Ở đời vui đạo

Vua Trần Nhân Tông (1258- 1308) khi còn ở cung son, Người đã sống một cuộc đời bình thản. Bình thản không phải vì đất nước thanh bình, biên cương an ổn, mà bình thản là tuy Người sống giữa muôn duyên nhưng không bị muôn duyên ràng buộc. Là vua, là thái thượng hoàng nhưng không tham quyền đắm sắc, là vua mà xem ngai vàng như đôi dép rách, thì có chi phải vướng bận thân tâm.

Trong bài phú Cư trần lạc đạo, vua Nhân Tông đã thể hiện sức mạnh tự thân của một đấng quân vương sống trong trần mà luôn vui với đạo. Mở đầu bài phú, trong hội thứ nhất vua đã ghi:

“Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. Thân vua nơi điện ngọc mà tâm Người như ở chốn núi non, chân chất thanh thoát không vương mang chuyện nhân thế. Nửa ngày đăng triều dạy con việc chính sự, nửa ngày còn lại sống với niềm vui đạo nên an nhàn thể tánh. Nội cung là nơi có thể làm cho các bậc đế vương đau đầu, nhưng với Ngài chuyện thị phi như bóng chim in nước, không hề lưu dấu. Một đấng quân vương sống trong chốn hương sắc thinh âm quyến rũ, nhưng với vua không là gì cả. Chỉ là tiếng yến thốt oanh ngâm, nghe chỉ biết nghe nên Người đâu bận lòng. Vui đạo là vui ngay chỗ đó, nơi chốn ồn náo mà vẫn thật sống với chính mình.

TL (3).jpg

Chân dung Phật hoàng Trần Nhân Tông

Cuộc đời của Đức vua Trần NhânTông là một cuộc đời dấn thân hành Bồ tát đạo. Vua sống vì tha nhân nhiều hơn là vì mình. Đất nước có giặc ngoại xâm, thế lực địch mạnh, quân dân ta ít, lương thực không nhiều, nhưng vua vẫn đứng ra lãnh đạo hai cuộc chiến chống Nguyên Mông. Là vua, Người có thể hàng giặc để an thân, nhưng bậc minh quân không làm thế. Vua không thể nhìn cảnh điêu linh nhà tan nước mất, không thể nhìn con dân phải sống cảnh lầm than nô lệ, nên đã cùng quân dân đánh giặc. Nhờ sự đoàn kết nhất trí, cuộc chiến thắng lợi, không ít máu đổ thây phơi, công có và tội cũng có. Nhưng vua chấp nhận tội để mang lại sự an ổn cho muôn dân. Người tranh đấu không phải vì hận thù, mà vì là vua của một nước phải lấy ý thiên hạ làm ý mình, vì muốn đem an vui cho nước, cho dân nên vua phải chiến. Để thấy, Người luôn đặt sự sinh tồn của con dân lên trên sự sống chết của mình.

Thế là bờ cõi được giữ yên, nhân dân sống an bình, nhưng Người vẫn chưa thể buông hết để làm những điều cần làm. Tuy thoái vị nhường hết quyền hành cho con, nhưng Người vẫn ở lại triều đình để rèn luyện Anh Tông thành một minh quân sáng suốt. Bên cạnh đó, vua còn tạo dựng một xã hội ổn định bằng việc mở nông trang, xây công trình thủy lợi,… đem lại cho dân một đời sống sung túc ấm no. Với bao trách nhiệm của người lãnh đạo, với bao công việc bề bộn của một đất nước trong giai đoạn khó khăn, Người chu toàn tất cả nhưng vẫn lan tỏa sức sống đạo của một thiền gia qua bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
 Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền).
(HT.Thanh Từ dịch)

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”, vì trách nhiệm chưa xong, vì Anh Tông còn trẻ tuổi nên Người đã ở lại trong cung lo việc cùng con. Nhưng niềm vui đạo vẫn bất tận, nhờ Người đã sống tùy duyên. Việc đến thì giải quyết, xong rồi thôi, tâm không vướng mắc. Đói ăn mệt ngủ, nghe như tầm thường, nhưng đôi khi con người đói không chịu ăn, vì phải chọn món mình thích, nằm xuống muốn ngủ lại ngủ không được, vì toan tính đủ điều. Đó là bị duyên trói, chứ không phải tùy duyên. Với vua, đói cứ ăn không chọn món ngon hay dở, mệt cứ ngủ chẳng suy nghĩ mông lung. Tùy duyên là ở nơi đời mà không bị thế tục hóa.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”. Người thấy ngay thân tâm này có sẵn một kho trân báu, nên khuyên chúng ta đừng chạy tìm kiếm xa xôi. Khi đối cảnh, tâm không dính mắc là thiền, là đạo. Thôi thì, đừng rong ruổi bôn ba, đừng làm cùng tử lang thang, chúng ta chỉ quay về nhà là có sẵn của báu.

Mới thấy, một bậc đế vương ở chốn hồng trần mà không bị bụi trần làm ô nhiễm. Chân phúc cho Đức vua Trần Nhân Tông đã được gặp một bậc minh sư là Tuệ Trung Thượng Sĩ, dạy cho Người yếu chỉ Thiền qua câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nghĩa là xoay lại chính mình là việc gốc, không từ bên ngoài mà được. Chính châm ngôn ấy là kim chỉ nam định hướng cho vua bước vào niềm vui đạo. Đến khi Anh Tông nắm vững đế nghiệp, vua Nhân Tông rũ bỏ tất cả lên non Yên hưởng trọn niềm vui miên viễn. Sau năm năm hành đạo và ngộ đạo, Người trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, để lại cho hậu thế một tấm gương Thiền.

Hôm nay, nhân ngày giỗ của Người, chúng con đốt nén tâm hương xin bái vọng ân đức Tổ sư. Cuộc đời Tổ là một bài học sống động cho tha nhân, phải biết “vui đạo” mới nhậm vận tùy duyên, phải biết “vui đạo” mới chuyển hóa chính mình. Ước mong sao niềm “vui đạo” sẽ tràn ngập cõi Ta bà, để chúng sanh hết khổ được vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày