đã giúp tích hợp tất cả sản phẩm báo chí trên màn hình điện thoại và đặt ra cho người làm báo phải cập nhật liên tục công nghệ. Nhà báo phải đa năng.

Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển với những tính năng hấp dẫn, nhất là sự tương tác không biên giới đã “hút” mọi lứa tuổi dành nhiều thời gian “sống” trên này. Do đó, bên cạnh tận dụng mạng xã hội để tiếp cận độc giả/ khán giả thì báo chí, trong đó có Giác Ngộ cũng cần thay đổi cách thức đưa tin, viết bài, ưu tiên ngắn, sinh động.

Nhà báo Lưu Đình Long tặng quà chúc mừng nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Báo Giác Ngộ

Nhà báo Lưu Đình Long tặng quà chúc mừng nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Báo Giác Ngộ

Báo in với số lượng phát hành sụt giảm trong xu thế chung của báo chí toàn cầu. Theo đó, các báo đã chuyển dịch việc phát triển các nội dung đặc biệt trên báo online dưới dạng “dành cho bạn đọc VIP” hoặc “nội dung báo chí chất lượng cao”… để thu tiền độc giả. Mô hình này là tất yếu và cũng là sự công bằng trong mối quan hệ giữa cơ quan cung ứng sản phẩm báo chí với cá nhân thụ hưởng sản phẩm (độc giả/ khán thính giả).

Ai chọn nghề báo cũng đều xác định, tinh thần phụng sự bạn đọc là trên hết. Nhưng người làm báo cũng như bao người làm công việc khác, cần có thu nhập để có thể sống, một phần lo cho gia đình, gánh vác trách nhiệm trong tương quan duyên-nghiệp cá nhân. Kinh tế báo chí chuyển vận cùng sự vận chuyển của xã hội, nền tảng số đưa báo mạng từ chỗ xem miễn phí sang thu phí cũng chính là giải pháp cho đời sống của người làm báo.

Lộ trình ấy, các báo đã, đang làm. Giác Ngộ đương nhiên cũng không thể đứng ngoài câu chuyện chuyển đổi số với những sản phẩm báo chí chất lượng cao, phục vụ cho độc giả hiện đại hiện nay. Hơn ai hết, họ hiểu và chấp nhận cơ chế thị trường.

Thực sự, rất mong chờ những cải tiến tiếp theo của báo Giác Ngộ, với niềm thương yêu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày