Những kỹ năng sống chậm

Chúng ta thường cảm thấy bận rộn hơn nhiều so với yêu cầu thực sự của đời sống
Chúng ta thường cảm thấy bận rộn hơn nhiều so với yêu cầu thực sự của đời sống
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta dường như bị quá nhiều công việc đẩy đi suốt cả ngày, vội vàng từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.

Và đôi khi, chúng ta cảm thấy bận rộn hơn nhiều so với danh sách việc cần làm vì phải gấp rút, suy nghĩ liên tục về những điều chưa đến và tâm của chúng ta chưa bao giờ được bình an.

Cũng giống như việc vội vã trở thành thói quen, chúng ta cũng cần phải luyện tập để có thể trở lại khoảnh khắc hiện tại và nhắc nhở bản thân dừng lại. Rất may, một người có thể thực hành sống chậm ở bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Dưới đây là một số phương pháp cần thiết để rèn luyện kỹ năng này:

Nhận ra nhu cầu được yên tĩnh của bản thân (Ayya Khema)

Chúng ta vốn ẩn chứa tất cả những chân lý tuyệt đối, của tình yêu thương và lòng từ bi vô lượng, hay nói cách khác, toàn bộ sự giàu có của vũ trụ nằm bên trong chúng ta. Kho báu này chỉ còn chờ được khám phá. Nhưng với nhịp sống hối hả và bận rộn từ sáng đến tối, chúng ta sẽ không bao giờ phát hiện ra nó. Chúng ta chỉ có thể chạm vào nó thông qua tâm tĩnh lặng. Ai cũng có thể làm điều đó, nhưng chỉ với điều kiện họ phải yên lặng.

Vì vậy, chúng ta có kho báu đó. Nhưng nếu quá bận bịu, chúng ta chẳng có cách nào để mở chiếc rương quý giá đó. Việc mở khóa cần có thời gian, cần tâm tĩnh lặng, hài lòng và biết đủ. Chúng ta cần biết rằng có thứ gì đó trong tâm cần phải được khám phá vượt xa bất kỳ điều gì mà chúng ta có thể tìm thấy trên thế giới này. Và sau đó, chúng ta sẽ cố gắng xem xét lại những gì thực sự cần thiết để thực hiện.

Chú tâm khi bạn đang gấp gáp (Martin Aylward)

Vội vàng khiến bạn cảm thấy áp lực về thời gian. Bạn cảm thấy bị bóp nghẹt, bận bịu, và bị thời gian quấy nhiễu. Chậm lại khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn.

Bạn có thể không nhận ra mình vội vã đến mức nào cho đến khi nhận ra điều này. Chúng ta thậm chí cố gắng pha trà một cách nhanh chóng, mặc dù không thể làm cho ấm nước sôi nhanh hơn. Một trong những người thầy thường nói với tôi: “Không có gì gọi là đợi chờ một thứ gì đó”. Có thể có một lý do nào đó để di chuyển nhanh chóng, nhưng không có lý do nào chính đáng để vội vàng.

Chú ý cách mà bạn đi lên cầu thang, pha trà, đánh răng, mặc áo quần, rửa bát hay đi mua hàng tạp hóa. Hãy cảm nhận về mệnh lệnh bên trong thôi thúc bạn phải bận bịu và chỉ tập trung vào những gì mà bạn đang làm và mỗi bước bạn đang đi. Hãy cảm nhận điều kỳ diệu khi bạn chậm lại và nhẹ nhàng, từng chút, từng chút một.

Kéo dài hơi thở (Kathy Cherry)

Hơi thở là một trong số ít những cách có thể tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của chúng ta. Hít vào bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng. Khi thở, hãy chú ý đến âm thanh của những hơi thở mạnh và luồng hơi thở đi từ mũi, đến cổ họng, xuống ngực, đến bụng. Trong khi thực hành điều này, hãy quan sát mọi cảm giác lắng đọng và buông bỏ. Nếu bạn đang ở bên cạnh mọi người, sẽ rất lạ khi bạn thở phát ra âm thanh, nhưng lúc đó, bạn chỉ cần hít vào và thở ra bằng miệng một cách nhẹ nhàng.

Thực hành ăn uống có chánh niệm (Jan Chozen Bays)

Ăn uống có chánh niệm là một trong những phương pháp để tìm lại một trong những điều thú vị nhất của con người. Đây cũng là cách để khám phá nhiều hoạt động tuyệt vời đang diễn ra ngay dưới mũi và bên trong cơ thể chúng ta. Ăn uống có chánh niệm cũng có lợi ích không ngờ, giúp chúng ta khai thác được trí tuệ tự nhiên của cơ thể và khả năng cởi mở, biết ơn tự nhiên xuất phát từ trái tim. Có nhiều cách để luyện tập kỹ năng này. Bạn có thể thử nghiệm trong một tuần bằng cách đặt nĩa hoặc thìa xuống trong khi nhai.

Đây là một phương pháp hữu hiệu và đơn giản nhất giúp bạn ăn chậm lại. Mỗi lần bạn đưa thức ăn vào miệng xong, hãy đặt thìa xuống. Đừng nhặt nó lên cho đến khi thức ăn trong miệng đã được nhấm nháp hoàn toàn. Để có thể thực sự cảm nhận được miếng ăn trong miệng, bạn cũng có thể nhắm mắt khi nhai và nuốt. Hãy quan sát những xung động thú vị nảy sinh trong tâm khi thực hiện quá trình này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày