"Nhiều dấu ấn, kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian tôi luyện và trưởng thành"

"Để Phật giáo TP.HCM phát triển trong thời hội nhập, theo tôi yếu tố quyết định cho sự phát triển là đội ngũ kế thừa cần hòa hợp, đoàn kết, phải biết nương tựa về mặt giới đức, kinh nghiệm tu tập, kế thừa các bậc tiền bối..."
"Để Phật giáo TP.HCM phát triển trong thời hội nhập, theo tôi yếu tố quyết định cho sự phát triển là đội ngũ kế thừa cần hòa hợp, đoàn kết, phải biết nương tựa về mặt giới đức, kinh nghiệm tu tập, kế thừa các bậc tiền bối..."
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN là một trong những vị giáo phẩm từng tham gia Ban Trị sự, giữ chức vụ Chánh Thư ký Thành hội Phật giáo TP.HCM từ khóa III.

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập và Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ X, là chứng nhân lịch sử, đồng thời là giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, Hòa thượng đã có những hồi tưởng và nhận định về Phật giáo TP.HCM.

Thành lập Trường Cơ bản Phật học TP.HCM, chuyển giao Báo Giác Ngộ về Thành hội Phật giáo TP.HCM

Vào khoảng những năm đầu thành lập GHPGVN TP.HCM, tôi được tham gia công tác giáo dục đầu tiên với cương vị Phó Giám đốc Phật học viện Thiện Hòa, Hiệu trưởng Lớp Sơ đẳng Phật học được tổ chức tại tổ đình Ấn Quang và chùa Giác Ngộ (quận 10). Tại Đại hội kỳ II (năm 1987) của Thành hội Phật giáo TP.HCM, Hòa thượng Thích Thiện Hào được đại hội suy cử làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy

Với tâm nguyện xúc tiến để mở Trường Cơ bản Phật học, Hòa thượng Thích Thiện Hào có ý đề cử tôi tham gia vào công tác giáo dục tại Thành hội để giúp Thành hội mở Trường Cơ bản Phật học, lúc bấy giờ tôi đang là Thư ký của Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM. Nhận lời Tăng sai, qua 2 năm chuẩn bị để kiện toàn các thủ tục, đến ngày 30-4-1989, Trường Cơ bản Phật học thuộc Thành hội Phật giáo TP.HCM được chính thức khai giảng tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3). Sau 1 năm hoạt động (năm 1990), tôi cũng thực hiện xong thủ tục xin UBND TP.HCM để thành lập cơ sở 2 tại chùa Thiên Minh.

Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ III (năm 1990), tôi được đại hội suy cử làm Chánh Thư ký Thành hội Phật giáo TP.HCM. Với vai trò Chánh Thư ký, chúng tôi nỗ lực hoàn chỉnh văn phòng, nhân sự về mặt hành chánh Giáo hội của 17 quận, huyện trực thuộc. Nhất là trong mùa An cư kiết hạ, tôi đều có mặt để thăm, thuyết giảng và sách tấn chư hành giả an cư tại các quận, huyện.

Lúc bấy giờ, Thành hội chưa có giảng sư đoàn, với trách nhiệm là Thư ký của Ban Giảng huấn Trường hạ TP.HCM nên tôi cùng bàn luận với Hòa thượng Thích Trí Quảng và Hòa thượng Thích Hiển Pháp lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi diễn giảng trong mùa hạ, tạo tiền đề cho việc hình thành Giảng sư đoàn của Phật giáo TP.HCM, kết quả là đào tạo được một số vị Tăng Ni, đáp ứng được nhu cầu thuyết giảng cho trường hạ lúc bấy giờ.

Ngày 20-10-1990, hồ sơ Báo Giác Ngộ thuộc Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước do Cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập được các cơ quan chức năng chuyển giao đến Thành hội Phật giáo TP.HCM do Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Tổng Biên tập, Cư sĩ Tống Hồ Cầm làm Trị sự. Kể từ đây, Báo Giác Ngộ trở thành cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP.HCM và cũng là tiếng nói chung của GHPGVN lúc bấy giờ.

Năm 1992, tôi được suy cử làm Phó ban kiêm Chánh Thư ký Thành hội Phật giáo TP.HCM, cũng trong năm này tại Đại hội kỳ III của GHPGVN, tôi được đại hội suy cử làm Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN. Đảm nhiệm một lúc nhiều vị trí, vai trò khác nhau của Thành hội và Trung ương Giáo hội, do đó đến Đại hội kỳ VI của Thành hội (2002), tôi chuyển giao lại cho Thượng tọa Thích Chơn Thanh đảm nhiệm vai trò Chánh Thư ký kiêm Trưởng ban Hoằng pháp của Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Như vậy, tôi tham gia liên tục xuyên suốt 3 nhiệm kỳ, 2 nhiệm kỳ đầu do Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Trưởng ban, nhiệm kỳ sau đó Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Quyền Trưởng ban, sau đó là Trưởng ban. Có thể nói, trong suốt thời gian tham gia đóng góp công tác Phật sự của TP.HCM qua nhiều vị trí khác nhau, tôi có nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm đáng nhớ và đây cũng là những năm tháng giúp tôi tôi luyện, trưởng thành và được đóng góp cho công tác Phật sự của TP.HCM...

Dấu ấn Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức và các công trình ý nghĩa

Kể từ khi Phật giáo TP.HCM được hình thành đến nay đã 40 năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ. Ở giai đoạn đầu Phật giáo TP.HCM đã có những khó khăn, hạn chế do điều kiện khách quan lúc bấy giờ. Tuy nhiên với sự nỗ lực lãnh đạo của chư tôn đức nói chung và đặc biệt là sự lãnh đạo, uy tín của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, các vị tôn túc như Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh nên Giáo hội TP.HCM đã từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn đưa Phật giáo TP.HCM đi vào sinh hoạt nề nếp và ổn định.

Sự phát triển ổn định của Phật giáo TP.HCM phải nói là một quá trình xuyên suốt, tuy có những hạn chế nhưng không đáng kể. Kết quả của sự phát triển Phật giáo TP.HCM là bức tranh hoàn hảo như chúng ta nhìn thấy rất rõ. Đó là hoàn thiện bộ máy, cơ chế tổ chức hành chánh Giáo hội đã được đáp ứng theo từng thời kỳ, từng giai đoạn, tuân thủ Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, các quy định, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội; cơ sở hành chánh Giáo hội từ thành phố đến địa phương, cơ sở tự viện đã hoàn thành, được kết nối hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ.

Đặc biệt, Giáo hội TP.HCM được Thành ủy, UBND, các cơ quan hữu quan tạo điều kiện, quan tâm nên đã xây dựng được công trình quan trọng, mang dấu ấn đặc biệt nhất, đó là Công viên Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức tại quận 3. Tôi cho rằng, đây là sự ghi nhận của lãnh đạo TP.HCM về một vị Hòa thượng đã hy sinh để bảo vệ cho dân tộc, cho đạo pháp trường tồn trong thời kỳ đau thương của Phật giáo, của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức trong Đại lễ Kính mừng Phật đản Phật lịch 2566 - Ảnh: Yên Hà
Tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức trong Đại lễ Kính mừng Phật đản Phật lịch 2566 - Ảnh: Yên Hà

Phật giáo TP.HCM cũng xây dựng được những công trình mang dấu ấn văn hóa như Nhà truyền thống Phật giáo TP.HCM - chùa Phổ Quang (quận Tân Bình). Nhờ nỗ lực của lãnh đạo Giáo hội TP.HCM, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM giao lại một phần đất để xây dựng, hoàn thành Trung tâm Hành chánh, văn hóa, tâm linh Việt Nam Quốc Tự, xây dựng được ngôi đại tháp Đa Bảo với ý nghĩa quan trọng và tạo nên dấu ấn phát triển đặc biệt của Phật giáo TP.HCM. Ban Trị sự đã dời hệ thống Văn phòng Ban Trị sự TP.HCM từ tổ đình Ấn Quang, các ban, phân ban chuyên môn đến khu hành chánh Việt Nam Quốc Tự, cho thấy diện mạo, vị trí quan trọng của Phật giáo TP.HCM trong một thành phố năng động bậc nhất của cả nước.

Với sự lãnh đạo, uy tín của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, tuy Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM là học viện trực thuộc Trung ương nhưng tọa lạc trên địa bàn TP.HCM cũng được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM quan tâm giao hơn 23,8 ha đất tại xã Lê Minh Xuân để xây dựng khang trang một học viện mang tầm cỡ quốc tế trong khu vực châu Á.

Hoàn thành “vai trò lịch sử” đối với Giáo hội TP.HCM

Đặc biệt, trong khóa IX, nhiệm kỳ 2017-2022, tôi nhận thấy rất rõ sự quyết liệt của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong việc hoàn thiện chặt chẽ, bài bản, đồng bộ tổ chức hành chánh Giáo hội. Đến thời điểm này, Phật giáo TP.HCM đã hoàn thành tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện, đã chuẩn hóa được đội ngũ trẻ lãnh đạo Ban Trị sự tại các địa phương. So với các tỉnh, thành khác, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM thực hiện tương đối nghiêm về độ tuổi thành phần nhân sự Ban Trị sự các cấp…

Về tổng thể, theo tôi Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình đối với GHPGVN TP.HCM. Trong vai trò lãnh đạo của mình, Trưởng lão Hòa thượng đã quy hoạch, xây dựng nên đội ngũ nhân sự kế thừa đáp ứng được nhu cầu của thực tế.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lãnh đạo Phật giáo TP.HCM kế nhiệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lãnh đạo Phật giáo TP.HCM kế nhiệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào

Thành phần nhân sự dự kiến giới thiệu vào Ban Trị sự tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 có thể nói Tiểu ban Nhân sự Đại hội đã làm rất tốt, thực hiện nghiêm túc Thông tư 60/TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự ngày 26-3-2021 và phân bố hợp lý về độ tuổi đảm nhiệm các chức vụ. Thành phần nhân sự dự kiến này vừa có trình độ Phật học, thế học và trình độ về hành chánh Giáo hội. Những vị trên 70 tuổi kết thúc vai trò của mình ở Ban Trị sự được cung thỉnh lên vai trò cố vấn, chứng minh, vẫn tiếp tục đem những kinh nghiệm, “tiếp lửa” cho đội ngũ kế thừa, trừ một vài trường hợp rất ít do nhu cầu cần thiết còn giữ lại.

Để Phật giáo TP.HCM phát triển trong thời hội nhập, theo tôi yếu tố quyết định cho sự phát triển là đội ngũ kế thừa cần hòa hợp, đoàn kết, phải biết nương tựa về mặt giới đức, kinh nghiệm tu tập, kế thừa các bậc tiền bối, điều hành Phật sự, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, các quy định về pháp luật… chắc chắn Phật giáo TP.HCM sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước, Phật giáo TP.HCM cũng không thể tách rời. Do đó, trong nhiệm kỳ 2022-2027, Phật giáo TP.HCM có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức của thời đại, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM nhiệm kỳ mới phải quyết tâm triển khai thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ X trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp. Bên cạnh đó, thực hiện chủ đề của đại hội là “Kỷ cương, trách nhiệm, hội nhập và phát triển” để đem lại một Giáo hội TP.HCM với diện mạo mới, đáp ứng xứng tầm với sự phát triển của thành phố năng động, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày