Ni trưởng Thích nữ Như Xuân: “Giữ vững sơ tâm”

Ni trưởng Thích nữ Như Xuân, Chứng minh Phân ban Ni giới T.Ư, Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Quản trị tổ đình Từ Nghiêm - Q.10 - Ảnh: H.Diệu
Ni trưởng Thích nữ Như Xuân, Chứng minh Phân ban Ni giới T.Ư, Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Quản trị tổ đình Từ Nghiêm - Q.10 - Ảnh: H.Diệu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sư bà Từ Nghiêm bảo, đã chứng kiến bao sự đổi thay của thời cuộc, nhưng với Sư bà Từ Nghiêm - Ni trưởng Thích nữ Như Xuân, dù thế sự ra sao thì người tu thì cần nhất là giữ được sơ tâm, giữ giềng mối đạo và tiếp nối chư vị Tổ thầy để chăm lo cho hàng hậu học nối tiếp mạng mạch Phật pháp.

Xuất gia… vì mến mộ một chiếc áo lam

Mỗi lần có dịp trở về tổ đình Từ Nghiêm, được hầu chuyện với Sư bà Từ Nghiêm, người viết cảm nhận được sự thân tình, gần gũi của vị giáo phẩm của Ni giới. Sư bà Từ Nghiêm đã gắn bó một đời tu hành, thông làu hết tất cả các chi tiết thuộc về nơi đây.

Điều đặc biệt của Sư bà Từ Nghiêm là luôn ghi nhớ những người đã từng ở, lưu lại đây; những người Thầy từng dạy dỗ, nâng đỡ cho các thế hệ Ni xuất phát từ ngôi tổ đình nổi tiếng, từng là Ni trường này. Ở đây, từng chân dung các vị Ni trưởng tiền bối có công lao đào tạo Ni tài, những người Thầy gần gũi chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của Sư bà Từ Nghiêm.

Người viết cũng chứng kiến Sư bà Từ Nghiêm trong bối cảnh hết sức đặc biệt ở Tổ đường, như đối thoại với từng khung hình trên ban thờ chư Ni trưởng đã viên tịch tại Tổ đường. Sư bà Từ Nghiêm hồi tưởng lại từng điểm, từng người gắn bó ở ngôi tổ đình, từng pháp hiệu của những vị Ni trưởng tiền bối có công lao với Ni giới, đặc biệt là những vị trong Ni bộ Bắc tông, trong đó có Sư trưởng Thích nữ Như Thanh, nguyên Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông.

Mỗi lần như vậy, Sư bà cũng xúc động hồi tưởng về từng vị như đang hiện diện đối thoại với từng ký ức còn sống động trong trí nhớ. “Thời gian vốn dĩ cứ trôi, với người tu ai cũng hiểu thấu lẽ vô thường. Với tôi, mỗi ngày vẫn bình thường như vậy, quan trọng là chúng ta giữ được bình an trong thân tâm và kiên cố với lý tưởng mình đã chọn”, Sư bà Từ Nghiêm nói.

Sư bà bảo nhân duyên đến với cửa thiền cũng rất “đặc biệt”. Hồi tưởng ngược về thời gian hơn 60 năm trước, Sư bà Từ Nghiêm nói đó là nhân duyên rất đỗi bình thường và tin là nhiều người cũng có nhân duyên tương tự đã kết nối mối đạo, từ đó phát tâm đến với cửa Phật. Đó là vì yêu thích một chiếc áo lam thong dong của một sư cô trên phố về làng.

Ngày đó, Sư bà Từ Nghiêm mới chỉ ở tuổi 18, cái tuổi thật đẹp của một người con gái quê xứ Cần Đước (tỉnh Long An). Ở làng có một ngôi chùa quê tên Hưng Quang, theo tông phái Chúc Thánh, cô gái quê cũng đôi lần thăm chùa lạy Phật và nhìn thấy bóng dáng chiếc áo lam thật trang nhã, thong dong của một sư cô từ trên phố về chùa làng. Từ đó, cô gái mang “mộng” đi tu, sau này khi trở thành một sư cô thì mới biết sư cô về làng ngày xưa chính là Ni trưởng Thích nữ Tịnh Hạnh (Sư bà chùa Bồ Đề, Q.4, TP.HCM) về thăm bà dì là Sư bà chùa Hưng Quang (về sau là Thầy bổn sư của Sư bà Từ Nghiêm).

Theo lời Sư bà Từ Nghiêm, thật ra lúc đó cũng chẳng biết tuổi 18, đôi mươi là tuổi đẹp nhất gì đâu mà chỉ mong ước được đi tu để mặc được chiếc áo lam thong dong như hình ảnh của sư cô kia mà thôi. “Lúc đó, trong gia đình tôi có tất cả 7 anh chị em, bà thân của tôi cũng là bà mẹ quê bình dị. Vì thương con còn nhỏ dại mà bà thân không cho lên chùa xuất gia. Bà nói với con gái, con lên ở chùa rồi là không được về nhà nữa, không được mặc quần áo đẹp mà phải mặc áo nâu sồng… Dù vậy, tôi vẫn quyết xin vô chùa ở và được Thầy tiếp nhận”, Sư bà Từ Nghiêm hồi tưởng một thời xanh xuân.

Sau này về ở chùa được Thầy cho xuất gia, được thầy dạy bảo, cô tịnh nhơn tập sự mới biết rõ hơn về đời sống của người xuất gia, về khái niệm “cắt ái ly gia”.

“Về ở chùa với sư phụ rồi thì tôi không có cảm giác nhớ nhà, nhớ má gì cả. Lâu lâu thì má tôi cũng vô chùa thăm nom, rồi về”, Sư bà Từ Nghiêm nhớ lại. Không nhớ về gia đình nhiều bởi lẽ ở chùa, cô Phật tử tịnh nhơn được Thầy đối đãi như là người thân, như gia đình. Trong ký ức của Sư bà Từ Nghiêm, Thầy là người thân chân quê, bình dị, lúc nào cũng đối đãi với Phật tử rất gần gũi, thân thuộc, vì không nhiều đệ tử nên Thầy lúc nào cũng chăm lo cho đệ tử cẩn thận. Đến một ngày trong mùa Phật đản, ngày 8-4 âm lịch (năm 1959), cô Phật tử tịnh nhơn được Thầy cạo tóc, chính thức cho xuất gia.

“Đến năm 1960, Thầy đã gởi tôi cho sư Hạnh là cháu của Thầy ở chùa Long Khánh (Trà Vinh). Thầy dạy đi tu phải có chúng và bảo tôi phải đến tu học ở Ni trường chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn). Từ đó, tôi được mặc chiếc áo mình yêu thích trong niềm hạnh phúc được tu, được học ở môi trường hoàn toàn mới lạ”, Sư bà Từ Nghiêm nhớ lại.

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đàm đạo với Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Trưởng ban Thường trực Ban Chứng minh Phân ban Ni giới T.Ư và Ni trưởng Thích nữ Như Xuân tại Việt Nam Quốc Tự

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đàm đạo với Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Trưởng ban Thường trực Ban Chứng minh Phân ban Ni giới T.Ư và Ni trưởng Thích nữ Như Xuân tại Việt Nam Quốc Tự

Tình Thầy trò tiếp nối

Nhập chúng ở chùa Từ Nghiêm, lúc đó chùa là trụ sở của Ni bộ Bắc tông, là Ni trường của chúng Ni từ các tỉnh thành miền Nam về tu học. Bấy giờ, thường trực ở đây có khoảng 6 - 7 Sư bà lớn. Chúng Ni lúc bấy giờ cũng đông từ 70 đến 100 vị và được cố Ni trưởng Thích nữ Như Huệ trực tiếp quản lý chùa Từ Nghiêm, chăm nom, lo lắng cho đại chúng tu học.

Ở môi trường tu học mới, chúng Ni được Ni trưởng quản lý chăm lo cho đi học ở Ni trường, học thêm văn hóa, dạy bảo như một người thầy trong bình đẳng, công bằng, tạo nên sự gần gũi và an tâm. Tuy vậy, lúc nào trong tâm Sư bà cũng hướng về người Thầy đầu tiên, vị Thầy ở quê nhà. Thỉnh thoảng, Thầy bổn sư cũng lên thành phố thăm, tá túc ở chùa Pháp Hoa (đường Phan Văn Khỏe, nay là Q.6), Thầy trò có dịp gặp nhau xúm xít, xum vầy. Thầy hoan hỷ thấy đệ tử chăm tu, hòa hợp cùng chúng bạn thì rất mừng. Sư cô tập sự được quý Ni trưởng thương, chăm lo cùng với sự cố gắng của bản thân, không buông lung, không vướng mắc với ngoại duyên nên lần lượt được thọ Sa-di-ni, Thức-xoa, rồi thọ Cụ túc, Bồ-tát giới tại tổ đình Từ Nghiêm.

Hơn 60 năm ở một trú xứ là ngôi tổ đình nổi tiếng với truyền thống tu học của chư Ni các thế hệ ở miền Nam, Sư bà Từ Nghiêm bảo điều cảm nhận rõ nhất chính là tình Thầy trò ở đây, sự đối đãi với nhau ở đây là tình Thầy trò, nghĩa chị em đầy đạo vị. Người trên nói thì người dưới phải nghe, người dưới nói người trên cũng lắng nghe để thấu hiểu, ứng xử đúng mực trong sinh hoạt nên đã tạo không gian tu tập thanh tịnh, đời sống hòa hợp và có sự nâng đỡ chân thành trong tu tập.

Thời gian vốn dĩ cứ trôi, với người tu ai cũng hiểu thấu lẽ vô thường.

Với tôi, mỗi ngày vẫn bình thường như vậy, quan trọng là chúng ta giữ được bình an trong thân tâm và kiên cố với lý tưởng mình đã chọn.

Ni trưởng Thích nữ Như Xuân

“Cha mẹ cho ta sắc thân, Thầy là người khai mở giới thân, huệ mạng nên với tôi, những thứ ấy cần phải tôn trọng và ghi ân cho đến suốt đời. Cũng vì một lời dạy bảo của Thầy bổn sư bảo tôi đến chùa Từ Nghiêm tu học, bởi đi tu là phải có chúng, tôi vâng lời Thầy giữ vững sơ tâm và ở đây từ đó cho đến hôm nay, đã hơn 60 năm. Trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, được tu tập một nơi có bề dày truyền thống tu học, được lĩnh hội được những điều hay, học hỏi được từ những tấm gương giới đức của chư vị Ni tiền bối hữu công là điều may mắn của tôi. Mỗi ngày, tôi được cố Ni trưởng Thích nữ Như Huệ (Sư bà Vĩnh Bửu) dạy bảo trực tiếp, biết noi gương chư vị giới đức, học hỏi kinh nghiệm tu tập, hành trì, mỗi vị một ít làm chất liệu tự thân. Nên, mình càng tu lâu thì càng phải xả bỏ hết, làm người không mưu cầu. Tôi chẳng mong cầu điều gì chỉ nguyện giữ gìn giới thể trang nghiêm, đời sống an tịnh và giúp ai được thì giúp”, Sư bà Từ Nghiêm nói.

Sư bà Từ Nghiêm bảo trong đời sống hiện đại ngày nay, Sư bà thuộc hàng thế hệ đi trước chứng kiến chư Ni trẻ học nhiều hiểu rộng hơn thì cũng mừng nhưng cũng thấy lo. Vì lẽ, mỗi thời người xuất gia cũng chịu sự chi phối của đời sống xã hội ít nhiều. Với người tu quan trọng cần phải giữ sơ tâm kiên cố, chư Ni lại càng phải giữ gìn giới đức, lấy giới luật làm Thầy, cần sự khiêm cung, tàm quý, không mưu cầu, dính mắc về vật chất, ái dục, càng tu thì càng phải thanh tịnh.

“Với tổ đình Từ Nghiêm cũng vậy, bản thân tôi và các vị Ni trưởng còn hiện tiền được tiếp nhận sự dạy bảo của chư vị Ni trưởng đi trước, rồi mỗi người mỗi duyên để bước đến thành tựu đạo nghiệp. Với cương vị là người đi trước, tôi cũng tiếp tục sự nghiệp của Tổ thầy chăm lo cho Ni chúng được tu tập an ổn.

Tôi luôn mong Ni chúng ở đây trưởng thành trên đường đạo, cũng như tin tưởng thế hệ Ni lưu trẻ tu hành thành tựu, có đời sống an lạc, tự tại. Họ là thế hệ Ni tiếp nối của chúng tôi để duy trì truyền thống tu tập, góp phần xây dựng đời sống thanh tịnh của Tăng đoàn, làm mạng mạch Phật pháp trường lưu”, Ni trưởng Thích nữ Như Xuân nhắn nhủ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ni sư Chứng Nghiêm đích thân giám sát việc ứng phó và cứu trợ nạn nhân trong thảm họa động đất tại Đài Loan

Tổ chức Phật giáo Từ Tế cứu trợ nạn nhân động đất

GNO - Từ Tế, tổ chức từ thiện và nhân đạo toàn cầu có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đã chia sẻ rằng việc ứng phó và cứu trợ vụ động đất xảy ra ở bờ biển phía Đông của vùng lãnh thổ này đã bắt đầu được tiến hành vài phút sau khi thảm họa xảy ra.

Thông tin hàng ngày