Nhận diện chốn về

Người trẻ hôm nay cần nuôi dưỡng giá trị của sự chia sẻ - Ảnh: M.K
Người trẻ hôm nay cần nuôi dưỡng giá trị của sự chia sẻ - Ảnh: M.K
Giác Ngộ - Nhạc trẻ với những ca từ đau khổ, giới trẻ tung hê những danh hiệu "hot" như hot boy, hot girl… Và những giá trị của tình thương đang đặt ra nhiều điều trăn trở. Phật giáo & Tuổi trẻ xin tiếp nối một góc nhìn về chốn về của mỗi người sau câu chuyện "Cần giáo dục và tôn vinh những giá trị sống thiêng liêng" (Giác Ngộ 556).

Chuyện của con bướm và cái kén

Khi ta lớn lên, ta giống như con nhộng phải cắn thủng cái kén đó thành bướm. Nhưng ai dám nói rằng con nhộng không trân quý cái kén ngày xưa? Nếu nó không quý trọng thì khả năng nhả tơ, làm kén đã không hiện hữu trong loài bướm từ đời này sang đời khác. Nếu con nhộng không mất một khoảng thời gian khá dài trong chiếc kén, có lẽ nó không thể thành bướm được.

Khi ta nhìn một con nòng nọc, ta sẽ thấy hình ảnh của một chùm trứng ếch trắng đục, phập phều ở những thân lau sậy bên bờ ao, và khi nhìn xa hơn ta sẽ thấy hình ảnh của một con ếch với những cú nhảy chắc khỏe từ đôi chân vạm vỡ. Nếu nhìn như thế, hiểu và thấy như thế, ta sẽ trân quý hiện tại biết dường nào. Bởi hiện tại là một món quà (present is present), nơi món quà ấy chứa đựng cả quá khứ và tương lai.

Khi bạn lớn lên, bạn tự gạt bỏ gia đình, gạt bỏ thói quen mỗi tối chạy đến ôm mẹ và chúc mẹ ngủ ngon. Khi bạn lớn lên, bạn tự kiềm chế để thôi nói với ba, "ba ơi, con thương ba nhiều lắm". Và đôi lần bạn hãnh diện nói rằng, bạn không nhớ bạn từ đâu đến, từng học ở đâu.

Nếu con bướm biết kể chuyện, nó sẽ nói rằng những ngày còn làm sâu rất tồi tệ. Nó phải né tránh chim trời, và ẩn nấp trước những thứ hóa chất trừ sâu bọ. Nhưng nó vẫn tiếp tục mang hình ảnh làm sâu truyền cho những thế hệ về sau. Bởi lẽ phải trải qua sự đau khổ, ta mới nhận được chân giá trị của hạnh phúc. Điều quan trọng là nơi khổ đau, bạn đã học được những gì...

Có những gia đình cha mẹ mất hẳn sự truyền thông với con khi chúng trưởng thành. Và những đứa trẻ ấy lạc lõng trong vỏ bọc "người lớn" của chính mình. Những đứa trẻ thành lập hội "vỏ bọc" và chia sẻ cùng nhau, lạc lõng và bơ vơ cùng nhau. Nếu bạn không tin, bạn hãy lên những diễn đàn của 9X, để thấy họ cô đơn đến thế nào? Cô đơn trong một thế giới thần tượng, trong những quần áo hàng hiệu, và những sản phẩm tối tân của thời đại...

Nếu họ không cô đơn, có lẽ trong số họ đã không có những người đắm mình trong khói thuốc, và bị phát hiện khi đang phi thuốc lắc đến điên dại trong những vũ trường. Ngày nay, mỗi khi nhìn những quán bar, những vũ trường mọc lên như nấm sau mưa, ta không khỏi chạnh lòng về những người trẻ đang mất dần phương hướng, và gồng mình tìm lấy sự an ủi trong vô số những vũ điệu quay cuồng. Và những gia đình, đã thôi là chốn sẻ chia…

Chất liệu nuôi lớn khổ đau

Đó có thể là những bản nhạc yêu vội và nói thẳng. "Anh yêu em mà em không yêu anh , làm cho anh đớn đau, làm cho anh đau khổ, làm cho anh buồn"... Hoặc "ở bên người ấy, xin đừng nhớ đến tôi, ở bên cạnh tôi xin đừng làm khổ tôi". Đó không phải là tình yêu thật sự. Tình yêu đúng nghĩa, không hạn hẹp giữa những ngôn từ đau khổ và hạnh phúc. Nó làm con người trở nên bao dung hơn, rộng lượng hơn. Nếu tình yêu còn ẩn chứa sự ghen tuông, thì đó không phải là tình yêu. Bởi nơi tình yêu thật sự đã vượt lên những ích kỷ và khổ đau…

Với dòng nhạc "mì ăn liền", người nghe tự mang cho mình một tâm trạng bị tình phụ, bị ruồng rẫy và cô đơn mới cảm được và nghe được những ca từ đày đọa như thế. Những bản nhạc ấy ít khi nói rằng trên đường đời và đường tình bị vấp ngã, con hãy trở về với gia đình. Trong khi đó, gia đình không chỉ đơn thuần là yêu thương, mà còn là chốn an dưỡng của tinh thần.

Chúng ta không thể lớn lên nếu phủ nhận gia đình, và từ chối quê hương. Đôi khi bạn nhắn tin nói rằng ngày mai sẽ về. Chỉ nói thôi. Để bạn tự nhắc rằng bạn cũng có một nơi để quay về, để nhớ nhung. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm bạn cảm thấy được ủi an, và được chuyển hóa phần nào những đau khổ.

Đã từ rất lâu rồi, ta có và cứ sản sinh ra những lớp người trẻ như thế. Khi đến tuổi trưởng thành, họ không muốn cha mẹ can thiệp vào đời sống của họ nữa. Và đôi khi họ từ chối gia đình. Những người trẻ ấy tiếp tục lớn lên, kết hôn và có con cái. Chính bản thân những người cha, người mẹ trẻ này chưa bao giờ đặt câu hỏi rằng con mình có cần mình trong những tháng ngày sắp làm người lớn không? Bởi vì ngày xưa họ đã không cho phép cha mẹ họ làm như thế... Vòng xoay ấy lại tiếp tục theo đường "trôn ốc". Những đau khổ lớp sau thừa hưởng và dữ dội hơn lớp trước. Khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ở mỗi thời đại lại xa hơn, và cách trở nhiều hơn. Đó có thể là do những khổ đau kết tủa bên trong tâm hồn, nếu không biết cách chuyển hóa chúng bằng yêu thương và ngôn ngữ của lắng nghe thì chúng sẽ tiếp tục gây thương tổn cho ta và cho gia đình ta...

Box: Càng chạy ra bên ngoài bao nhiêu, càng chìm đắm trong những xúc cảm chóng vánh bao nhiêu thì khi đêm về, trong thanh vắng, lại cảm thấy cô đơn bấy nhiêu. Điện thoại thời thượng không thay thế được người trò chuyện, và áo quần hàng hiệu không che lấp được con người trong chính mỗi chúng ta.

Tôi vẫn còn nhớ một thí nghiệm nhỏ hồi học trung học. Cô giáo dạy khi lấy một bông cúc trắng, cắm vào một ly nước màu tím... thì màu tím sẽ được thân cây hấp thu và biểu hiện qua màu hoa từ trắng chuyển thành tím. Đối với con người cũng vậy, khi ta tự tiếp thu quá nhiều khổ đau, hay sống trong môi trường của mất mát, nếu không định tĩnh và biết cách nuôi dưỡng hạnh phúc, ta cũng sẽ như bông cúc màu tím.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày