Ca sĩ Phạm Thu Hà: Biết ơn những trải nghiệm khổ đau

Ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn trong đêm nhạc “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”
Ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn trong đêm nhạc “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”
GNO - Sau những thăng trầm, ca sĩ Phạm Thu Hà thấy mình thêm yêu cuộc sống, nhiệt thành với cuộc đời. Đặc biệt khi đến với đạo Phật, nữ ca sĩ tìm thấy cách để có được bình an mỗi ngày.

Được mệnh danh là “Họa mi bán cổ điển” của nhạc Việt, Phạm Thu Hà để lại ấn tượng mạnh cho công chúng hình ảnh tinh tế và giọng hát cao vút, trong trẻo. Tuy nhiên, cuộc sống riêng tư, Phạm Thu Hà cũng trải qua những thăng trầm, biến cố.

Dẫu vậy, những biến cố ấy không khiến cô gục ngã mà ngược lại, chúng giúp cô thêm yêu cuộc sống, thêm cần mẫn và nhiệt thành hơn với cuộc đời.

Đặc biệt, khi đến với đạo Phật, Phạm Thu Hà tìm thấy cách để có được bình an mỗi ngày, cách để tha thứ, bao dung với mọi điều trong cuộc sống.

Trở về với bình an trong không gian riêng

* Hơn 10 năm ca hát, Phạm Thu Hà của hiện tại được đánh giá là “chín” về cả giọng hát lẫn nhan sắc, thần thái, bản lĩnh sân khấu… Tuy nhiên, chị cũng đi qua những thương tổn. Với cá nhân chị, thương tổn ấy là gì?

- Phạm Thu Hà: Không có điều gì đạt được mà chúng ta lại không phải trả một cái giá tương xứng. Trong quá trình học thanh nhạc, Hà từng bị bệnh phổi và phải dừng việc học nhạc một thời gian.

Nhưng niềm đam mê nghề nghiệp đã giúp Hà vượt qua, tiếp tục tiến bước. Thế rồi nghề nghiệp cũng lấy đi rất nhiều thời gian trong đời sống cá nhân của Hà. Và, những thương tổn trong cuộc sống riêng ấy cũng một phần gây áp lực cho một người phụ nữ nhạy cảm như Hà.

* Việc rơi vỡ hôn nhân có phải là tổn thương lớn nhất trong đời của chị?

- Khi hôn nhân không được vẹn toàn, người phụ nữ luôn phải gánh rất nhiều đau khổ về mặt tinh thần. Và Hà cũng từng gánh chịu nỗi đau ấy.

* Chị đã khó khăn như thế nào trong thời gian đầu đối mặt với nỗi đau này? Và vượt qua nó ra sao?

- Không thể kể hết những khó khăn mà Hà đã phải trải qua khi đối mặt với tổn thương ấy. Chắc chắn những người phụ nữ cùng hoàn cảnh giống như Hà sẽ hiểu hơn ai hết về điều này.

Nhưng với tình yêu thương con trai vô bờ bến, Hà hiểu rằng mình phải vượt qua. Hà muốn và phải để con trai mình không cảm thấy bị thiệt thòi gì về mặt tình cảm. Và, hai mẹ con đã cùng nhau cân bằng lại được cuộc sống ngay sau đó.

* Đến bây giờ, hạnh phúc phía sau hào quang sân khấu của chị là gì?

- Khi ánh đèn sân khấu khép lại, Hà lại trở về với con trai và gia đình của mình. Đó là khoảnh khắc Hà trở về với những bình an trong không gian riêng, về với sự tu tập mà Hà đã rèn luyện nhiều năm nay.

Đó chính là những gì mang lại sự cân bằng cho cuộc sống của Hà hiện tại.

Ca sĩ Phạm Thu Hà và con trai
Ca sĩ Phạm Thu Hà và con trai

Với tôi, Phật chính là một trạng thái tâm

* Cảm nhận của riêng chị về Phật pháp ra sao? Đạo Phật đã giúp chị những gì trong những khổ đau, thương tổn?

- Đến với đạo Phật, Hà hiểu ra Phật chính là một trạng thái tâm của mình. Mình sẽ cho được chính mình cách để vượt qua đau khổ, thương tổn. Thái độ của mình với những đau khổ, thương tổn ấy là do mình quyết định.

Hà cũng nhận ra được sự thay đổi cảm xúc của chính mình - như một người đang quan sát cảm xúc đang thay đổi như thế nào.

Điều đó thực sự vô cùng quý giá và phải trải nghiệm thật. Nếu chỉ học lý thuyết, bạn sẽ không thể miêu tả hết được nó.

Đức Phật được tôn xưng là bậc Đại Y vương bởi giáo pháp của Ngài là thuốc hay có công năng trị liệu thân đau - tâm khổ. Nhờ có tu tập, Hà không những tha thứ cho những người làm tổn thương mình mà còn học cách tha thứ cho chính bản thân mình nữa.

* Trước đây và bây giờ, chị thực tập đạo Phật ra sao? Chị có lời khuyên nào cho những người vẫn chưa biết cách đến với đạo hay đang có những tổn thương nhưng chưa tìm được cách tự chữa lành hoặc đang trốn tránh nó?

- Có một sự cách biệt rất xa giữa việc nói và thực hành từ “buông bỏ”. Nói buông bỏ và thực sự buông bỏ là rất khác biệt. Đó là một cuộc chiến bên trong của mỗi con người, cuộc chiến giữa bản ngã và linh hồn.

Hà chỉ biết chia sẻ rằng hãy tập từng bước việc “chấp nhận” trước mọi thứ đang xảy ra. Và chúng ta hãy luôn hỏi câu “Tại sao lại không?” nếu như chúng ta cảm thấy việc chấp nhận là không thể được.

Và rồi một cách từ từ và chậm rãi, chúng ta sẽ chấp nhận được nó mà thôi. Đó chính là cách Hà tu tập.

Nhìn khổ đau bằng con mắt tích cực

* Một mùa Phật đản đã về. Cảm xúc của chị trong ngày lễ lớn của Phật giáo như thế nào?

- Hà rất vui khi mỗi năm đến dịp Phật đản, nhiều người cùng tham gia tu tập, đặc biệt là các bạn trẻ. Bản thân con trai của Hà mới chỉ 7 tuổi, khi thấy mẹ lễ Phật hàng ngày, cháu cũng cùng ngồi lễ Phật với mẹ.

Khi những người trẻ tìm đến đạo Phật thì chúng ta có thể có một thế hệ tương lai chọn cách sống thiện lành. Thế hệ ấy cũng có được trí tuệ, sức khỏe. Hà rất vui vì xu hướng này.

* Bài học sống nào chị muốn con trai luôn mang theo suốt cuộc đời?

- Với Hà, con luôn là cậu bé thiện lành của cuộc đời mình. Hà luôn mong con mãi vui tươi, khỏe mạnh. Hà không áp lực, mong cầu con phải học thật giỏi để có nhiều thành tích. Vì đó là năng lực và nhận thức của mỗi con người.

Hà chỉ mong con sống tự nhiên như như cây cỏ, vô tư như chú dế. Điều Hà mong nhất là con sẽ luôn là người chân thành tử tế, hiếu thuận. Hà cũng muốn con không phải gắng gượng, gồng mình để chứng minh điều gì với ai.

Hà mong con có đầy đủ kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, cho đi thật nhiều, để cuộc đời con nhận được nhiều tình yêu thương.

* Trước đó, chị tham gia biểu diễn trong đêm nhạc chữa lành “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” của thầy Minh Niệm, thầy từng nhận xét vui “Hoá ra, trước đây Hà khổ vì quá thật thà”. Chị cảm thấy sao?

- Có thể Hà đã từng khổ vì quá thật thà. Nhưng thật thà chính là sự biểu hiện của tâm thiện mà Hà đã có và muốn giữ mãi giá trị ấy.

Quá trình tu Phật, được nghe các bài giảng của thầy Minh Niệm và nhiều vị thiền sư khác sẽ giúp Hà nhận biết được bản chất của từng sự vật, sự việc, của từng con người để Hà không còn bị nhầm lẫn trong cách ứng xử nữa.

Vậy nên Hà vẫn nhìn những đau khổ mà mình đã trải qua một cách tích cực. Hà xem đó là những bài học quý giá để mình không lặp lại lần nữa. Hà biết ơn những trải nghiệm đau khổ đó và không còn giữ đau khổ trong tâm mình nữa.

* Cám ơn chị đã chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày