Những cánh chim sè sẻ về đâu?

Những cánh chim sè sẻ về đâu?
Giác Ngộ - Trong tâm thức của người nông dân Việt Nam, chim sè sẻ từ lâu đã gắn với cuộc sống của họ như một phần rất gần gũi, rất thân thuộc từ màu lông nâu hiền lành như đất, như màu áo của bà của mẹ cho đến tiếng rúc rích nơi đầu hè, trên ngọn tre, ngọn cau mùa làm tổ. 

Những đàn chim se sẻ bay về thường báo hiệu bắt đầu hay kết thúc một vụ mùa mới của bà con quanh năm lấm lem bùn đất. Chim sè sẻ về, niềm vui, nỗi buồn của người dân quê như cũng được chia sẻ bớt. Bờ tre, gốc rạ cũng trở nên vui hơn, có hồn hơn. Vậy mà, dần dần, những bầy chim sẻ thưa dần đi, những đôi cánh sè sẻ nghi ngờ và hoang mang hơn khi chạm vào từng miếng đất, từng khoảnh ruộng của làng quê Việt hiện đại.

Ba kể những ngày sau giải phóng, công cuộc Hợp tác xã hoá nông nghiệp với nhiều chính sách và chủ trương bất cập đã khiến không ít người nông dân quê tôi điêu đứng, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Cơm thì độn khoai đến hơn 3/4, chỉ có nước mắm “cải tiến” chan lên mà thôi. Lúc ấy tôi chưa ra đời, chị tôi mới vừa hơn 3 tuổi.

Ba mẹ đã dành hết chút cơm ít ỏi trong nồi cho chị tôi, và ăn khoai trường kỳ. Chị lại ốm đau quặt quẹo. Tiền không có để mua thuốc. Suy nghĩ hết cách, nhìn bầy sè sẻ kiếm ăn ngoài sân phơi lúa, ba mẹ thở dài. Vậy là cái bẫy kẹp chuột được đem ra, bỏ vào miếng thiếc nhỏ trên cái chốt bật một ít lúa, phủ lên một ít rơm vừa khô. Rồi im lặng, ba trèo lên cây ổi góc vườn, bỏ chiếc bẫy kẹp chuột lên một nhánh to, rồi vào nhà chờ. Loài sè sẻ vốn rất khôn ngoan và tinh mắt. Bẫy nguyên nửa ngày mới được một con. Mà chắc chú sẻ này mới đi chuyền, lớ ngớ nên sa vào bẫy. Tội nghiệp cho nó và cũng tội nghiệp cho chị tôi. Một đứa bé ba tuổi hơn thì mấy chút thịt sè sẻ cũng chẳng thấm tháp gì.

Và chị tôi bật khóc, khóc ngon lành vì cái miệng thấy ngon, cái dạ dày thì vẫn kêu on ót. Lúc ấy, mẹ tôi ôm chị vào lòng, rồi cũng khóc theo. Nhưng kỳ lạ thay, bệnh tình chị từ dạo đó cũng thuyên giảm dần, rồi hết. Ba mẹ bảo nhau, không ai nhắc đến chuyện bẫy sè sẻ nữa.

Quê miền Trung tôi lại thường thấp thỏm đợi những cơn bão về. Sè sẻ thường làm tổ trên những ngọn cau quanh nhà. Mùa bão nổi cũng là mùa chim sẻ xây tổ, đẻ con. Tội cho những tổ chim mưa bão dập vùi, rơi xuống đất. Những ngọn cau bị bẻ gãy, gia đình sè sẻ tan nát, đôi chim bố mẹ hoảng hốt bay vòng quanh, thất thanh kêu cứu.

Thường thì chị em tôi mặc cho ba mẹ rầy la, vẫn chạy ra xem tổ chim thế nào. Nếu có chim con thì đem vào ủ ấm, nhai cơm cho chúng ăn, chờ gió lặng lại đem ra chỗ nào cao, an toàn lại cho chim mẹ nuôi tiếp. Công việc ấy chị em tôi làm một cách say mê và đầy trách nhiệm lắm.

Không biết dân quê các vùng khác sao chứ người dân quê tôi ngày trước không thể nhẫn tâm với đàn sè sẻ. Đành rằng, đến mùa sạ lúa, từng đàn sè sẻ, manh manh kéo về. Nếu không canh chừng và xua đuổi thì khó mà có được hạt lúa cho mùa sau.

Nhưng chỉ dừng lại ở mức độ xua đuổi thôi chứ nông dân quê tôi không ai nghĩ đến chuyện bẫy chim, giết chim để bảo vệ ruộng lúa của mình. Có nhiều cách đuổi chim sè sẻ đi nhưng cơ bản vẫn là treo người bù nhìn và bao ni lông dày quanh ruộng và trong ruộng nữa. Khi cách đó vẫn không có tác dụng thì bắt đầu cả nhà thay nhau trực ruộng. Thường thì dựng hai tấm liếp nghiêng, đấu đầu trên vào nhau rồi ngồi ở dưới cho khỏi nắng.

Khi chim vừa sà xuống là chui ra, hụ huợ cho chúng bay đi. Cứ như vậy cho đến lúc mặt ruộng xanh đều mới thôi. Vậy mà vui. Nó như một công việc bình thường của nhà nông. Bà con quê tôi đuổi chim với tâm trạng không có gì cay cú, cáu ghét, dù đôi khi vẫn có những tiếng than trời trách đất.

Mà âu chút đó cũng là cái chung của nông dân mình. Than là than vậy thôi chứ không oán trách gì ai, cũng không thù hận gì những đàn chim sè sẻ. Chúng cũng như mình, đói quá, thấy thức ăn là sà xuống thôi.

Dần dần, sè sẻ đồng trở thành đặc sản khi cuộc công nghiệp hoá cứ lan rộng, ăn nốt những mảnh ruộng, mảnh vườn xưa vốn là nơi bay về trú chân, làm tổ của những đàn sè sẻ. Những ông sếp, những nhà doanh nghiệp lớn, nói chung là những kẻ có tiền, sau khi đã trả ơn cho quê hương bằng cách lập ra và thực hiện các đợt quy hoạch biến văn hoá ruộng đồng thành văn minh 2/3 đô thị, khiến người nông dân đã bần cùng lại càng bần cùng hơn; lại tiếp tục bỏ tiền ra để ăn thịt những con chim sè sẻ bằng bất cứ giá nào.

Họ cứ nghĩ đó là một cách hướng về cội nguồn, hướng về đồng quê, hướng về những gì ngày xưa đã từng nuôi nấng, gắn bó với họ, cha mẹ họ, ông bà dòng tộc họ. Nhưng càng làm như vậy, họ càng làm cho cái văn hoá dân dã mất đi, làm những đàn chim sè sẻ nói riêng và những sản vật ở những vùng quê khác ngày càng cạn kiệt. Đôi khi, mang trên mình tội danh mà họ cứ nghĩ đã ban ơn cho rất nhiều người khác.

Tôi chưa từng vào những quán chim đồng đang mọc lên san sát và cũng chưa hề có ý định ăn thịt những con chim đã gắn bó với mình trong suốt quãng đời trẻ thơ chân đất đầu trần giữ trâu bắt cá bên bờ rào, góc ruộng. Tôi thấy như vậy là bất nhân. Bất nhân với chính quá khứ của mình.

Chính những bầy chim sè sẻ đã cho lũ trẻ chúng tôi và cả những người lớn nữa những giây phút thư giãn dễ chịu. Còn gì vui hơn là mỗi sáng thức dậy, bầy sè sẻ chào đón bằng những tiếng chíu chít bên cửa, nơi đầu hồi và ngoài sân cùng đàn gà đàn vịt. Còn gì vui hơn khi nhìn thấy những cặp sè sẻ bay, cắp theo những lá tre, lá cỏ để về xây tổ mới. Hạnh phúc hiện hình trong những khoảnh khắc nhỏ nhoi và đơn sơ ấy.

Nghe nói giá thịt sè sẻ lên mâm giờ đây cũng đắt đỏ lắm. Người ăn cũng là những kẻ có tiền, những kẻ quay lưng lại với ruộng đồng, với quá khứ bùn đất bám đầy từ đầu xuống chân. Giờ, họ cho mình là sạch sẽ với nước hoa và rượu ngoại.

Giá sè sẻ càng lên cao, người đi mồi, đi bẫy càng nhiều. Giờ, trên những mảnh ruộng, mảnh vườn mà những dự án, công trình chưa vươn tay tới, đi đâu cũng thấy những người thợ bẫy sè sẻ với lưới rập, với chim mồi, sẵn sàng triệt hạ những đàn sẻ nào dại dột sà xuống gần đó. Họ thì cũng là những người nông dân thôi. Mà nếu không thì cha mẹ họ cũng là nông dân.

Những bầy sè sẻ từ trước đến nay dù có khôn ngoan đến mấy cũng không đề phòng cả một vùng đất, cả một cộng đồng nông dân mà chúng có thể đến rất gần. Giờ thì đâu đâu cũng là cạm bẫy. Đồng tiền đã khiến con người giăng bẫy những bầy chim sẻ một cách khéo nhất và bất ngờ nhất. Vậy, chúng biết bay về đâu, làm tổ ở đâu?  

Tôi từng nghe một câu chuyện kể về một người chuyên bẫy sè sẻ. Cách đây vài năm rồi. Hồi ấy, giá sè sẻ chưa cao ngất ngưởng như bây giờ nhưng ít người đi bẫy nên ai đi bẫy là có thể làm giàu. Người đàn ông ấy vác lưới rập đi khắp các miền quê. Tiền kiếm được ngày một nhiều. Nhà đã sửa sang lại được, con cái cũng chăm lo được chu đáo.

Dần dần, từ đi bẫy sẻ bằng xe đạp ông chuyển sang xe máy cho tiện và được xa hơn. Lòng tham ngày một lớn. Nhưng rồi, một đêm nọ, trời lạnh, gió căm căm quất vào từng khe cửa. Một người đàn bà hàng xóm nghe thấy tiếng đập cánh rất mạnh của một đàn sè sẻ đông chưa từng thấy quanh nhà người đàn ông ấy. Cô bảo chồng ra xem sao. Anh chồng cho vợ là điên vì trời đêm lạnh, chim cũng tìm chỗ trú như người chứ hơi đâu mà đập cánh. Mà còn đâu sè sẻ nhiều đến vậy mà bay, mà đập cánh.

Vậy là hai vợ chồng hàng xóm tiếp tục ngủ. Sáng, người ta phát hiện người đàn ông bẫy chim sẻ nằm chết úp trong vườn nhà, trên tay là cái lưới rập bẫy chim. Trên mình ông, lông chim sè sẻ vẫn còn vương vãi và nhiều chỗ thâm tím giống như kim châm. Có người cho rằng ông đã bị bầy sè sẻ cắn chết. Bác sỹ thì bảo ông lên cơn đau tim đột ngột. Nhưng nhiều người không hiểu ông ra ngoài trong đêm hôm ấy làm gì, và tại sao trên tay lại cầm cái lưới rập bẫy chim? Lạ nữa là tại sao cả vợ con ông đều không hay biết gì cả…???

Cuộc sống này ngẫm ra rất công bằng. Cái gì rồi cũng có giá của nó. Khi con người đối xử vô lương tâm với tự nhiên thì tất yếu sẽ có những hệ luỵ xảy đến. Điều đáng buồn là chẳng mấy ai nhận ra điều ấy. Giờ, tìm một nơi bình yên để nhìn bầy chim sẻ líu ríu tìm mồi, líu ríu dẫn nhau đi trên mặt sân, mặt ruộng thật quá hiếm hoi.

Và rồi, tôi tin một ngày không xa, khi sự tham lam đã lên đến tột đỉnh, những mất mát sẽ làm cho con người phải nhìn lại. Lúc ấy, e rằng đã quá muộn. Những bầy chim sè sẻ bấy giờ chắc cũng chỉ còn trong kí ức của những người có tâm, trong những lời thơ, câu hát mà thôi. Rồi khi những đàn sè sẻ không còn, một phần văn hoá Việt cũng sẽ mất theo, cái tố chất nông dân và làng quê Việt cũng không còn nữa. Đó sẽ là điều những ai còn biết mình là người Việt Nam đều không mong muốn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày