Như Lai xuất hiện ở đời

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1285 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1285 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi chân trời phía Đông của Bồ Đề Đạo Tràng dần rạng, canh cuối từng bước đi qua, cũng là lúc ánh sáng giác ngộ bùng vỡ trong tâm trí Bồ-tát Sĩ-đạt-ta. Bậc Giác ngộ xuất hiện ở thế gian, Phật có mặt nơi đời.

Sa-môn Cồ-đàm từ nay được tôn xưng là Phật, bậc Giác ngộ tuệ giác sáng ngời. Từ thời khắc này, nhân loại được khai sáng, biết cách vượt ra khỏi lưới ái, thoát khỏi sông mê.

Sau khi xuất hiện ở đời, Đức Phật liền quan sát thế gian, biết rõ rằng nhân loại vì vô minh che lấp sâu dày, rất khó để thể nhập vào tuệ giác sáng chói này. Nhìn những mầm sen trong hồ, có loại còn ẩn dưới bùn, có loại nụ nhô lên trong nước, có loại nụ ngấp nghé mặt nước có thể vượt lên để trổ hoa tương ứng với nhiều hạng chúng sinh nên Ngài đã dấn thân hóa độ.

Hơn 45 năm vân du khắp xứ Ấn Độ để chỉ bày con đường giải thoát, sự nghiệp của Đức Phật có thể khái quát trong năm điều: “Một sẽ chuyển pháp luân, hai sẽ độ cha mẹ, ba người không tin kiến lập lòng tin, bốn là người chưa phát ý Bồ-tát khiến phát tâm Bồ-tát, năm sẽ thọ ký cho Phật tương lai”.

“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Như Lai xuất hiện ở đời tất sẽ vì năm việc. Sao gọi là năm? Một sẽ chuyển pháp luân, hai sẽ độ cha mẹ, ba người không tin kiến lập lòng tin, bốn là người chưa phát ý Bồ-tát khiến phát tâm Bồ-tát, năm sẽ thọ ký cho Phật tương lai. Nếu Như Lai xuất hiện ở đời thì sẽ làm năm việc này. Cho nên, các Tỳ-kheo hãy khởi tâm từ đối với Như Lai.

- Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Năm pháp, phẩm 35. Tà tụ, kinh số 2)

Vận chuyển bánh xe Pháp là việc đầu tiên. Vân du tùy duyên giáo hóa cho đến lúc viên tịch Niết-bàn, Đức Phật đã để lại cho hậu thế Tam tạng Chánh pháp. Giới-Định-Tuệ chính là cốt tủy của giáo pháp, cũng là hiện thân của Đức Phật ở thế gian. Những ai học hiểu và nhiệt tâm thực hành cho đến viên mãn Giới-Định-Tuệ thì sẽ giác ngộ và giải thoát như Ngài.

Dù miệt mài giáo hóa nhưng Đức Phật vẫn hồi hương vào những dịp cần thiết để hóa độ cha mẹ (Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề) và thân tộc. Ngài cũng lên cung trời Đao lợi để giáo hóa mẹ ruột là hoàng hậu Ma-da (bấy giờ tái sinh làm thiên nữ). Đây là đặc trưng hiếu đạo của Phật giáo. Hàng Phật tử noi gương Ngài, thờ cha kính mẹ, luôn nhớ ơn và đền ơn.

Nhất là giáo hóa người kính tin Tam bảo. Đức tin trong sạch vào Phật-Pháp-Tăng là nền tảng của mọi thiện pháp. Người kính tin Tam bảo là cất bước lên con đường thiện lành. Đã đi là sẽ có ngày đến đích giác ngộ, cho dù có nhanh chậm tùy thuộc nhân duyên nghiệp lực của mỗi người.

Cũng từ nhân duyên tốt đẹp này, người đệ tử Phật mở rộng tấm lòng, vừa tu tập và vừa trợ duyên cho người sau. Cứ thế đạo pháp được lan truyền trong dân gian. Tâm Bồ-tát chính là hạnh nguyện lớn, tự giác và giác tha, cho đến ngày công viên quả mãn.

Phật Thích Ca thọ ký cho Bồ-tát Di Lặc là vị Phật tương lai đồng thời cũng thọ ký cho hết thảy chúng sinh là Phật sẽ thành. Nếu có lòng tin Tam bảo sâu sắc, nhiệt tâm thực hành Giới-Định-Tuệ thì chắc chắn sẽ thành tựu giải thoát, Niết-bàn.

“Cho nên, các Tỳ-kheo hãy khởi tâm từ đối với Như Lai” chính là hạnh tôn kính, tin tưởng và thực hành theo Chánh pháp của Như Lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973) tại thiền viện Vạn Hạnh, ngày 19-2 - Ảnh: Nguyên Tài/BGN

Lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tại thiền viện Vạn Hạnh và tổ đình Tường Vân

GNO - Hôm nay, 19-2, tại thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và tổ đình Tường Vân (P.Thủy Xuân, TP.Huế), chư Tăng Ni đã trang nghiêm tham dự Lễ húy nhật lần thứ 52 Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973), nguyên Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Đệ nhất Tăng thống GHPGVN Thống nhất.

Thông tin hàng ngày