Hiện tượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Vì sao Thầy sang phương Tây?"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) - Ảnh: TNO
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) - Ảnh: TNO
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hai ấn bản mới nhất tại Mỹ làm sáng tỏ hơn về những năm đầu sang phương Tây của vị thiền sư quá cố Thích Nhất Hạnh.

Vào ngày 22 tháng 1 năm 2022, thiền sư người Việt Thích Nhất Hạnh đã viên tịch trên quê hương Việt Nam của mình. Thầy, theo cách học trò thường gọi, đã chọn sống những năm tháng cuối đời tại tổ đình Từ Hiếu, một ngôi chùa tĩnh lặng với cây cối bao quanh, nằm ngay bìa cố đô Huế xinh đẹp, phía Bắc thành phố Đà Nẵng. Vào thời điểm năm 2018, thầy về lại cố hương ở tuổi 92, Thầy đã sống hơn 50 năm ở nước ngoài, chủ yếu tại Pháp, và nổi tiếng khắp thế giới với pháp môn chánh niệm và triết lý về hòa bình.

Thế nhưng nguyên nhân ban đầu Thầy rời Việt Nam là gì? Và làm thế nào mà một vị thiền sư trẻ tuổi vô danh đến từ một vùng đất đầy chiến tranh ở Đông Nam Á lại trở thành một hiện tượng toàn cầu? Cuốn sách Eyes of Compassion: Learning from Thich Nhat Hanh (tạm dịch: Đôi mắt Từ bi - Học từ Thích Nhất Hạnh) xuất bản năm ngoái bởi Jim Forest, một nhà hoạt động hòa bình Cơ Đốc giáo, và cuốn sách sắp tái bản Hoa sen trong biển lửa của Thầy, đều kể về điểm bắt đầu của chuyến đi ấy.

Vào năm 1966, Mỹ gửi 384.300 quân lính tới chiến trường Việt Nam. Thầy từ lâu đã hoạt động trong chiến dịch Hòa bình Phật giáo ở đất nước mình, một vị trí nguy hiểm khi “sự trung lập” có thể mang lại hậu quả khốc liệt. Thầy năm đó được Fellowship of Reconciliation - một tổ chức hòa bình lớn và lâu đời nhất của Mỹ lúc bấy giờ mời đến Mỹ để thuyết giảng về khái niệm “Phật giáo dấn thân”.

Ông Forest, người làm ở Fellowship lúc đó, đã đồng hành cùng Thầy trong chuyến đi Mỹ này, và hai người nhanh chóng trở thành bạn của nhau. Đôi mắt Từ bi dựa trên cuốn nhật ký mà ông Forest lưu giữ trong hành trình này và những lần thăm Thầy ở Pháp trong suốt những năm về sau. Với những phác họa và hình chụp quý giá về Thầy khi còn là một nhà sư trẻ tuổi, cuốn sách là một kỷ yếu tuyệt đẹp lưu lại những năm tháng quan trọng này trong đời Thầy.

Hầu hết những phong tục truyền thống về Thiền Phật giáo bắt đầu ở Mỹ thời ấy xuất phát theo hướng phi chính trị. Thế hệ thiền sư Nhật như Shunryu Suzuki và Taizan Maezumi xuất hiện ở thời điểm này đều gần như không dính dáng tới chính trị Mỹ, chỉ tập trung giảng dạy về thiền. Ví dụ, cuốn Zen Mind, Beginner’s Mind (tạm dịch: Tâm thiền, Tâm của người mới bắt đầu) nổi tiếng của Suzuki, thu thập một số bài giảng của ông từ khoảng thời gian đầy biến động của thập niên 60, nhưng chiến tranh, hòa bình và chính trị hầu như không được đề cập đến. Thầy không có thứ xa xỉ đó.

Chiến tranh là một thực tế không thể tránh khỏi của đời sống ở Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù Thầy có thể phủ nhận rằng hai việc đó hoàn toàn tách rời, Thầy lại đến Mỹ với tư cách một nhà truyền giáo trước là vì hòa bình, sau là vì thiền. Sự kết hợp độc đáo đó đã gây được tiếng vang ở phương Tây, đặc biệt là với phong trào phản đối chiến tranh đang nổ ra khắp nơi ở Mỹ hồi đó. Đối với hàng triệu thiếu niên Mỹ đang phải đối mặt với việc đi lính, cũng như đối với gia đình và bạn bè của họ, chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam như chuyện không thể tránh khỏi. Một thiền sư thúc đẩy hòa bình chính là điều họ cần.

“Lúc đó, tôi không coi ông ấy như một người giảng đạo, mà là một nhà hoạt động hòa bình”, Forest giải thích trong cuốn Đôi mắt Từ bi. “Tôi thật sự không nghĩ ông ấy sẽ trở thành một nhà văn với sách bán được hơn hàng triệu bản”. Và dù vậy, đương nhiên, đó chính xác là những gì đang diễn ra”.

Trong những năm đầu thập niên 70, Thầy dọn tới Paris để lãnh đạo Phái đoàn Hòa bình Phật giáo Việt Nam, một tổ chức liên quan tới Hòa đàm Paris với mục đích thúc đẩy chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Forest đã trở thành khách quen trong những năm đầu ở Pháp khi Thầy còn sống ở “một căn hộ chật hẹp vùng ngoại ô Paris… được bao quanh bởi người tị nạn Việt với một hai người khác biết nói tiếng Anh”.

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Ông Forest kể, sau khi Thầy rời Paris để đến miền quê nước Pháp, những bài viết của Thầy được in kỹ lưỡng trên máy ép thủ công tại một trang trại mà “hũ da-ua cũ dùng để đựng keo, với các bàn chải rách nát dùng để bôi keo”. Cuốn sách đột phá The Miracle of Mindfulness (tạm dịch: Phép lạ của Chánh niệm) của Thầy, tên gốc là The Miracle of Being Awake (Phép lạ của Sự tỉnh thức), là một trong những cuốn sách đầu tiên ra đời trong trang trại Pháp ấy.

“Mindfulness” (chánh niệm) trong năm 1975 chưa hẳn là một từ trong tiếng Anh, và có lẽ đây là lý do từ này không được sử dụng trong tựa gốc, Thầy nhấn mạnh vào những hoạt động hàng ngày, rằng thiền tập đi vào trong đời sống thường nhật thay vì phải dựa dẫm vào một chiếc tọa cụ, quả thật như một cuộc cách mạng. Vang vọng lại câu biểu tình nổi tiếng “the personal is political” (tạm dịch: Cá nhân cũng là chính trị) trong thập niên 60, Thầy kiên định việc sống đơn giản trong chánh niệm có thể mang chúng ta không chỉ đến gần hơn với việc hoàn thiện bản thân, và có thể là giác ngộ, mà còn tới hòa bình trên toàn cầu.

Dù ông Forest vẫn giữ vững niềm tin vào Cơ Đốc giáo, ông ấy vẫn rất cảm động bởi lời dạy của Thầy:

“Nếu tôi ăn uống trong chánh niệm, đi đứng trong chánh niệm, và dành một chút thời gian để thở trong chánh niệm, thì đó là một phần đời tôi đã đi ngang qua đời Thầy. Nếu tôi thấy bản thân mình đang có mặt ở hiện tại thay vì chìm trong thế giới đã chết của quá khứ hay là vọng đến thế giới hư ảo của tương lai, tôi như được noi gương Thầy một phần nào. Nếu tôi thở ra đi cơn giận, và hít vào tâm từ bi hoặc tìm được một điểm kết nối với một người mà tôi đã từng không nối kết, cũng là nhờ chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Thầy”.

Không lâu sau chuyến đi định mệnh với Forest, nhưng trước khi cuốn Phép lạ của Chánh niệm gây tiếng vang, Thầy xuất bản một cuốn sách nhỏ, Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa. Đây không phải là sách tập thiền định hay chánh niệm, mà là tóm lược về lịch sử Việt Nam và đưa ra lời kiến nghị để kết thúc cuộc chiến.

Trong đó, Thầy cũng trình bày một cách dễ hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, có lẽ là phương pháp truyền thống duy nhất mà qua đó Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy có thể liên hiệp, và các học thuyết của Thiền tông và Tịnh Độ tông được song hợp, tất cả được bao trùm bởi triết lý tổng thể của Phật giáo. Ngày nay rất khó tìm kiếm cuốn sách này (giá các bản sách cũ có thể lên đến hàng trăm đô trên mạng), Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa sẽ được Parallax Press tái bản vào tháng 8 năm 2022 cho một thế hệ độc giả mới.

Cả hai cuốn Đôi mắt Từ biHoa sen trong biển lửa đều nhắc chúng ta rằng Thầy là một thiền sư và là một học giả bắt nguồn từ nền tảng Phật giáo độc đáo của Việt Nam từ rất lâu, trước khi trở thành một người thuyết giảng nổi tiếng ở phương Tây. Phật giáo dấn thân của Thầy, vốn đã định hình sâu sắc việc thiền tập của rất nhiều Phật tử với niềm tin trọn vẹn, tự nhiên chảy như dòng nước từ những ngày đầu này. Thầy đã viết ở phần cuối của Hoa sen: “Hiện thực hóa Phật giáo không phải là một điều gì đó mới mẻ, mà có nguồn gốc từ sâu trong quá khứ. Đó là tinh thần cởi mở và khoan dung: đặc trưng của Phật giáo và tạo nên sự đảm bảo về khả năng thích ứng của nó”. (…)

Cuốn sách của Forest Jim kết thúc khi câu chuyện tha hương thăng trầm của Thầy chỉ vừa mới bắt đầu. Cộng đồng Phật giáo vững mạnh Làng Mai có xuất phát điểm từ những nhóm người tị nạn lộn xộn và các đệ tử phương Tây đi theo Thầy ở Pháp, đến nay vẫn là một cộng đồng phát triển lớn mạnh. Tăng đoàn toàn cầu bắt đầu ở đó là một trong những di sản lâu dài của Thầy, cùng với các trung tâm tu tập ở khắp các châu lục và những người thực hành tu tập ở vô số quốc gia ngày nay.

Một sự trùng hợp bi thương, Forest cũng qua đời trong năm nay ở tuổi 80, chỉ một tuần trước ngày viên tịch của người bạn thâm niên. Trong cuốn Đôi mắt Từ bi, Forest diễn tả chuyến viếng thăm Thầy cuối cùng năm 1984, nói là “càng nhiều người tìm tới gặp để học hỏi từ Thầy, và họ mong rằng, có thể gặp được Thầy bằng xương bằng thịt”. Forest quyết định là đã đến lúc bước qua một bên. Ông viết: “Do một định mệnh may mắn, được đồng hành và sống cùng Thầy là một đặc ân của tôi trong suốt 16 năm khi Thầy vẫn còn chưa được biết tới… Chúng tôi nhận ra là thời của mình qua rồi. Đây là thời điểm hoàn hảo để buông tay và nhường chỗ cho người khác”.

Nhiều độc giả sẽ thấy bản thân nằm trong số những “người khác” được chạm vào Thầy, trực tiếp hay thông qua bài viết của Thầy. May thay, nhờ cuốn hồi ký kịp thời và cảm động của Forest, chúng ta có thể trải nghiệm một phần con người Thầy trước khi biết đến Thầy. Chúng ta có thể thấy cách Thầy rời khỏi cõi hồng trần này vô cùng giống với cách Thầy từng tha hương: là một nhà sư Việt Nam khiêm tốn, thực hành chánh niệm và cầu nguyện cho hòa bình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày