Những người nước ngoài làm công quả ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Claudia phụ giúp rửa sân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 1-2024 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Claudia phụ giúp rửa sân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 1-2024 - Ảnh: Nhân vật cung cấp
0:00 / 0:00
0:00
3 giờ sáng, Claudia thức dậy tọa thiền trước khi bước vào ba tiếng lao động quét sân, nhặt lá cây và nấu ăn. Đó là lịch sinh hoạt quen thuộc hai tuần qua của người phụ nữ 37 tuổi ở Berlin (Đức) trong thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. "Cơ thể tôi rã rời nhưng thật kỳ lạ, tâm trí tôi bình an", Claudia nói.

7 năm trước, cô gặp biến cố lớn trong công việc, một thời gian dài rơi vào trầm cảm nên bắt đầu tìm đến thiền và văn hóa Phật giáo. Claudia đã khám phá, thực hành thiền ở Thái Lan, Trung Quốc và dành hai tháng đi qua một số chùa, thiền viện ở Việt Nam từ tháng 12-2023.

Claudia tình cờ biết đến thiền viện này qua tìm hiểu trên Internet và một số diễn đàn du lịch. Muốn tìm không gian để trải nghiệm cuộc sống tâm linh của người Việt, cô xin ở lại làm cư sĩ hai tuần. Người phụ nữ Đức mua hai bộ đồ màu lam và nâu và cùng 20 cư sĩ người nước ngoài khác bắt đầu cuộc sống cùng tu tập, thiền và làm công quả.

"Nó khác xa cuộc sống một mình của tôi ở Đức", Claudia nói. "Tôi cảm thấy mọi người ở đây như một gia đình cùng giúp đỡ lẫn nhau".

Trong thiền viện, có ba người nói được tiếng Anh, họ cố giúp cô sinh hoạt trong khi những người khác kiên nhẫn giải thích vấn đề qua ứng dụng dịch.

Lịch trình mỗi ngày của Claudia bắt đầu từ 3 giờ đến 22 giờ bao gồm tọa thiền, lao tác (lao động công quả), chỉ tịnh (ngủ), sám hối và tọa thiền. Sau bữa sáng, cô dọn khoảng sân trước tượng Phật, lau chùi bàn ghế. Đến khoảng 10h, cô cùng các cư sĩ khác sơ chế thực phẩm chuẩn bị bữa trưa.

Ở đây, Claudia học nấu các món chay như gỏi, nấm kho, súp rau củ. "Tôi thích thú đến mức phải gọi kể với bố mẹ những món chay Việt. Họ đã có 35 năm kinh doanh nhà hàng nên tôi rất mong có món chay Việt Nam xuất hiện trên thực đơn ", Claudia nói.

Ban đầu, cô lạ lẫm với thói quen ngủ trưa hai tiếng của người Việt nhưng ở thiền viện, nó khiến cô cảm thấy dễ chịu. Claudia dự kiến tuần cuối cùng ở đây cô sẽ dành thời gian làm 200 phần bánh cho chư Tăng, Ni và Phật tử.

Marvin Jassmann ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 2-2024 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Marvin Jassmann ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 2-2024 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giữa tháng 2, kỹ sư hàng hải người Đức Marvin Jassmann, 31 tuổi, cũng đón chuyến xe từ Hà Nội về Tam Đảo, Vĩnh Phúc để làm công quả ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Anh nói tìm đến yoga, thiền và đạo Phật từ giữa đợt dịch Covid-19 căng thẳng. "Biến động cuộc sống khiến tôi muốn tìm đến bình yên", Marvin nói.

Anh dành một tháng đầu năm 2024 để đi khắp Việt Nam và nhận ra mình rất hợp với thiên nhiên, sự yên tĩnh của các đền, chùa, thiền viện ở đất nước này. Marvin tìm thấy thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên rộng 40.000 m2 với nhiều cây xanh, hoa, cỏ và tĩnh lặng. Ở đây, anh được chấp thuận lưu trú dạng cư sĩ với thời khóa biểu gồm tọa thiền, cầu nguyện, công quả, sám hối và nghỉ ngơi.

"Không ai ép buộc bạn phải làm điều gì với lịch trình này, mọi hoạt động đều do ý thức của bạn", anh kể. Mỗi ngày anh tự giác tham gia cùng các cư sĩ khác trồng cây, quét sân, bổ củi và các công việc ở hành đường (bếp).

Claudia, Marvin là những đại diện của trào lưu người nước ngoài đến Việt Nam xin làm công quả ở các chùa. Đại đức Huệ Lâm, đại diện thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cho biết hiện tượng người nước ngoài đến chùa làm công quả kết hợp tu tập ngắn ngày đã manh nha xuất hiện khoảng 10 năm trước nhưng phát triển mạnh và trở thành có xu hướng rõ rệt trong khoảng hai năm trở lại đây, kể từ sau Covid-19.

Một số khách nước ngoài tự tìm đến thiền viện thông qua mạng xã hội. Họ đa số là khách du lịch từ Đức, Mỹ, Pháp và thường lưu trú từ bốn ngày đến hai tuần.

Phía thiền viện không giới hạn thời gian ở, cung cấp thêm sách, tài liệu thiền song ngữ Anh - Việt. Ngoài giờ làm công quả, khách thường dành thời gian trò chuyện với các vị sư. "Họ tìm hiểu về văn hóa thiền, tâm lý, cuộc sống con người Việt Nam và ghi chép cẩn thận", Đại đức Huệ Lâm cho biết.

Trong số những khách Tây đến xin làm công quả có nhiều người dưới 25 tuổi, ví dụ như Silas Beier. Chàng trai 21 tuổi ở TP Cologne (Đức) dành 9 ngày cuối cùng trong chuyến du lịch Việt Nam ở thiền viện vì "quá yêu cuộc sống bình yên".

Hằng ngày, anh lau chùi bếp núc, bàn ghế và chăm sóc động vật. Ngày đầu, Silas Beier nói không thấy vui bởi đó không phải là điều mình thích. Anh hiếm khi làm việc nhà ở Đức. "Tuy nhiên, tôi vẫn thực hiện việc công quả với sự tôn trọng", Silas Beier kể. Mọi thứ thay đổi kể từ khi anh trò chuyện với các vị sư và tìm hiểu về Phật giáo.

"Tôi nghĩ những người phương Tây như tôi có thể học hỏi và chữa lành rất nhiều khi sống thiền viện", Silas Beier nói.

Nhận định về trào lưu này, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội cho rằng đại dịch Covid-19 với những biến động và rủi ro khiến nhiều người tin vào năng lượng tinh thần, tôn giáo và tâm linh nhiều hơn. Khảo sát của một số công ty du lịch cho thấy, lượng khách quốc tế có tôn giáo tăng 30% so với trước Covid-19.

Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn tệp khách này bởi sự đa dạng văn hóa, tôn giáo và các dòng thiền. Các yếu tố trên tạo môi trường và điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm đời sống bản địa, cộng tu và học cùng nhau. "Về tổng thể, tệp khách hàng tìm đến Việt Nam vì yếu tố tâm linh, tôn giáo còn khá nhỏ nhưng có tiềm năng để phát triển", ông Phương nói.

Marvin cho biết vài tuần làm công quả trong thiền viện đã giúp anh đã thay đổi quan điểm về thức ăn qua cách người Việt trân trọng nó. Các Tăng Ni đã cầu nguyện trước bữa ăn, họ cố gắng không để thức ăn thừa.

"Nó khác với cuộc sống của tôi ở Đức, nơi mọi người dễ dàng mua thức ăn, cho nó vào lò vi sóng, rồi bỏ thừa nó", anh nói. Chàng trai tin rằng sự khác biệt đã làm nên trải nghiệm, vốn sống để anh mang về quê nhà.

"Tôi đã khác đi rất nhiều, hạnh phúc và hoan hỷ hơn", anh nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày