GNO - Về Hải Hậu dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, gặp đúng lúc Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện đang họp bàn việc phân công hội viên đưa tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đến trưng bày tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 2019.
Tác phẩm được chọn đưa đi triển lãm
Tỉnh Nam Định được đề nghị chọn 16 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu nhất trên địa bàn toàn tỉnh để giới thiệu tại Triển lãm SVC tại Đại lễ Vesak LHQ năm nay, trên cơ sở này đã phân bổ cho huyện Hải Hậu cung cấp 3 tác phẩm.
Hội SVC huyện Hải Hậu đã thống nhất bình chọn 3 cây đưa đi triển lãm, gồm: 2 tác phẩm cây sanh ôm đá thế “Tam Sơn” của nghệ nhân Lưu Thành Công ở xã Hải Phú và 1 tác phẩm sanh ôm đá cổ thụ của nghệ nhân Vũ Văn Tuynh ở xã Hải Sơn.
Ông Trần Văn Trung - Chủ tịch Hội SVC huyện Hải Hậu đưa chúng tôi đến nhà nghệ nhân Lưu Thành Công.
Ông Vũ Văn Tuynh và tác phẩm sẽ đưa đến dự triển lãm SVC tại Vesak LHQ 2019
Tại đây, được tận mắt chứng kiến 13 tác phẩm sanh ôm đá có kích thước “khủng” đang tọa lạc trong vườn. Cây nào cũng một vẻ đẹp kỳ thú đến độ “buốt mắt”, những chiếc rễ sanh to dài như những con trăn quấn chặt lấy những tảng đá lớn.
Những cành sanh uốn lượn theo thế long giáng, với những tán lá xanh mướt được cắt tỉa công phu thành những hình đã tròn trông xa như những đám mây lửa xếp tầng tầng lớp lớp. Kiểu tạo tác thế cây cảnh này đã có từ xa xưa, thường gọi là thế “Long dáng tản vân”, tức “Rồng ẩn trong mây”.
Ông Công cho biết, những cây sanh trong vườn đều đã được tạo tác suốt hơn 25 năm qua. Từ thuở Công còn nhỏ, bố mẹ đã có thú chơi đá cảnh, với nhiều hon non bộ to lớn đặt trong vườn. Ban đầu chỉ chơi đá không, sau đó trồng những cây sanh lên hõm hốc trên thân đá. Những cây sanh trồng ấy ban đầu chưa có thế, nên không đẹp.
Các nghệ nhân trong Hội SVC họp bàn về triển lãm tại Đại lễ Vesak LHQ 2019
Từ thuở Công mới 15 tuổi, đã yêu thích việc uốn cây, nên bắt tay vào uốn tỉa những cây sanh trên non bộ trong vườn của gia đình cha mẹ. Thân cây lớn đến đâu thì tỉ mỉ uốn và cắt gọt đến đấy, rễ cây to dài ra đến đâu thì đem uốn bắt vào đá đến đấy. Công việc tạo dáng phải kiên trì từng ngày, từng ngày, chờ cho rễ cây phát triển ôm kín khắp những tảng đá. Phải trải qua hơn 20 năm mới có được những tác phẩm như ngày nay.
Đến nay, ông Công đã tạo tác được 19 cây cảnh tuyệt tác thuộc hàng dị biệt có một không hai như vậy, trong đó 6 tác phẩm đã được khách hàng mua với giá từ 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng/1 tác phẩm, được gần 2 tỷ đồng.
Ông Công và Hội SVC huyện Hải Hậu đã thống nhất chọn 2 tác phẩm sẽ đưa đi triển lãm tại Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc. Trong đó, 1 tác phẩm nặng hơn 4 tấn (cả bệ), chiều cao 2,8 m, chiều ngang từ tán đầu đến tán cuối 4,3 m. Trên cây sanh này có cả thảy 87 tán lá hình đĩa. Tác phẩm kia nặng 3,6 tấn (cả bệ), cao 2,6 m, kích thước chiều ngang từ tán đầu đến tán cuối là 4 m. Trên cây có 63 đĩa tán lá.
Ông Công chia sẻ: Hai tác phẩm cùng có tên “Tam Sơn”, mỗi gốc cây đều ôm lấy 3 tảng đá lớn tượng trưng cho 3 hòn núi theo dáng thế cổ. Hai cây này đã từng được một khách hàng trả 500 triệu đồng/cây, nhưng ông Công không bán.
Ông Lưu Văn Công và 2 tác phẩm sẽ đưa đến dự triển lãm
“Được chọn thay mặt cho gần 70 nghệ nhân SVC và hàng nghìn người chơi cây cảnh nghệ thuật trong huyện đưa tác phẩm đi dự Vesak là điều vô cùng vinh dự cho tôi. Tôi rất phấn khởi. Được thông báo, Ban Tổ chức triển lãm sẽ chỉ hỗ trợ cho mỗi tác phẩm 1 triệu đồng tiền vận chuyển. Tôi đã lên kế hoạch chuyển cây vào ngày 8-5-2019 tới đây, dự tính sẽ phải chi 20 triệu đồng để thuê vận chuyển đến chùa Tam Chúc. Xe cẩu sẽ không thể đi qua cổng nhà để vào trong vườn được, nên tôi sẽ nhờ, thuê hàng chục người trong xóm dùng đòn lăn, đòn bẩy, dây tời đưa chậu cây từ trong vườn ra qua cổng nhà, sau đó xe cẩu đưa 2 tác phẩm đến chùa Tam Chúc. Trong suốt hành trình vận chuyển, sẽ phải thuê 2 nhân lực đi theo để bảo vệ cây. Những người này sẽ phải đứng trên xe cẩu để theo dõi canh cây trong suốt hành trình vận chuyển, yêu cầu xe phải đi chậm, để không bị vênh váo đĩa tán của cây”, ông Công nói.
Quan sát, 2 tác phẩm của ông Công dự định đem triển lãm chưa phải là những tác phẩm lớn nhất, đẹp nhất trong vườn. Chỉ vào tác phẩm giá trị nhất, ông Công cho hay: “Cây này được một khách hàng đến trả giá 1,2 tỷ đồng nhưng tôi quyết để chơi trong vườn thôi, sẽ không bao giờ bán. Cây này cao 3,2m, kích thước chiều ngang tới 6m, trọng lượng cả cây cả bệ gần 8 tấn. Tôi không dám đưa đi triển lãm, vì ngại nếu vận chuyển sơ sểnh gãy tán, vênh cây thì tiếc lắm. Cây này tôi chưa bao giờ đưa đi triển lãm nào”.
Đến nhà nghệ nhân Vũ Văn Tuynh ở xã Hải Sơn, tác phẩm được lựa chọn cũng là một cây sanh ôm đá, kích thước nhỏ hơn nhiều so với những cây sanh của ông Lưu Văn Công. Ông Tuynh và ông Trung cho biết, tuy này cây không lớn, nhưng đã có tuổi hơn 100 năm. Kinh nghiệm nhận biết độ tuổi của cây, là căn cứ vào những vết rêu mốc trên thân. Cây sang này đã trải qua 4 đời người chơi, từ đời kỵ, truyền qua đời cụ, ông nội, bố của ông Tuynh để lại đến ngày nay.
Ông Trần Văn Trung cho biết, chủng loại cây cảnh từ bon sai đến cây thế, từ sanh, si, tùng La Hán, bách, thông, trà… Nhưng sở dĩ chỉ chọn những tác phẩm sanh ôm đá cỡ đại, vì đây là sản phẩm SVC chỉ Hải Hậu mới có. Thú chơi sanh ôm đá đã xuất hiện tại Hải Hậu từ khi cư dân lấn biển khai cơ lập địa vùng đất này vào khoảng 500 năm trước.
Theo ông Trung, Hội Sinh vật cảnh huyện Hải Hậu hiện nay có 4.000 thành viên tham gia, trong đó có 62 nghệ nhân đã được UBND tỉnh Nam Định và Hội SVC Việt Nam phong danh hiệu nghệ nhân. Toàn hiện ước lượng có khoảng 3 vạn cây thế, cây cảnh, trong đó có hàng nghìn tác phẩm được định giá từ 100 triệu đồng/ cây trở lên, có những tác phẩm giá trị hơn chục tỷ đổng. Đơn cử như cây của doanh nhân Cao Văn Phú ở xã Hải Cường mua tới 7 tỷ đồng.