Những vị thần trở về

Một đồ trang trí bằng đồng (cuối thế kỷ XII) có hình một chiếc thuyền, từ bộ sưu tập của Douglas A.J. Latchford đang được hồi hương về Campuchia
Một đồ trang trí bằng đồng (cuối thế kỷ XII) có hình một chiếc thuyền, từ bộ sưu tập của Douglas A.J. Latchford đang được hồi hương về Campuchia
0:00 / 0:00
0:00
GN - Một phụ nữ trung niên thừa hưởng gia sản đồ sộ, vô cùng quý báu từ người cha quá cố, thế mà ngày nay trở về… tay không!

Ông Douglas A.J. Latchford nổi tiếng là một nhà sưu tầm hàng đầu thế giới về cổ vật Khmer. Mọi ngóc ngách trong căn hộ sang trọng của ông ở Bangkok đều có tượng một vị thần Khmer, và người con gái của ông, bà Nawapan Kriangsak (tên trước đây là Julia Ellen Latchford Copleston), tiết lộ rằng khi còn nhỏ, bà cứ bị ám ảnh bởi những khuôn mặt đá linh thiêng, “ban đêm họ đi lại trong phòng!”.

Mùa hè năm ngoái, ông Latchford qua đời ở tuổi 88, để lại 125 tác phẩm, tạo nên bộ sưu tập hiện vật tư nhân vĩ đại nhất về vương triều Khmer 1.000 năm tuổi.

Nhưng bà Kriangsak lại trăn trở, băn khoăn về gia sản cổ vật ấy. Giá trị càng lớn thì gánh nặng quản lý càng cao. Ngoài ra, tài sản đó trong quá khứ là của Campuchia, nay bà có nên ôm lấy hay không? Cuối cùng bà đi đến quyết định trả lại hết cổ vật Khmer cho đất nước Campuchia.

Quyết định vô cùng đáng khâm phục và kinh ngạc này đã động đến trách nhiệm, tình cảm và đạo đức của nhiều người có thẩm quyền, giới kinh doanh và thưởng ngoạn cổ vật.

Những cổ vật đó xuất xứ từ đâu và trôi dạt thế nào?

Campuchia cũng như rất nhiều quốc gia khác có lịch sử văn hóa lâu đời, tổ tiên để lại nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, tượng đá, đồ gốm, vàng bạc, châu báu… nhưng chẳng may đất nước bị thực dân đô hộ rồi chịu chiến tranh, đói nghèo nên cổ vật “chảy” ra nước giàu, vào các viện bảo tàng nhà nước, các nhà sưu tập tư nhân và giới săn đồ cổ. Còn hơn thế, Campuchia lại hứng chịu một cuộc chiến tranh khốc liệt do Khmer Đỏ gây ra. Có thể những cổ vật được dời đi, che giấu để khỏi bị Khmer Đỏ hủy diệt. Nhiều người Campuchia nhận thấy rất nhiều đồ tạo tác cổ xưa của đất nước họ biến mất dưới thời cai trị của Pol Pot và những năm đau thương của cuộc nội chiến. Các quan chức cho biết, những cổ vật này đã được tôn thờ qua nhiều thế hệ và không bao giờ được coi là nguồn của cải hay lợi nhuận.

Như vậy, ông Latchford là tội đồ hay là người có công? Tội đồ vì ông dấn thân trong một hoạt động mờ ám, buôn bán, tàng trữ cổ vật liên quốc gia, làm thất thoát tài sản vô cùng giá trị của nước khác. Chính vì có giới làm ăn này mới có mạng lưới liên kết giữa thế lực tư sản nước ngoài và những người đánh cắp cổ vật, làm chảy máu cổ vật ra khỏi biên giới.

Tượng thần ngồi bằng đồng (thế kỷ XI) trong bộ sưu tập của ông Douglas A.J.Latford

Tượng thần ngồi bằng đồng (thế kỷ XI) trong bộ sưu tập của ông Douglas A.J.Latford

Người ta cho rằng phương pháp thu thập của ông Latchford trong những năm Campuchia nội chiến (khoảng 1965 đến 1979) là đáng ngờ. Vào năm 2019, các công tố viên liên bang ở New York đã buộc tội ông buôn bán các cổ vật Campuchia bị cướp bóc và làm giả tài liệu, đồng thời cho biết ông đã “gây dựng sự nghiệp từ việc buôn lậu và bán trái phép các cổ vật vô giá của Campuchia, thường trực tiếp từ các địa điểm khảo cổ”.

Ông Latchford từ lâu đã bác bỏ những cáo buộc như vậy, thường nhấn mạnh rằng ông là vị cứu tinh cho những kho báu mà nếu không có ông, chúng sẽ bị phá hủy hoặc bỏ hoang trong rừng. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2013: “Phải thừa nhận rằng những cổ vật này đã bị dọn đi bí mật ra khỏi Campuchia và chuyển sang một nơi khác. Nhưng nếu không làm vậy, những vật này có thể đã bị Khmer Đỏ phá hủy”.

Trong nhiều thập niên, ông Latchford được công nhận rộng rãi là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về cổ vật Khmer. Ba cuốn sách ông đồng viết về tài sản của mình (và của các nhà sưu tập tư nhân khác) vẫn là những tác phẩm tham khảo cốt yếu. Và ông không giấu giếm bộ sưu tập của mình; các vật phẩm được chụp lại một cách quyến rũ trong các cuốn sách của ông - “Sự tôn thờvinh quang: Thời đại vàng son của nghệthuật Khmer” (2003); “Vàng Khmer: Quà tặng cho các vị thần” (2008); và Tượng đồng Khmer: Diễn giải mới của quá khứ” (2011).

Ông Latchford cũng đã tặng cổ vật cho nhiều viện bảo tàng của Mỹ, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York - tuy nhiên vào năm 2012, bảo tàng này đã trả lại hai tượng lớn, gọi là “Người hầu quỳ” cho Campuchia sau khi xác định chúng đã bị cướp bóc. Ông Latchford cũng đã hiến tặng các bộ phận của các bức tượng đã bị gãy cho bảo tàng, và ông chưa bao giờ bị buộc tội về bất kỳ hành vi sai trái nào.

Các nỗ lực truy tố liên bang chống lại ông Latchford, người không bao giờ bị dẫn độ, đã kết thúc bằng cái chết của ông vào tháng 8 năm 2020. Vào thời điểm đó, con gái của ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn, gia đình đã mất hai năm để lên kế hoạch hồi hương các cổ vật hàng loạt. Hai cố vấn đã giúp đàm phán về việc quay trở lại Campuchia, Bradley J. Gordon - một luật sư của Edenbridge Asia ở Campuchia và Charles Webb - luật sư của Hanuman Partners ở London, cho biết ông Latchford lúc đầu rất miễn cưỡng trong việc trao lại những gì ông cho là đồ gia bảo. Nhưng bà Kriangsak vẫn kiên trì, trước sau vẫn trao trả.

Trước nghĩa cử cao đẹp của bà Kriangsak, Chính phủ Campuchia đã vô cùng hoan nghênh, đồng thời thể hiện một sự đón nhận và tri ân một cách trân quý. “Hạnh phúc là không đủ để nói lên cảm xúc của tôi”, Bộ trưởng Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia, bà Phoeurng Sackona cho biết. “Kỳ diệu thay khi biết những cổ vật sẽ quay trở lại. Đây không chỉ là đá, đất và kim loại”, bà nói thêm. “Chúng chính là máu, mồ hôi và đất của dân tộc chúng tôi đã bị tước đi. Như thể chúng tôi đã mất một ai đó trong chiến tranh, cứ nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ trở về nhà, thế mà đột nhiên họ lại xuất hiện trước cửa nhà mình”.

Chính phủ Campuchia chưa bao giờ cáo buộc ông Latchford sở hữu bất hợp pháp và trên thực tế, đã tôn vinh ông mỗi khi ông tặng một món đồ, như ông đã làm nhiều lần trong nhiều năm. Ví dụ, vào năm 2008, ông đã được trao tặng Đại Bội tinh của Hoàng gia Monisaraphon, tương đương với tước vị hiệp sĩ, vì ông đã “đóng góp độc đáo cho học thuật và hiểu biết về văn hóa Khmer”. Các quan chức Campuchia cho biết những món đồ mới được tặng sẽ được mang đến bảo tàng với tên gọi Bộ sưu tập Latchford”.

Về phía bà Kriangsak, 49 tuổi, một luật sư, không muốn bàn luận về những cáo buộc nhắm vào cha mình, nhưng rõ ràng bà xem việc sưu tập của ông là hành động tôn kính chứ không phải tham lam. “Bất chấp những gì mọi người nói hoặc buộc tội, cha tôi bắt đầu bộ sưu tập của mình trong một thời đại rất khác, và thế giới của ông ấy đã thay đổi”.

Cuối cùng, chuyện trả cổ vật không đơn giản một sớm một chiều. Dư luận trái chiều của những người xung quanh: “Trả hay không trả?”. “Trả hết hay một phần?”, tác động tiêu cực đến bà, nhưng bà vẫn vững vàng. “Tôi phải nhìn thế giới từ quan điểm của gia đình tôi ngày hôm nay. Tôi muốn mọi thứ mà cha tôi tập hợp được lưu giữ ở nơi mà mọi người trên thế giới có thể thưởng ngoạn. Không có nơi nào tốt hơn Campuchia, nơi người dân tôn kính những cổ vật này không chỉ vì nghệ thuật hay lịch sử mà còn vì ý nghĩa tôn giáo”.

Tuy nhiên, bà Phoeurng Sackona, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia, cũng đã nghĩ rằng công việc khó mà hoàn toàn hanh thông: “Khi chúng tôi bắt đầu nỗ lực này ba năm trước, có rất ít hy vọng cổ vật sẽ thực sự quay trở lại. Nhưng chúng tôi đã cầu nguyện linh hồn của tổ tiên giúp đỡ”.

Các luật sư của bà Kriangsak và Chính phủ Campuchia đưa ra giá trị của bộ sưu tập là hơn 50 triệu USD nếu bán riêng lẻ. Nhiều đồ vật trong số đó là có một không hai, và cũng có những đồ trang sức và vương miện bằng vàng được dùng để tô điểm cho các tác phẩm điêu khắc khi chúng đứng trong góc phòng thiêng liêng của mình.

Cho đến nay, 25 tác phẩm lớn có niên đại từ thế kỷ thứ X đã được chuyển đến Phnom Penh từ Bangkok. Khoảng 100 đồ vật khác sẽ được gửi đến Campuchia trong những tháng tới, từ Bangkok và từ ngôi nhà thứ hai của ông Latchford ở London.

Các vị thần đã trở về, sẽ ngự trị trong một bảo tàng trang trọng mang tên ông Douglas A.J. Latchford giữa thủ đô của Campuchia, để được tôn thờ, chiêm ngưỡng và nghiên cứu. Và người rước các vị thần châu về hợp phố chính là người con gái của ông Latchford. “Khi tôi bắt đầu làm việc này gần ba năm trước, tôi không thể đoán trước nó sẽ trở nên phức tạp như thế nào”, bà nói thêm: “Có lẽ chính nền tảng Phật giáo của tôi đã khiến tôi bắt đầu nhìn mọi thứ hơi khác một chút. Và nó không đến dễ dàng. Nhưng cuối cùng tôi cảm thấy, tại sao nó chỉ là một phần của bộ sưu tập khi nó phải là một thứ thực sự tuyệt vời - toàn bộ bộ sưu tập?”.

Nghĩa cử của bà Kriangsak hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các bảo tàng lớn và các nhà sưu tập tư nhân noi theo, dành cho đất nước Campuchia và mọi nơi trên thế giới. Một nghĩa cử tốt đẹp và một hy vọng bừng sáng giữa cơn đại dịch Covid-19.

Tài liệu sử dụng:

Tom Mashberg; “With a Gift of Art, a Daughter Honors, if Not Absolves, Her Father”; The New York Times, 29-1-2021

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày