Vũ điệu hoàng kim

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1214 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1214 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khon là loại hình vũ kịch truyền thống có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa của Thái Lan. Loại hình vũ kịch này còn phổ biến ở Campuchia với tên gọi Lkhon Khol và tại Lào với tên gọi Phra Lak Phra Ram.

Ngày nay, khi đặt chân đến Bangkok, dù là tại sân bay, ga tàu, trung tâm văn hóa nghệ thuật, khu thương mại, thậm chí là hình vẽ, áp-phích trên các tủ điện dọc đường phố, chúng ta đều có thể bắt gặp hình ảnh mô tả hoặc quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này của xứ sở Chùa Vàng.

Theo nhiều nghiên cứu, Khon có nguồn gốc sâu xa ảnh hưởng từ Ấn Độ và bắt đầu phát triển mạnh mẽ dưới thời kỳ Vương quốc Ayutthaya (1351-1767) Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở nội dung của vũ kịch, dựa trên những câu chuyện trong Ramakien, chuyển thể từ pho sử thi đồ sộ Ramayana của Ấn Độ. Là loại hình nghệ thuật cung đình, ngày trước, Khon chỉ được trình diễn để phục vụ cho hoàng gia với các diễn viên là nam giới. Về sau, cùng với những sự thay đổi của xã hội, Khon bắt đầu được phổ biến rộng rãi hơn ra bên ngoài, phụ nữ cũng được học và tham gia trình diễn, thậm chí đảm nhận những vai quan trọng.

Thông thường, một buổi trình diễn Khon sẽ là sự tổng hòa các yếu tố chủ đạo như: âm nhạc, phục trang và vũ đạo. Trong đó, phần âm nhạc gồm một dàn nhạc piphat truyền thống và những người hát kể đảm trách vai trò dẫn dắt câu chuyện của toàn bộ vũ kịch từ phía cánh gà sân khấu. Phần vũ đạo của Khon chú trọng sự uyển chuyển, nhẹ nhàng trong khi di chuyển và vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, nhấn mạnh vào các cử chỉ, động tác tay và chân. Các vũ công của Khon được đào tạo ngay từ khi còn nhỏ, ở độ tuổi được cho là dễ tiếp nhận và uốn nắn.

Tuy vậy, phần đặc sắc nhất trong nghệ thuật Khon phải kể đến đó chính là trang phục. Với số lượng đông đảo diễn viên tham gia trong một buổi trình diễn Khon đòi hỏi một số lượng trang phục rất lớn. Mỗi bộ trang phục có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện thủ công trên chất liệu lụa truyền thống của người Thái, đính kết các loại trang sức cầu kỳ theo quy chuẩn, tạo nên hiệu ứng vô cùng lộng lẫy trên sân khấu.

Các vũ công Khon đa phần phải đeo mặt nạ chế tác từ thạch cao, ngoại trừ những vai phụ nữ, thiên thần. Mặt nạ Khon chia thành 5 loại tương ứng với các dạng vai diễn riêng biệt như: quỷ, khỉ, thần tiên, người và động vật. Trong đó, mặt nạ của các vai diễn người thường được thể hiện một cách chân thật; mặt nạ của các nhân vật quỷ sẽ thể hiện sự dữ tợn, hung bạo; mặt nạ của các loài động vật sẽ có hai dạng trùm kín khuôn mặt hoặc tạo hình đầu của loài vật đó trên đỉnh mũ; mặt nạ khỉ phần nào mang tính hoa mỹ, ước lệ.

Mỗi chiếc mặt nạ được tô điểm với một trong số 9 loại màu sắc thông dụng cùng các hoa văn, tạo hình trạng thái cảm xúc tương ứng với từng vai diễn. Người Thái tin rằng những mặt nạ Khon có linh hồn của riêng nó, chính vì vậy trước khi được sử dụng để biểu diễn lần đầu sẽ được các vị đại sư làm lễ khai quang, khai thị và đội lên đầu người biểu diễn. Từ thời điểm này nó cũng trở thành một linh vật.

Bên cạnh đó, phần mũ miện cũng rất quan trọng trong phục trang Khon. Các loại mũ miện được trang trí cầu kỳ bằng cách dát vàng, đính kết đá quý. Kiểu dáng mũ miện cũng tùy thuộc vào tính cách, nguồn gốc của nhân vật đeo nó. Đối với mỗi loại mặt nạ và mũ miện của 5 nhóm nhân vật lại bao gồm những quy định chi tiết hơn đối với từng nhân vật riêng biệt. Ngoài trang phục, có những phân đoạn Khon còn đòi hỏi tới số lượng đạo cụ lớn, chế tác kỳ công như tàn lọng, quạt, binh khí, những cỗ xe dát vàng... Hiện nay, nhiều chương trình biểu diễn Khon còn ứng dụng cả công nghệ hiện đại với ánh sáng, màu sắc và kỹ thuật dàn dựng sân khấu hoành tráng.

Có thể nói Khon là một trong số những di sản lộng lẫy của người Thái. Mỗi buổi trình diễn Khon kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ đưa người xem bước vào thế giới hoàng kim của ánh sáng và vũ nhạc. Có những buổi biểu diễn Khon quy tụ số lượng vũ công lên đến hàng trăm người tạo cho người xem cảm giác tráng lệ, choáng ngợp. Một trong số những phần biểu diễn Khon đáng nhớ đó là vào năm 2017, trong lễ hỏa táng cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej tại Quảng trường Sanam Luang, sau khi đưa linh quan quốc vương lên hỏa đài, hàng trăm vũ công đã trình diễn vở Ramakien vào lúc nửa đêm ngay dưới chân hỏa đài cao 50m được xây dựng mô phỏng hình ảnh núi Tu-di.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thanh Phong cùng chư Tăng chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) vận chuyển các thùng mì lên xe để chuyển ra các tỉnh phía Bắc vào tối 12-9- Ảnh: Quảng Đạo/BGN

[Ảnh] Chuyến hàng đầu tiên của Phật giáo TP.HCM hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

GNO - 23 giờ 30 phút tối 12-9, hơn 7.000 thùng mì cùng các nhu yếu phẩm được Tăng Ni, Phật tử tập kết và vận chuyển từ chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) ra các tỉnh thành phía Bắc. Đây là chuyến hàng đầu tiên của Phật giáo TP.HCM hướng về đồng bào ở các địa phương phía Bắc của đất nước bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh, Ninh Bình ngập sâu trong nước

Ninh Bình: Chùa Thôn Năm ngập sâu trong nước

GNO - Ngày 12-9, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình, H.Yên Khánh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu đồng và các nhu yếu phẩm đến chư Tăng chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh - quê hương của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Đệ tam Pháp chủ, đang bị ngập sâu trong nước.

Thông tin hàng ngày