Những vị tu sĩ Phật giáo đặc biệt tại White Salmon

GN - Tại vùng đất Columbia River George (Hoa Kỳ), mỗi khi chư Tăng phát nguyện nhập thất để giữ gìn truyền thống tu tập của Phật giáo, đã luôn nhận được sự giúp sức của cộng đồng cư dân thị trấn White Salmon, tiểu bang Washington.

whitesalmon3.jpg

Chư Tăng xuống phố White Salmon khất thực

Nơi tu tập là một ngôi thất nhỏ và vài túp lều nằm ở con đường rải sỏi dẫn đến những lối mòn xuyên qua rừng rợp tán cây và các tảng đá phủ đầy rêu xanh.

Khu vực này ít người qua lại, thỉnh thoảng chỉ những người tập thể thao bằng xe đạp mới chạy xe lên xuống. Mọi thứ rất yên tịnh và thoát tục.

Những vị trí như vậy trở thành một nơi hoàn hảo để chư Tăng có thể yên tâm hành trì mà không bị quấy nhiễu. Các tịnh thất luôn tọa lạc đủ xa cuộc sống ồn ào như thể mang lại sự yên tịnh đúng mức, phù hợp với yêu cầu của chốn thiền môn.

Dù vậy, hàng ngày ngoài việc thực hành các pháp tu tại tịnh thất, chư Tăng vẫn dành khoảng thời gian nhất định để xuống núi, đi vào thị trấn khất thực. Những phẩm vật thọ nhận được sẽ trở thành thực phẩm, nuôi sống Tăng đoàn.

Theo luật, các nhà sư không thể chủ động yêu cầu để được cúng dường thức ăn và khi đã nhận rồi thì cũng không được để dành lại cho ngày hôm sau. Chư Tăng cũng không được sở hữu hoặc sử dụng tiền cũng như không được trồng trọt.

whitesalmon (2).jpg

Chư Tăng tại tu viện

Đây thực sự là những quy luật khắc nghiệt. Chính vì lẽ đó mà tại vùng đất Bắc Mỹ này, không nhiều người trở thành tu sĩ để thực hành theo pháp môn khá đặc biệt và rất được quý kính từ dân chúng.

“Chúng tôi sống dựa vào hỗ trợ, thành tâm cúng dường từ những người nhận chân được giá trị của sự tu tập, có lòng kính tín Tam bảo. Những quy định có phần nghiêm khắc được đưa ra không phải để tạo cảm hứng hay sự tò mò để rồi nhận lại những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống”, sư Ajahn Sudanto, vị trụ trì tu viện Pacific Hermitage ở White Salmon, Washington khẳng định.

Đã có rất nhiều câu hỏi từ cộng đồng được gởi đến tu viện về những gì mà chư Tăng hành trì vì những biểu hiện đó rất khác xa với lối sống thực dụng ở một đất nước vốn đề cao tiện nghi vật chất.

Jill Davis, một tín đồ Phật giáo và là người thường xuyên chuẩn bị phẩm vật để cúng dường mỗi khi chư Tăng khất thực. Cô làm điều này hàng ngày vì khi được nhìn hình ảnh các nhà sư từ xa, trong cô lại xuất hiện một niềm tin rằng chư Tăng sẽ mang lại những “điều tốt lành” cho White Salmon.

Ngoài việc khất thực, chư Tăng cũng dành thời gian hàng tuần đến hướng dẫn thiền tập miễn phí cho cộng đồng tại trung tâm yoga tọa lạc trong thị trấn cũng như chia sẻ giáo lý đạo Phật đến bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu.

Đã tám năm trôi qua, kể từ ngày tịnh thất nhỏ bé này được tạo dựng và chư Tăng xuất hiện, dù vẫn có nhiều cách biệt nhưng nhiều người đã dần biết đến và ủng hộ sự tu tập của chư Tăng. Ngược lại, đời sống tâm linh và tinh thần ở đây trở nên phong phú. Người ta đang mường tượng về những lợi ích vô hình hiện hữu.

“Thật là một điều kỳ diệu và thiện lành khi White Salmon tiếp nhận chư Tăng và sự kết nối dần thiết lập”, Davis cho biết. “Mọi thứ diễn ra ngỡ như trong mơ và tôi cảm thấy hãnh diện về điều đó”.

Theo Davis, hình ảnh các vị tu sĩ Phật giáo mặc pháp phục màu vàng sậm, đi chân trần băng qua khu rừng, sau khi nhận phẩm vật cúng dường, họ ngồi xuống thành một hàng bên con đường mòn trong tĩnh lặng, đã trở nên thân thuộc và gần gũi. Đồng hành thân thiết với chư Tăng là những bình bát lớn bằng thép xung quanh bao bọc bởi các sợi len.

whitesalmon4.jpg

Phật tử dâng thức ăn cúng dường

Theo đó, mỗi sáng sớm, chư Tăng đi vào thị trấn để nhận phẩm vật từ những người cúng dường. Khất thực là cách duy nhất mà chư Tăng có được thực phẩm nuôi sống hàng ngày và phải dùng nó vào lúc giữa bình minh và buổi trưa.

“Đây không phải một trò chơi hay một nghi thức sáo rỗng”, Sudanto, một thành viên trong đoàn chư Tăng khẳng định. “Về mặt tâm linh, mỗi bước đi là một nhịp cầu đưa chúng tôi về với ý niệm tỉnh thức”.

Theo truyền thống Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo tại Thái Lan, hạnh tu mật trong rừng luôn lấy thiền định làm con đường thiết yếu dẫn đến sự giác ngộ. Chỉ có thiền định và vâng giữ giới luật mới giúp hành giả chống lại sự mất tập trung tinh thần, từ bỏ ham muốn vật chất thế gian.

Tất cả những đau khổ của con người được gây ra bởi sự nhiễm ô tâm thức. Nhưng tất cả những nhiễm ô này có thể hoàn toàn tránh được bằng việc tôn kính giới luật và luôn tỉnh thức với mỗi việc làm, lời nói và suy nghĩ.

whitesalmon6.jpg

Một buổi lễ tại tu viện Pacific Hermitage

Giới luật được lập ra cũng để giúp các nhà sư loại bỏ căng thẳng, ham muốn đời sống thế tục. Việc đi khất thực cũng là cách các nhà sư đề cao giá trị của giới luật. Nếu lỡ mọi người không cúng dường thì đồng nghĩa với việc các vị phải nhịn ăn ngày hôm đó.

“Toàn bộ cuộc sống của người xuất gia được tạo dựng trên căn bản của yếu tố hòa hợp và thanh tịnh. Dù có điểm xuất phát khác nhau nhưng khi đã gia nhập Tăng đoàn, từ yêu cầu của giới luật, điều đầu tiên là phải học cách sống chung an lạc; tạo dựng môi trường để mỗi hành giả đi, đứng, nằm, ngồi và hành xử thánh thiện, trọn vẹn phẩm hạnh nhất”, sư Pasanno, một thành viên Tăng đoàn chia sẻ.

Dù vậy, tịnh thất tại White Salmon vẫn có kết nối internet. Điều này giúp các nhà sư sử dụng email và tối thiểu là biết được những gì đang xảy ra trong thế giới rộng lớn bên ngoài.

“Bởi nếu không có kết nối thì những gì thực tập chỉ là triết lý hoặc các quy tắc trống rỗng mà không hướng về bất cứ ai”, sư Pasanno nói. "Giáo lý của Đức Phật phải hướng đến con người, vì Ngài dạy rất nhiều về cách sống của chúng ta”.

Tâm Nhiên (theo OPB)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày