Nhà sư và Trung thu

Sư Giác Minh Cần (tịnh xá Ngọc Đạt, Đắk Nông) chia sẻ quà và hòa cùng niềm vui Trung thu của trẻ nhỏ ở địa phương - Ảnh: Ngọc Đạt
Sư Giác Minh Cần (tịnh xá Ngọc Đạt, Đắk Nông) chia sẻ quà và hòa cùng niềm vui Trung thu của trẻ nhỏ ở địa phương - Ảnh: Ngọc Đạt
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trung thu đối tôi là dịp vui. Vì đây là mùa mang năng lượng lành, mùa trẻ thơ cười tươi rói. Niềm vui được quà, được chơi trò chơi dân gian, xem chú Cuội và chị Hằng hát, múa, bày trò chọc cười là ký ức đẹp của bất kỳ đứa trẻ nào.

Ký ức nuôi dưỡng tâm hồn. Nhất là tâm hồn của trẻ, cần được nuôi dưỡng bằng những ký ức đẹp. Có thể trẻ sinh ra ở gia đình hay vùng quê không khá giả, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng nhứt thiết phải có bình yên hiện diện. Bình yên là món quà tuyệt vời giúp trẻ hạnh phúc. Các em không thể có hạnh phúc khi chứng kiến bố mẹ, người thân bất hòa. Các em cũng sẽ không thể bình yên, hạnh phúc khi người lớn xung quanh không hạnh phúc, rổn rảng cãi nhau, nói xấu nhau, tạo những hiềm khích, đối xử không tử tế với nhau…

Có những nguồn năng lượng tiêu cực và từ trường tương ứng từ bầu không khí của những căng thẳng, khó chịu được trẻ cảm nhận. Nhiều người nghĩ trẻ không biết gì, nhưng kỳ thực trẻ rất nhạy cảm. Thứ năng lượng trẻ thơ dễ soi rọi ra những nguồn năng lượng khác, chân-giả quanh mình. Vì vậy mới có chuyện, trẻ rất thích chơi hay cảm thấy an toàn với người thực thương chúng và ngược lại.

Mùa Trung thu là mùa dưỡng tâm. Mùa mà mọi người đều khởi lên ý niệm làm một điều gì đó cho trẻ - đối tượng đang cần được chăm sóc. Và có những người không phải là người thân đã bằng tình thương kết thân bằng quyến thuộc với những bạn nhỏ khó khăn hơn, bất hạnh hơn. Thời nào cũng có những em nhỏ thực sự khó khăn, kể cả ở thành thị chứ không phải chỉ nông thôn, vùng núi.

Sẻ chia vẫn luôn là tinh thần sống không bao giờ mai một trong đời sống của người dân Việt, nhứt là vào những dịp như Trung thu, Tết nhứt. Và nhứt là vào những lúc tai ương, dịch bệnh. Lòng người thao thức, có những giọt nước mắt thương lo rơi xuống, và rồi ai cũng xắn tay, “của ít lòng nhiều”. Của ít mà lòng nhiều thì món quà vật chất có thể ít nhưng món quà tinh thần thì lớn lắm, có thể ôm trọn lấy những nỗi đau, thiếu thốn, khó khăn để vỗ về.

Thực ra, khi có thể ôm được những nỗi đau của người để vỗ về cũng là lúc ta đang làm cho mình rỗng rang, rộng rãi hơn. Từ đó bình an hơn. Hay là lúc ta ôm được chính ta, vững chãi bước đi giữa gió dông cuộc đời.

Có người nói, “ngó lên mình chẳng bằng ai, ngó xuống chẳng ai bằng mình”. Nghĩa là, người giàu trong xã hội không thiếu nhưng người nghèo cũng nhiều lắm. Nhìn xuống là thái độ mang tình thương, cũng là cách sống của bậc thượng thiện nhơn, như ví von bông lúa chín là bông lúa cúi đầu vậy. Cúi đầu nhìn xuống nỗi khó, khổ của tha nhân để sẻ chia trong khả năng, tự dưng tâm hồn mình bỗng được nâng lên tươi đẹp lạ thường, nụ cười của mình cũng khoáng đạt hơn, hơi thở cũng nhẹ hơn. Và nếu như có nước mắt, thì đó cũng là nước mắt khiến mình trở nên dễ thương hơn giữa đời.

Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP.Thủ Đức) quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 - Ảnh: Báo Tin tức
Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP.Thủ Đức) quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 - Ảnh: Báo Tin tức

Trở lại với những ngày này, mùa Trung thu năm nay “đặc biệt” hơn mọi năm vì đến ngay sau mùa bão lũ kinh hoàng ở miền Bắc. Những sẻ chia dành cho Trung thu vẫn diễn ra trong “niềm vui trẻ nhỏ dưỡng bằng tình thương”, nhưng cũng chính từ đó, sẻ chia lại tiếp nối. Những bạn nhỏ được khuyến khích trao đi trước khi nhận về món qua đương nhiên giữa mùa trăng tháng Tám. Rằng đâu đó có những bạn nhỏ ở vùng bão khổ hơn con, cần các con chia sẻ.

Những chiếc hộp “chung tay cho miền Bắc” được làm vội ở sân trường, lớp học, các bạn đóng góp một vài ngàn hay năm bảy ngàn cũng là phút giây thực tập sẻ chia trong “nghĩa đồng bào, tình dân tộc” và lớn hơn là tình người.

Đức Phật dạy về từ bi, là thương mình, thương người, thương muôn loại,… Cái thương càng lớn, ta càng hạnh phúc, chứng tỏ trí ta càng rộng mở. Hiểu và thương nương nhau biểu hiện ngay ở chỗ này. Càng hiểu việc trao đi mang lại hạnh phúc ra sao cho tự thân và đối tượng, cho cuộc đời này thì người ấy sẽ càng mở lòng sẻ chia.

Những nhà sư đã đến với trẻ, bằng cách trao đi những món quà nhỏ, ngọt lành trong mùa trăng và kiến tạo nụ cười cho các con. Để rồi chính khoảnh khắc ấy, đánh thức được tình thương trong những mầm non. Đâu đó còn đánh thức cả niềm tin nơi cộng đồng về sự tốt đẹp, dễ thương nơi những người chọn con đường xuất thế.

Cảm ơn mùa Trung thu, cảm ơn những người khoác y vàng của Phật đã đi vào đời nhẹ nhàng, tặng cho cuộc sống những chữ ký an yên…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại Bình Dương

[Video] Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại Bình Dương

GNO - Sáng ngày 7-10, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), Ban Tăng sự T.Ư phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo năm 2024, gần 400 đại biểu thuộc các Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN các tỉnh thành phía Nam tham dự.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại TT.Cầu Kè, H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Trà Vinh: Chùa Vạn Hòa tặng 400 phần quà đến người dân khó khăn

GNO - Chùa Vạn Hòa kết hợp cùng thiền viện Linh Chiếu (H.Long Thành, Đồng Nai) và đoàn từ thiện Thái Tuệ y bác sĩ (TP.HCM) tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng 400 phần quà đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại TT.Cầu Kè, H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, vào ngày 6-10.

Thông tin hàng ngày