Chuyện đời thường

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bạn gửi cho mình tin nhắn: “Khóa tu thành công, nhiều cảm xúc” kèm tấm hình bạn đang khóc trong vòng tay của cha mẹ và bạn đồng tu.

Mình trêu: “Sao mà ướt át thế?”. Bạn kể rằng, đêm đó, chuẩn bị rất công phu, nhưng rồi trời đổ mưa to, không đốt lửa trại được. Mọi người đành vào hội trường, nhóm đống lửa nhỏ, ngồi lại bên nhau để cùng chia sẻ những khó khăn, nỗ lực của Ban Tổ chức; những cảm xúc của đêm nay, của đợt trại lần này và những kỷ niệm của hành trình 6 năm qua ùa về, thế là bật khóc.

Dù không có mặt ở đó, nhưng mình hiểu những cảm xúc của bạn. Bạn là người sống tình cảm, có tài và khá cầu toàn trong công việc. Việc gì giao cho bạn là yên tâm. Nên có khi bạn cũng rối bời vì nhiều người nhờ, nhiều việc quá… khiến bạn bị “quá tải”. “Phải chi lần này trời không mưa thì hay biết mấy”, bạn tiếc nuối. Mình cười: “Có gì đâu, không có sự vui vẻ, náo nhiệt bên ngoài, thì sự lắng đọng của những tâm tình sẻ chia cũng hay mà”. “Ừ, ấm áp, đặc biệt lắm!”, bạn “reply”.

Vậy đó, có những lúc, những việc, mình chuẩn bị rất chu đáo với niềm tin sẽ thành công, nhưng rồi… việc vẫn đến theo đường của nó mà mình không thể nào biết trước hay xếp đặt được. Lúc trước, mình cũng hay buồn, hay than thở, hay nản lòng mỗi khi gặp việc bất như ý. Nhưng mình nhớ, có lần, năm mới, mình mừng khánh tuế Sư bà: “Con kính chúc thầy năm mới vạn sự như ý”. “Ừ, thầy cũng chúc con năm mới, như ý trong vạn sự”. Lời chúc - lời dạy ấy của thầy đã trở thành kim chỉ nam giúp mình có thể đi qua những chống trái của cuộc đời một cách ít phiền não nhất. Trong mọi việc, hãy làm hết lòng, còn lại cứ để nhân duyên vận hành vậy!

2- Đã hơn 100 ngày cố nghệ sĩ Vũ Linh qua đời, nhưng những xung đột, kiện tụng, tranh chấp tài sản của ông vẫn thu hút sự quan tâm của công luận lẫn dư luận.

Khán giả, đồng nghiệp - những người thật lòng yêu mến nam nghệ sĩ lúc sinh thời cảm thấy xót xa, khi thần tượng của mình đã nằm xuống mà vẫn không được an nghỉ. Trái lại, kẻ thị phi thì cứ thế mà soi mói, từ nghĩa trang cho đến nhà riêng của cố nghệ sĩ, nhất cử nhất động của gia đình, đồng nghiệp, kể cả shipper, xe grab đến nhà… cũng được các YouTuber túc trực lấy “cận cảnh”.

Chưa kể, những xào xáo trong nội bộ gia đình còn kéo theo một số người, đủ lứa tuổi, thành phần “tự phong” mình là fans chính nghĩa, đứng ra lên tiếng giùm người này, thay mặt giùm người khác để kể hết chuyện này, đến chuyện kia... dù không biết trong đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật?! Và khi tiếng bấc ném qua, thì tiếng chì ném lại, những người mà trước đó chưa từng biết mặt, quen tên cũng sẵn sàng lên mạng đấu tố nhau, mạt sát nhau không tiếc lời, chẳng màng mình đã vô tình hay cố ý gây nên khẩu nghiệp như thế nào.

Sự việc xảy ra, nguyên đơn và bị đơn đều lên tiếng theo hai hướng khác nhau. Và lẽ dĩ nhiên, không ai tự vả vào mặt mình cả. Là người ngoại cuộc, chuyện trắng - đen, đúng - sai trong gia đình ấy ra sao, không thể tỏ tường, chỉ tự hỏi lòng, nếu đặt bản thân mình trước một khối tài sản lớn, mình sẽ phản ứng như thế nào? Mình có tham, có giành giựt không? Không biết được! Bởi lẽ, “núi cao còn bị phong hóa, sông dài còn gợn đục phù sa, nói gì đến lòng người nay thay mai đổi”. Nhưng có một câu chuyện cổ tích được nghe kể từ thuở nhỏ, mình rất thích.

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có hai vợ chồng quê nghèo, trong lúc cày cuốc ở ngoài đồng, người chồng gặp được hũ vàng. Anh lẳng lặng vùi hũ vàng lại rồi về khoe với vợ. Bà vợ nghe xong quát chồng là đồ ngốc, để như thế lỡ ai trông thấy lấy mất thì sao? Người chồng bình tĩnh: “Trời đã cho thì không mang về, nó cũng theo mình về. Trời đã không cho mà vào tay kẻ khác thì tiếc rẻ làm chi”.

Có một tên trộm nấp ở góc nhà nghe lỏm được câu chuyện, bèn chạy thẳng đến chỗ chôn vàng. Nó đào lên, mừng rỡ vác về nhà. Nhưng vừa mở nắp ra, thấy toàn là rắn. Nó bèn đậy nắp lại rồi giấu kín vào một nơi. Sáng hôm sau, người chồng ra chỗ cũ tìm hũ vàng thì hũ vàng đã biến mất. Chiều về, anh cho vợ hay thì lại bị vợ mắng. Người chồng vẫn một giọng bình tĩnh: “Trời cho thì mình được, trời cất thì thôi”.

Tên ăn trộm nghe được, tức mình đem trả cái hũ vào chỗ cũ. Sáng hôm sau, người chồng ra đồng làm việc. Gặp lại cái hũ, anh mở ra coi thì thấy số vàng còn nguyên vẹn. Chiều về anh khoe với vợ hũ vàng chưa mất. Người vợ bèn giục: “Sao không đem cái hũ về ngay?”. Người chồng lừng khừng: “Mang về làm gì! Một khi trời cho thì trước sau nó sẽ về tay mình”.

Tên ăn trộm rình nghe được, bèn ra đồng, bê cái hũ về để trước cửa nhà hai vợ chồng kia để rắn bò ra cắn chết họ. Sáng hôm sau, người chồng thức dậy, thấy cái hũ ở trước cửa nhà. Anh mừng rỡ mở ra nắp ra coi, thấy hũ đầy ắp vàng. Anh bảo vợ: “Tôi nói có sai đâu, cái gì của mình thì nhất định sẽ về với mình”.

3- Dù thất Ni sư ở gần sát bên chùa, nhưng cho đến ngày Ni sư mất, mình vẫn chưa đủ duyên gặp mặt Ni sư một lần. Mình chỉ được nghe kể rằng, Ni sư đẹp lắm, một nét đẹp dịu dàng làm ngẩn ngơ người đối diện. Không những vậy, Ni sư còn là một bậc tài hoa. Những áng văn, bài thơ, mẩu chuyện, tác phẩm dịch... của Ni sư là những lời giáo hóa chúng sanh vô cùng sống động.

Ni sư qua đời vì bệnh duyên. Trước lúc chia tay cõi tạm, Ni sư đã viết những dòng chữ gọi là "Viết cho nhau lần cuối" để tạ từ. Và trong bức tâm thư ấy, điều Ni sư tha thiết mong mỏi là mọi người hãy cẩn thận đừng tạo nghiệp ác, hãy chuyên hành thiện, tin sâu nhân quả, hướng về Phật pháp. Ước nguyện duy nhất của Ni sư là nếu quay lại cõi Ta-bà nguyện sẽ hóa độ chúng sanh thoát khổ.

Dù ẩn tu, không xuất hiện trước đại chúng, nhưng tang lễ của Ni sư rất đông người đến viếng để tiễn biệt người pháp lữ, để đồng chúc nguyện cho tâm nguyện của Ni sư được thành tựu ở mai sau.

Ngày di quan, nhìn kim quan của Ni sư một mình “lững thững” trên băng chuyền đến trước cửa lò hỏa táng, tôi lặng người đi vì xúc động. Ngày xuất hiện trên cõi đời này, chúng ta “lò dò” một mình đến, và ngày sau cùng, cũng chỉ mình ta đơn độc bước trở về, trả bụi cho đất, trả khí cho trời và trả luôn cả những thương ghét, nhục vinh một đời, chỉ mang theo tội - phước của riêng mình.

“Ta đứng lặng tiễn người về đáy mộ

Chợt ngỡ ngàng nghe khúc vô thường ca

Dù đã biết cung vòng từ thượng cổ

Bước sau cùng cho kẻ trót sinh ra”.

(Hạnh Đoan)

Chiều nay, có hạt mưa nào vừa mới bay ngang vườn chùa. Nhẹ nhàng! An nhiên!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày