Niết-bàn & sanh tử đều là hoa đốm giữa hư không

0:00 / 0:00
0:00
GN - Niết-bàn là một phạm trù luôn được mọi hành giả Phật giáo quan tâm, bởi đấy là đích đến rốt ráo, là sự thoát khỏi luân hồi sanh tử của tất cả chúng sanh.

Nhưng để chạm được vào cánh cửa không còn khổ đau, Niết-bàn tịch tĩnh thì đòi hỏi ở hành giả một công phu miên mật để chiến thắng và loại bỏ hoàn toàn những cấu bẩn trong tâm thức của mình. Nhưng chính vì tính khó thực chứng, lại xa rời những tướng trạng mà ngữ ngôn của con người có thể mô tả được, nên Niết-bàn bị bao trùm bởi một bức màn của sự “huyền bí”.

Trong văn hóa Phật giáo Việt Nam, chúng ta thường nghe cụm từ “Phật nhập Niết-bàn” để chỉ cho sự viên tịch của Đức Thế Tôn. Cụm từ ấy làm cho mọi người, nếu chưa có sự hiểu biết sâu sắc về đạo Phật, dễ dàng ngộ nhận rằng Niết-bàn là một cảnh giới đạt được sau khi chết. Đây là một trong những lầm tưởng về Niết-bàn. Điều này có thể dẫn tới sự sai lệch trong đường hướng tu tập, cũng như không nếm trải được hương vị giải thoát ngay bây giờ, rời xa tính “thiết thực hiện tại” của giáo lý nhà Phật.

Đức Phật đã khẳng định rằng: “Bất cứ khổ đau nào sinh khởi đều bắt nguồn từ ái dục, với ái dục là cội nguồn, vì ái dục là gốc rễ của khổ đau” (W. Rahula, Đức Phậtđãdạy những gì, Thích nữ Trí Hải dịch).

Ở bài kinh khác, Đức Phật lại cho rằng: “Này các Tỳ-kheo, trong tất cả pháp, dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp giải thoát ly tham là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát khỏi kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát, chấm dứt, Niết-bàn” (Kinh Tăng chi bộ I, chương IV - Bốn pháp, phẩm Bánh xe) hay “Đoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết-bàn” (Kinh Tương ưng bộ III, thiên Uẩn, chương II - Tương ưng Ràdha).

Như vậy, Niết-bàn là một trạng thái không còn khổ đau, phiền não. Niết-bàn chính là sự chấm dứt mọi khát ái nơi tâm của mỗi con người.

Bản chất của Niết-bàn là vô sinh và vô ngã. “Bởi vì có cái không sinh, không trở thành, không bị giới hạn, không được kết hợp, cho nên có lối thoát cho cái đã sinh ra, trở thành, bị giới hạn, được kết hợp” (W. Rahula, Đức Phậtđãdạy những gì, Thích nữ Trí Hải dịch).

Vô sinh là không còn bị sinh tử trói buộc, chi phối, tự tại giữa sinh tử luân hồi. Trong tác phẩm Vô ngã là Niết-bàn, cố HT.Thích Thiện Siêu đã viết: “Niết-bàn là cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết-bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết-bàn là vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết-bàn ta cũng phải vô tướng như Niết-bàn. Cửa Niết-bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang theo hành lý mà hy vọng vào được Niết-bàn. Cái thân đã không mang theo được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa Niết-bàn. Nên biết rằng: hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết-bàn”.

Theo quan điểm của Phật giáo, vô ngã có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại về một cái tôi (ngã) không thay đổi trong mọi hình thức. Bản chất của tất cả các pháp đều tuân thủ theo quy luật Duyên khởi, không hề có bản thể bất biến ở đằng sau chúng, mà ta thường gọi là “cái ngã trường cửu”. Vì không có chủ thể, nên chúng luôn chịu sự thay đổi không ngừng theo quy luật vô thường. Nếu chấp vào ngã, đồng nghĩa với việc ta mong nó sẽ tồn tại thường còn. Nên khi chúng có sự thay đổi, thì sẽ dẫn ta tới phiền não, đau khổ. Nếu chấp vào ngã là đang đi ngược lại con đường đưa đến hạnh phúc chân thật mà ta gọi là Niết-bàn.

Niết-bàn là hạnh phúc, phát sinh từ sự buông bỏ. Buông bỏ càng nhiều thì hạnh phúc, an lạc trong tâm càng lớn, làm cho hành giả càng gần với Niết-bàn hơn.

Quan niệm về Niết-bàn cũng có sự sai khác. Phật giáo Nam tông chia Niết-bàn thành hai loại là Vô dư y và Hữu dư y. Vô dư y là Niết-bàn diệt luôn cả phiền não lẫn ngũ uẩn. Hữu dư y là Niết-bàn diệt được phiền não nhưng vẫn còn lại ngũ uẩn.

Phật giáo Bắc tông bổ sung thêm hai loại Niết-bàn nữa, đó là Tự tính Niết-bàn và Vô trụ xứ Niết-bàn. Thực chất đây chỉ là sự khai triển thêm của Hữu dư y Niết-bàn. Tự tính Niết-bàn chính là sự thanh tịnh vốn sẵn có của tâm trong mỗi con người, mà khi đạt tới thì con người sẽ giải thoát.

Thiền sư Đại Trí đã nhìn nhận Tứ diệu đế dưới con mắt của Thiền tông như sau: “Hướng tâm ra ngoài là Nguyên nhân của khổ (Tập đế), hậu quả của việc hướng tâm ra ngoài là Khổ (Khổ đế), quay về với bản tâm của mình là Con đường diệt khổ (Đạo đế), nhận ra được và sống được với bản tâm của mình thì là Khổ diệt (Diệt đế)”. Vì vậy mọi vấn đề của đau khổ hay chấm dứt đau khổ đều phát khởi từ tâm.

Tông chỉ của Thiền tông là “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, nghĩa là không dựa trên văn tự, truyền ngoài giáo môn, thẳng ngay chân tâm, nhận ra và sống được với tánh giác của mình thì liền được thành Phật. Bản tâm ấy chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt, luôn hiện hữu trong mỗi người. Nhưng vì vô minh, phiền não, tham ái, chấp thủ che mờ, nên thường chấp vào ta (ngã) và cái của ta (ngã sở), làm cho không nhận ra được bản tâm thanh tịnh đó luôn hiện hữu trong mình, từ đó tạo tác muôn vàn những nghiệp nhân bất thiện. Nên chúng ta chỉ cần quay trở về, sống với bản tâm ấy dưới sự soi sáng của trí tuệ Bát-nhã, thấy mọi pháp đúng như thật tính của nó, do duyên sanh giả có, không có thực thể cố định, luôn chịu sự thay đổi, hoại diệt, nên không còn tham ái nơi cảnh trần. Từ đó, không nảy sinh sự dính mắc, chấp thủ nơi cảnh trần nữa, vì vậy mà tiêu diêu tự tại nơi làn sóng sanh tử. Đó chính là yếu chỉ của Tự tính Niết-bàn.

Khi đã sống được với tự tính thanh tịnh của chính mình, thì nơi nơi chỗ chỗ đều là cõi thanh tịnh của tâm. Mọi hoạt động đều là diệu dụng của bản tâm. Sống ngay tại thế giới thực tại này, tồn tại trong cõi luân hồi này, nhưng vẫn tự do tự tại, làm chủ bản thân mình, đồng thời, tích cực hoạt động cứu giúp những người khác cùng được giải thoát giác ngộ như mình. Xem cõi uế trược này là Niết-bàn của chính mình. Đó chính là yếu nghĩa của Vô trụ xứ Niết-bàn, mà các hàng Bồ-tát hướng tới với phương châm “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Phật pháp tại thế gian, không rời thế gian mà giác ngộ).

Giáo lý về quá trình chấm dứt khổ đau để đạt được trạng thái an lạc, hạnh phúc mà ta gọi là Niết-bàn, không chỉ là một lý thuyết suông, mà nằm trong chính sự thực tập hàng ngày của mỗi hành giả. Trong kinh Tập sinh, Đức Phật dạy “Cái gì đã xảy ra cho ta, nếu ta quán chiếu sâu sắc vào tự thân nó, là ta đã bắt đầu đi trên con đường giải thoát”.

Nghĩa là khi ta bắt đầu nhận diện được cái khổ trong ta, chấp nhận được Nguyên nhân của Khổ (Tập đế), thì ngay lúc ấy con đường diệt khổ cũng bắt đầu hiện hữu. Khổ có chứa đựng cả nguyên nhân, chứa đựng cả sự chấm dứt và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt đau khổ.

Thiền sư Thường Chiếu từng nói: “Đại thiên sa giới ngoại, hà xứ bất vi gia” nghĩa là trong tam thiên đại thiên thế giới này, đâu chẳng phải là nhà của mình, nghĩa là chỗ nào cũng là Niết-bàn cả. Hay như Thiền sư Thạch Sương - Khánh Chư cũng đã từng viết: “Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại/Niết-bàn sanh tử đẳng không hoa”. Nghĩa là buông bỏ tham ái nơi cảnh trần tùy theo duyên mà tâm không ngăn ngại, thì Niết-bàn hay sanh tử đều là hoa đốm giữa hư không. Hương vị của Niết-bàn đó chính là tính giải thoát. Giải thoát ngay trong lòng thực tại nhiệm màu này chứ không phải ở một nơi nào khác. Giải thoát tức là không bị ràng buộc, không bị nô lệ cho quá khứ, cho tương lai, cho sự thèm khát, giận hờn, lo lắng, và buồn phiền. Giải thoát còn là sự trở về sống trọn vẹn với hiện tại nhiệm mầu, sống có chánh niệm, tỉnh giác với sự soi chiếu của trí tuệ nơi bản tâm, từ đó chế tác được hạnh phúc. Và chính hạnh phúc này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và trị liệu những khổ đau trong ta.

Vì vậy ngay cả cõi Ta-bà đầy uế trược này cũng có thể là Niết-bàn khi mà chúng ta nhận ra, buông bỏ mọi chấp trước về Ta và của Ta, buông bỏ mọi tham ái bắt nguồn từ sự vô minh, thiếu hiểu biết để biến các chất liệu khổ đau thành hạnh phúc. Khi ấy, cõi Ta-bà này sẽ trở thành cõi Niết-bàn hay Tịnh độ. Hiểu về Niết-bàn, càng làm chúng ta có thêm niềm tin kiên cố vào giá trị của bản thân, rằng mình là “Phật sẽ thành”, cũng có khả năng đạt được giác ngộ giải thoát như Thế Tôn, bắt đầu bằng việc xây dựng nền tảng Niết-bàn trong hiện tại. Đó chính là tính chất hiện pháp lạc trú: “Quá khứ không truy tìm/Tương lai không ước vọng/Quá khứ đã đoạn tận/Tương lai lại chưa đến/Chỉ có pháp hiện tại/Tuệ quán chính ởđây (Kinh Trung bộ 2, Kinh Nhứt dạ hiền giả).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày