Nhớ thương nhà cũ

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhìn ngắm ngôi nhà mà em gửi qua Zalo, lòng tôi chợt dâng lên bao cảm xúc khó tả. Chừng vài hôm nữa thôi, ngôi nhà chỉ còn trong ký ức. Đó là nhà cũ của gia đình tôi, ngôi nhà đã chứng kiến bốn chị em tôi sinh ra và lớn lên.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1280 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1280 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nhìn ngôi nhà, tôi như mường tượng ra, hình ảnh bố mẹ tôi cặm cụi từ sáng sớm tinh mơ đào một cái hố lớn ở vườn dùng để tôi vôi. Bố mẹ kéo chiếc xe bò đến mấy lò gạch, đổi gốc cây lấy xỉ than, về trộn với vôi và đá sỏi để đóng gạch ba banh. Những viên gạch màu trắng đục hình chữ nhật được phơi trên sân ngày càng nhiều, rồi được xếp thành hàng chồng lên nhau khi khô. Bố mẹ tôi dùng những viên gạch đó để xây nhà. Đến từng viên ngói được lợp trên mái nhà cũng là bố mẹ tự làm hết cả.

Ngôi nhà được hoàn thành năm tôi hai tuổi. Căn nhà nhỏ xíu trước đây mẹ sinh tôi trở thành nhà bếp.

Nhà mới được xây theo kiểu nhà phổ biến của những năm 80 của thế kỷ trước. Ba đứa em tôi lần lượt ra đời ở đây. Đó là ngôi nhà ba gian. Gian giữa vừa là phòng khách, vừa là phòng thờ. Gian nhỏ bên trái là nơi đặt cót thóc, thùng gạo và những vật dụng quan trọng của gia đình. Gian lớn hơn ở bên phải là buồng ngủ. Hai chiếc giường lớn được kê đối diện nhau, ở giữa là một khoảng không rộng đủ để bốn chị em chúng tôi – lít nhít mỗi đứa cách nhau hai tuổi - chơi đùa.

Tôi nhớ những ngày hè, tại ngôi nhà thân thuộc đó, chúng tôi cùng đám bạn hàng xóm chơi đánh chắt đánh chuyền, chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm. Chán thì cả đám kéo nhau ra sân, ra ngõ chơi đuổi bắt, nhảy dây. Lâu lâu lại có đứa ù té chạy vào trong nhà uống nước. Ngôi nhà vì thế chẳng khi nào vắng tiếng nói, tiếng cười, tiếng nô đùa trẻ nhỏ.

Ngôi nhà đã chứng kiến sự lớn lên của bốn chị em tôi. Từ những đứa trẻ tóc hoe vàng vì những buổi trưa hè trốn bố mẹ đi chơi, đầu trần vậy mà đội nắng đuổi theo cánh chuồn chuồn khi bay khi đậu; chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà thân thuộc. Chúng tôi lớn lên theo thời gian. Bố mẹ cũng già đi theo thời gian và ngôi nhà cũng dần ngả màu mưa nắng. Kỷ niệm cứ dày thêm.

Tôi làm sao quên được hình ảnh bố hớt hải từ ngoài đồng chạy về, lưng ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt đầy lo lắng khi nghe tin em út tôi bị rắn cắn. Bố quỳ xuống phía cạnh giường vội vàng xem vết răng rắn trên cổ tay em, giọt giọt mồ hôi chảy cay xè mắt bố. Bố có kinh nghiệm bắt lươn, bắt rắn, nhìn vết cắn bố biết rắn độc hay rắn nước. Bố ngồi bệt xuống nền nhà, ôm lấy thằng em tôi mặt đang tái đi vì sợ hãi, bố tháo chiếc dây thun mà tôi buộc chặt trên cánh tay em rồi bảo rằng không sao, con rắn này không độc. Lúc đó, tôi mới để ý bàn chân trần của bố đã tứa máu. Có lẽ bố chạy quá nhanh trên con đường lởm chởm đầy đất đá từ ngoài đồng về.

Tôi nhớ những buổi tối cuối thu, mẹ ngồi đan áo len cho mấy đứa con kịp có áo ấm khi đông về. Những chiếc áo cứ dần được thành hình từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ. Khi chiếc áo đủ dài, lâu lâu mẹ lại gọi chị em tôi ra đo thử để mẹ dừng đúng lúc. Tôi ưng nhất chiếc áo “cơi nới” khi năm sau tôi cao hơn năm trước nhưng người thì vẫn chẳng to thêm chút nào. Vậy là mẹ đan thêm hai cổ tay hơi xòe, thêm đường bo áo chừng mười phân bằng một màu khác màu áo. Nhưng vì vậy, chiếc áo của tôi lại trở thành đặc biệt. Bạn bè cứ xuýt xoa thích thú với chiếc áo ấm tuyệt vời ấy. Còn tôi thì hãnh diện vô cùng, cứ ước mùa đông thật dài để được mặc chiếc áo nhiều lần hơn.

Nhớ lần em gái tôi vì giận hờn mà bỏ cả cơm tối. Bố mẹ chẳng dỗ dành, bởi biết tính em, càng dỗ càng không được. Nhưng bố mẹ bắt chị em tôi tắt đèn đi ngủ sớm. Khi mọi vật đã chìm trong bóng tối của màn đêm, ngôi nhà dường như tĩnh mịch, chỉ còn những hơi thở đều đều. Em gái tôi mới lặng lẽ dậy vì cái bụng đang sôi lên vì đói. Em như con mèo, nhẹ nhàng trong bóng tối, rón rén xuống giường, rón rén mở cửa để xuống bếp tìm đồ ăn. Đó là bí mật của em mà mãi sau này khi chúng tôi lớn rồi, bố mẹ mới kể lại. Thì ra, bữa đó bố mẹ đã để dành sẵn đồ ăn cho em và bắt chúng tôi đi ngủ sớm để em tôi có cơ hội xuống bếp ăn vụng. “Tất cả mọi chuyện đều nằm trong dự tính của bố mẹ cả rồi”. Chúng tôi nghe bố nói vậy mà nhìn nhau cười như nắc nẻ.

Trong ngôi nhà thân thuộc ấy, chúng tôi đã có biết bao kỷ niệm. Những lúc chị em vui đùa, bảo ban nhau học hành, mẹ mỉm cười hiền hậu. Những lúc chị em cãi cọ chí chóe, giận hờn, bố lại thành vị quan tòa nhẹ nhàng hòa giải.

Bao nhiêu năm trôi đi, ngôi nhà “có tuổi”, tường bắt đầu xỉn màu, mái ngói bắt đầu võng xuống. Bố tôi đã đôi lần phải đảo ngói để tránh bị dột nước mỗi lần mưa.

Bốn mươi năm là tuổi của ngôi nhà. Em út tôi giờ cũng đã ngoài ba mươi. Em đã xây một ngôi nhà mới theo kiểu hiện đại bây giờ trên khuôn đất của gia đình, ngôi nhà cũ cần được phá bỏ để làm sân.

Nhận hình ảnh nhà cũ, một cảm giác xốn xang, nao nao dâng lên trong lòng. Tôi nhìn thật lâu vào bức hình, nhìn từng nếp ngói, từng mảng tường rêu, từng bậc tam cấp, từng ô cửa sổ. Tất cả đều thân quen, mới đó thôi rồi sẽ thành quá vãng. Tôi sẽ nhớ mãi ngôi nhà thân thương của gia đình, lưu giữ trong trái tim mình để nhớ, để thương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mở rộng lòng từ: Nhà nghèo bị ung thư

Mở rộng lòng từ: Nhà nghèo bị ung thư

GNO - (MRLT 1286 - 2025) Bà Võ Thị Bông, sinh năm 1959, thường trú tại tổ dân phố Long Thạnh 1, P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị bệnh bướu ác tính, không tiền chữa trị.
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ phát biểu trong buổi họp mặt tất niên năm Giáp Thìn - Ảnh: Bảo Toàn/Báo Giác Ngộ

Thượng tọa Thích Tâm Hải: Thông tin đặc thù là yếu tố sống còn của báo chí Phật giáo trong bối cảnh hiện tại

GNO - Đó là một trong những nội dung được Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ chia sẻ trong buổi họp mặt tất niên Giáp Thìn diễn ra chiều 23-1, tại trụ sở tòa soạn (Q.3, TP.HCM), với sự tham dự của Ban Biên tập, các biên tập viên, phóng viên, nhân viên, cộng tác viên.

Thông tin hàng ngày