GN - 1.467 đại biểu chính thức đại diện các ban ngành, tỉnh thành, các hội, cộng đồng Phật tử Việt Nam tại hải ngoại sẽ tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022).
Trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ trước sự kiện quan trọng này, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội cho biết:
HT.Thích Thiện Nhơn |
Cụ thể là hoàn tất công tác thành lập 63/63 tỉnh thành hội Phật giáo trong toàn quốc, tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính khoa học và chuyên ngành về Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, văn hóa, từ thiện xã hội, các công trình nghiên cứu Phật học cho đến quan hệ quốc tế; Ký kết hợp tác với Tổng cục Thủy sản trong việc thả giống phóng sinh bảo vệ nguồn thủy sản; Ký kết hợp tác với UBTƯ MTTQVN trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; Xây dựng hoàn thành những công trình lớn tại các tỉnh thành nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII; TƯGH đã đến thăm và làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Angola, Mozambic và một số nước châu Âu… Trong nhiệm kỳ VII, TƯGH đã thành lập thêm 4 Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola và Mozambic.
Các hoạt động của Giáo hội đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển ổn định, bền vững GHPGVN.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ VII, GHPGVN đã vượt qua nhiều khó khăn để kiện toàn bộ máy Giáo hội, khi Hòa thượng Chủ tịch HĐTS Thích Trí Tịnh; HT.Thích Từ Nhơn, HT.Thích Chơn Thiện, đồng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS viên tịch, TƯGH đã tổ chức hội nghị mở rộng để suy tôn, suy cử bổ sung chức vụ Chủ tịch HĐTS và Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS. Qua đó, hội nghị đã suy cử HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) và các chức danh Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS, Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Thư ký HĐTS.
Hiện nay, công tác tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nhiệm kỳ 2016-2021) đã được Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành tổ chức hoàn tất. Công tác tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nhiệm kỳ 2017-2022) đã hoàn tất 60/63 tỉnh, thành (tính đến ngày 10-11, PV).
Trong những ngày tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hải Phòng sẽ tổ chức đại hội; tỉnh Bình Phước, Phú Yên còn khó khăn về nhân sự. TƯGH đã có nhiều phiên họp với Ban Trị sự cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, Bình Phước để tìm cách tháo gỡ và tiến đến đại hội, đây được xem là những khó khăn và tồn đọng của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII.
Chư tôn đức, đại biểu tham dự Đại lễ Vesak LHQ 2014 do GHPGVN đăng cai tổ chức
* Bạch Hòa thượng, chủ đề Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, xin Hòa thượng cho biết thông điệp tóm tắt của chủ đề đại hội?
- Theo dòng chảy của thời gian, trong mỗi giai đoạn lịch sử, bên cạnh những thuận lợi mới, đều luôn phát sinh thêm những vấn nạn thời đại, cường độ thách thức giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, nhưng khả năng hòa nhập để phát triển đúng với bản chất giác ngộ giải thoát của Phật giáo vẫn còn nhiều giới hạn, nhất là khả năng chế ngự của một số tu sĩ trước thế giới vật chất, ở giai đoạn sau thì lại thấp hơn giai đoạn trước…; đồng thời nguồn nhân sự của Phật giáo hiện nay vẫn chưa bắt kịp trước yêu cầu phát triển của xã hội. Chính vì vậy mà qua mỗi nhiệm kỳ, Phật giáo nước nhà một mặt phải nỗ lực đổi mới trên mọi phương diện, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân sự có năng lực và thể chất để phù hợp với yêu cầu thời đại, một mặt phải thuận theo trào lưu tiến hóa trong đời sống xã hội…
Từ những giới hạn thực tế này, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII sẽ mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là nghiêm túc nhận chân một cách khách quan và trung thực về những mặt tồn đọng, nhìn vào thực trạng, phân tích đặc điểm tình hình, nhằm hoàn thiện công tác Phật sự. Cho nên, chủ đề Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được đặt ra là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”. Đây là chủ đề có tầm chiến lược phát triển bền vững của GHPGVN trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng.
Vì thế, có thể nói rằng, đây là kỳ đại hội quan trọng bởi Phật giáo nước nhà đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững với nhiều thách thức khó khăn từ hoàn cảnh khách quan của thời hội nhập, cũng như những giới hạn do chủ quan trong nội tại Phật giáo. Nói đây là kỳ đại hội quan trọng, vì lẽ, đại hội lần này sẽ là nền tảng để Phật giáo nước nhà phấn đấu hoàn thành trọng trách và các mục tiêu trong nhiệm kỳ tới.
* Là lãnh đạo đứng đầu HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội, Hòa thượng đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII?
- Để công tác tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được thành công tốt đẹp, Ban Thường trực HĐTS, Ban Chỉ đạo Đại hội đã tổ chức các phiên họp tại 2 Văn phòng TƯGH để thông qua kế hoạch Đại hội, ban hành nhiều thông tư, thông báo về công tác tổ chức Đại hội VIII; tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội hướng đến Đại hội VIII tại Văn phòng Thường trực HĐTS (TP.Hồ Chí Minh).
Hiện nay, các Ban tổ chức Đại hội như: Ban Nội dung đã biên soạn xong các văn kiện trình bày trong Đại hội; Ban Nhân sự đã báo cáo đề án cấu tạo thành phần nhân sự của HĐTS nhiệm kỳ VIII và giới thiệu danh sách dự kiến; Ban Tổ chức đã thông báo chi tiết cần thiết trong sinh hoạt ăn ở, đi lại trong thời gian tham dự đại hội của quý đại biểu; Ban Thông tin-Báo chí đã chuẩn bị khâu triển lãm tại đại hội; Ban Tuyên truyền-Hoằng pháp đã có kế hoạch cụ thể cho chương trình hoạt động; Ban Văn hóa đã hoàn tất chương trình văn nghệ phục vụ đại biểu, chào mừng đại hội thành công tốt đẹp.
Có thể nói, công tác tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào các ngày 19, 20, 21, 22-11-2017 đã được các thành viên Ban Tổ chức, các Ban phục vụ đại hội gấp rút hoàn thành các công việc được đại hội giao phó.
* Bài liên quan: Tin tưởng ở người trẻ kế thừa || Bộ máy cần tinh gọn, nhân sự phải thực làm việc || Củng cố và điều chỉnh đồng bộ ||