Những chuyến xe đời

Hai bà cháu trên chuyến xe...
Hai bà cháu trên chuyến xe...
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thỉnh thoảng, tôi đón xe buýt về thăm nhà ở ngoại thành. Hôm trở lại cơ quan, vừa bước lên xe, tôi lướt qua cặp đôi rất trẻ và một chị ẵm đứa con nhỏ. Tôi thích trẻ con nên ngồi gần để chơi với nó.

Đang chọc cho thằng bé cười thì đột nhiên nghe bác tài la lớn: “Hai đứa kia, tụi bay làm trò gì đó! Có tin tao đuổi xuống xe không? Con nít con nôi mà bày đặt hôn hít”. Cô bé đội chiếc nón kết cúi mặt xuống, còn cậu con trai đầu tóc vàng hoe đưa mắt lườm bác tài miệng lẩm bẩm chửi thề. Hai em ấy chắc là học sinh cấp ba vì cậu kia mặc áo quần thể dục.

Xe dừng đón khách. Một ông khách chừng năm mươi tuổi, vẻ nghèo khổ, xách theo một tay nải đầy chai lọ, tay kia cầm ly chè đậu xanh. Ổng vừa ngồi xuống liền móc một nắm tiền cũ đếm đi đếm lại cũng chỉ đúng sáu ngàn đưa cho cô nhân viên bán vé rồi vội mở ly chè. Chiếc xe thắng vội “Két ét ét!”. Bác tài la lên: “Má nó, chạy kiểu gì vậy, thằng kia! Ra đường gặp toàn thứ trâu bò chạy xe không à!”. Cú thắng gấp làm ly chè của ông khách kia đổ phân nửa xuống sàn. Cô nhân viên xe buýt thấy vậy chạy tới la cho ông một trận. Ông cười vô tư như chẳng có vấn đề gì.

Đến chợ Bà Điểm, một bà lão chắc cũng bảy mươi, xách giỏ cau và một túi trầu thiệt lớn, dắt đứa cháu trai cỡ chín, mười tuổi lên xe. Hai bà cháu trông giản dị, tươm tất và sạch sẽ. Họ ngồi gần với hàng ghế của tôi. Đứa cháu có vẻ hiếu thảo biết quan tâm đến bà nó. Bà cụ lấy từ giỏ đựng cau một cuốn sách nhỏ được gói cẩn thận trong túi ni-lông, cười nói điều gì đó với đứa cháu. Hai bà cháu cứ quấn quýt với nhau.

Xe chuẩn bị tấp vào trạm, phía trước một chị trung niên đứng vẫy xe với một kiện hàng lớn. Bác tài nói với cô nhân viên bán vé: “Lấy bao hàng đó và người, năm mươi ngàn”. Vậy mà khi thu tiền cô ta lại nói “Tám mươi ngàn”, và lặng lẽ bỏ số dư vào túi.

Xe buýt dừng thêm một trạm nữa, một đám công nhân hơn chục người ùa lên thật nhanh nói cười rộn rã rồi cũng nhanh chóng xuống xe. Ngay trạm xuống, hai người đàn ông lên xe, một anh xăm trổ cả hai cánh tay vừa trả tiền mua vé, vừa hét vào điện thoại: “Má mày, tao nói vài bữa tao trả tiền chung độ cho mày, làm chó gì mà gọi hoài vậy. Má tao vừa bán đất mà bả không cho, lần sau tao về đốt nhà bả. Mày điện nữa là tao đập điện thoại đó thằng chó”. Anh ta cúp máy, nói thêm một câu “Má! Đời như cục c…” rồi im lặng.

Tôi thoáng chạnh lòng, thương cho bà mẹ thiếu phước của anh. Chắc là dư âm còn lại của mùa EURO. Mùa bóng nào mà báo chí không đưa tin nhà mất trộm, người nhảy sông, kẻ trắng tay vì thua cá độ. Ông nào cầm được tiền trong tay thì cũng toàn là những đồng tiền có được từ sự đau thương, đổ vỡ, cùng đường của người khác, sớm muộn gì rồi cũng tàn theo. Cái máu cá độ là máu nghiện. Có ai may mắn cả đời?

Trong vòng có vài phút mà chuyến xe như náo loạn cả lên không khác gì cái chợ. Tôi nhìn sang bà cụ bán trầu cau, hai bà cháu vẫn tỉ tê chuyện trò, dường như không để ý đến những người xung quanh mình. Họ rất chú tâm vào câu chuyện của mình mà không bị phân tán. Bà giải thích điều gì đó từ quyển sách cho thằng cháu mà tôi nghe loáng thoáng: “Đó con, muốn khỏe mạnh, sống lâu phải biết thương người thương vật, phải sống hiền lành nghen con”. “Đúng rồi con, câu này nghĩa là ta phải biết kính, biết hiếu thuận với mẹ cha”. Đứa cháu gật đầu, hỏi tiếp: “Vậy cái khúc này nghĩa là gì hả ngoại”.

Bà nheo mắt, đưa quyển sách gần hơn đọc đoạn chữ thằng bé chỉ. Tôi mải mê theo dõi cuộc chuyện trò của hai bà cháu, những cử chỉ ân cần khiến tôi xúc động. Đứa cháu cầm quyển sách từ tay ngoại mình nói: “Ngoại để con đọc khúc này cho”. Bà nó cười thật hiền từ. Hình ảnh dung dị thánh thiện của hai bà cháu khiến tâm hồn tôi mát rượi, trong lành. Hai bà cháu như đang ở một thế giới khác, thế giới của hạnh phúc và yêu thương đối lập hoàn toàn với những điều tôi vừa nghe, vừa thấy.

Tôi tò mò, cố nhìn xem quyển sách kia là sách gì thì thấy góc bìa trang sách ghi chữ kinh Dược Sư, tôi ngạc nhiên vì cứ tưởng nãy giờ quyển sách đó là một cuốn truyện.

Xe dừng thêm vài trạm, tôi xuống xe trước hai bà cháu. Hai bà cháu vẫn mải mê trò chuyện mà không để ý gì đến sự có mặt của tôi. Nhưng tôi thì khác, hình ảnh đẹp của bà lão phúc hậu bán trầu cau và đứa cháu ngoan hiền trên chuyến xe buýt ấy vẫn in đậm trong tâm...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày