Kịp mùa Hiếu hạnh

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1164 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1164 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi gọi Nhân. Anh không bắt máy. Tin nhắn, email Nhân cũng không trả lời. Chắc Nhân bận họp. Tôi đợi.

Buổi chiều Nhân gọi lại cho tôi. Giọng anh lạnh như thời tiết xứ sương mù mà anh đang công tác. Bao dự định trong tôi đổ vỡ. Thay vào đó, tôi hỏi thăm anh vài câu về sức khỏe, về công việc. Anh đáp gọn. Tôi cũng không dùng dằng. Thật ra thì tôi đã quen với cảm giác một mình. Không có anh chẳng qua chỉ là mất đi một tiếng nói, tiếng cười, cái nắm tay hay chuyến về thăm mẹ cùng nhau mỗi mùa Vu lan đến.

Chúng tôi chưa hẳn ly hôn, nhưng cũng không hoàn toàn mặn nồng, say đắm. Nhân có cuộc sống của anh. Tôi có niềm vui của tôi. Những mùa Vu lan trước, tôi với anh thường về thăm mẹ. Nhà mẹ cuối xóm Bìm Bìm, ngay ngã ba sông. Đường về nhà mẹ ngoằn ngoèo, lúc ấy chưa có đường nhựa như bây giờ. Lúc qua con kinh nhỏ, Nhân khom người xuống, bảo tôi trèo lên lưng để anh cõng. Tôi ngượng, ở quê chứ không phải phố. Nhân vẫn cõng. Ngồi trên lưng anh, trong mắt tôi quê mình đẹp biết bao nhiêu.

*

Tôi định không về xóm Bìm Bìm. Đêm đó, Nhân email cho tôi, không phải những dòng tin đường mật, thăm hỏi, quan tâm mà đính kèm trong đó là tờ đơn ly hôn. “Anh nghĩ chỉ có cách này mới cứu vãn được chúng mình. Nếu đã không hợp, hãy giải thoát cho nhau” - Anh viết. Tôi cười. Đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên khi đón nhận chuyện này tôi hoàn toàn bình thản.

“OK, em đồng ý. Em sẽ xem, nếu có thiếu sót em sẽ bổ sung vào cho trọn vẹn” - Tôi trả lời lại email anh, vẫn thái độ tử tế như cũ. Hít một hơi thật sâu rồi thở ra. Nhẹ nhõm. Chúng tôi chưa có con cái, cũng không thiết tha nên chẳng vướng víu bao nhiêu.

Tôi cứ nghĩ mãi về việc mình có nên về xóm Bìm Bìm hay không. Dẫu sao tôi và anh cũng đã cạn tình, như dòng suối mà nước từ các khe vực đã không còn rót vào để suối chảy róc rách nữa. Bổn phận con dâu, đối với tôi, không còn quan trọng nữa. Khi tôi đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn, tôi chính thức không còn là người nhà Nhân. Tôi với Nhân, với mẹ Nhân hay bất cứ ai gia đình Nhân có thể xem nhau như kẻ lạ người xa.

*

Tháng Vu lan, người ta rộn ràng cài hoa lên ngực. Người cài hoa đỏ, người cài hoa hồng, người cài hoa trắng xa xót. Tôi cài hoa trắng. Chiều muộn, sau khi tan sở, tôi ôm giỏ hoa lủi thủi đi ra nghĩa trang. Ở đó có mộ ba mẹ tôi. Ba mẹ tôi nằm cạnh nhau đúng như di nguyện của cả hai lúc sinh thời. Ba tôi mất trước mẹ tôi ít năm, rồi mẹ cũng bỏ tôi mà đi. Hai bên nội ngoại nói mẹ tôi vì thương nhớ ba nên sức khỏe suy yếu, rồi mẹ đi theo ba, sống bên ba trọn kiếp. Tôi cũng nghĩ vậy. Hồi còn sống ba mẹ tôi lúc nào cũng quấn quýt lấy nhau. Đến khi rời khỏi nhân thế, ba mẹ tôi cũng chọn cách nằm cạnh nhau ở một góc nghĩa trang, dưới bóng cây hoàng lan xum xuê, thoảng lại trổ hoa lấm tấm.

Tôi ngồi với ba mẹ thêm một chút nữa. Ở những ngôi mộ khác, có người cài hoa hồng ngồi suy tư về một người nào đó đã đi xa, cũng có người bất hạnh như tôi khi phải chấp nhận cài lên áo bông hoa màu trắng. Xót xa. Mất mát. Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ mình phải sống bản lĩnh mạnh mẽ để ba mẹ an lòng. Tôi phải cho cho xứng đáng với kiếp người mà ba mẹ đã ban phát cho tôi, để nơi trời xa, ba mẹ có thể tự hào về cô con gái mà ba mẹ yêu thương, kỳ vọng.

Tôi nhớ một buổi sáng, khi tôi đang ngồi trên giảng đường, điện thoại trong túi bỗng rung đều. Tôi đưa tay vào túi áo ấn nút tắt nguồn. Khi tiết học cuối cùng của thời sinh viên kết thúc, tôi mở điện thoại ra. Mắt tôi tối sầm lại. Cả vũ trụ như sụp đổ trong phút chốc. Những cuộc gọi nhỡ dồn dập, tin nhắn ập tới. Tôi mở ra xem. “Linh ơi, về nhà gấp, mẹ mất rồi”. Tim tôi vỡ nát trong lồng ngực. Nỗi đau đưa tôi chìm trong cơn mê để đến khi tôi tỉnh giấc, tôi thấy mình nằm trong căn nhà quen, người người chật ních. Tiếng trống, tiếng kèn thiểu não vang lên. Tôi nấc nghẹn. Kể từ đó, tôi vĩnh viễn mất đi người mẹ yêu quý của mình.

Mùa Vu lan nào tôi cũng ra thăm mộ ba mẹ. Tôi hay đi chùa khấn Phật, cầu cho ba mẹ tôi được bình an nơi chín suối…

Mùa Vu lan nào nhìn thấy người khác có mẹ, trở về thăm mẹ, mua cho mẹ nào quà, nào bánh, nói những lời thương nhớ nhớ thương, nước mắt tôi cũng lã chã rơi. Người ta nói đúng, khi mình còn ba mẹ thì mình không lo lắng được gì cho ba mẹ, đến khi mất đi rồi, có muốn tặng mẹ chiếc áo, tặng ba đôi giày, ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ hay xoa bóp bờ lưng thường nhức nhối của ba… cũng không thể được.

*

Nhưng tôi vẫn còn một người mẹ khác ở trên đời. Mẹ Nhân.

Có lần mẹ Nhân nói với tôi: “Nhân nó tệ quá! Nó làm con khổ”. Tôi nắm tay mẹ trong khu vườn nhỏ, xung quanh bao bọc bằng bờ chuối đương độ chín quả, chim đến rỉa hót vang rộn trưa hè. Tôi nói: “Tính Nhân vậy chứ Nhân thương con lắm! Mẹ đừng lo”. Nói vậy để mẹ yên tâm chứ thực ra tôi cũng ý thức được khoảng cách giữa tôi và Nhân ngày càng xa, nhất là khi có người phụ nữ lạ xuất hiện trong cuộc đời của anh.

Tôi và Nhân quyết định giấu chuyện của chúng tôi với mẹ, nhưng hình như mẹ tôi đã sinh nghi. Những lần Nhân về mà không có tôi, hoặc tôi về mà không có Nhân, mẹ đều hỏi. Tôi bảo Nhân bận, hoặc đi công tác, hoặc họp hành. Những lúc đó, tôi thấy mắt mẹ buồn buồn. Một buổi chiều ngồi dưới hàng cây xanh thắm, trước mắt là ngã ba sông con nước lững lờ trôi, mẹ nói với tôi:

- Mẹ thương con lắm! Thương như con gái ruột vậy! Mẹ biết đời con đã khổ, lấy Nhân xong con càng thêm khổ. Nhưng bên con còn có mẹ. Dù thế nào mẹ cũng ủng hộ con.

Tôi ôm mẹ, khóc nấc. Bao nhiêu nước mắt thường ngày được cất giấu sau lớp vỏ mạnh mẽ, bản lĩnh đã tuôn ra. Mẹ lau nước mắt cho tôi. Bên mẹ Nhân, tôi tìm thấy hơi ấm người mẹ đã khuất của tôi. Tôi tự nhủ mình phải đối đãi với mẹ như mẹ ruột, tôi với Nhân - hết tình nhưng còn nghĩa. Mẹ Nhân chính là điểm tựa vững vàng, là nguồn yêu thương của tôi giữa bộn bề âu lo, giữa mối tình ngày càng phai nhạt.

Nghĩ vậy, tôi quyết định về thăm mẹ, dù tôi đã đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn ngày hôm trước.

*

Mất nửa ngày ngồi xe đò, một quãng đi xe ôm, cuối cùng là đi đò qua dòng sông mà lúc rước tôi về làm vợ Nhân sông ngập đầy xác pháo. Mẹ linh cảm tôi về nên đứng đợi tôi ở bờ sông. Thấy tôi qua đò, mẹ đon đả bước xuống. Tôi ôm chầm lấy mẹ, khóc tức tưởi.

- Nín đi con, mẹ biết hết mọi chuyện rồi, mẹ thương con lắm! Không làm dâu mẹ được thì từ nay con chính là con gái của mẹ…

Tôi ngả đầu vào vai mẹ. Bao nhiêu muộn phiền biến tan. Bên mẹ, tôi thấy cuộc đời thật dung dị biết bao. Mẹ không cho tôi hình hài, không dưỡng nuôi, nhưng mẹ đã cho tôi thấy được cuộc đời này còn nhiều yêu thương ấm áp. Mẹ chở che tôi, bảo vệ tôi để tôi thấy rằng, sau lớp vỏ xù xì để bảo vệ chính mình, tôi vẫn là cô gái nhỏ nhoi, dù đời cho tôi nhiều bầm dập.

Tôi cắm bó hoa mình mang về lên bàn, một phần đem ra mộ ba, rót trà, giữa khu vườn bên ngã ba sông lộng gió. Mùa này hoa trái đương độ chín. Mùi thơm lan tỏa khắp vườn nhà.

Nhân chưa về. Tôi biết anh cũng sẽ không về vào những ngày Vu lan, trừ khi tôi giục anh mới trở về miễn cưỡng. Nhân đã có trong tay rất nhiều thứ nhưng có một điều mà anh đã bỏ quên, đó chính là sự trân trọng những điều bình dị nhất mà bài học sau này anh sẽ nhận là niềm tiếc nuối…

Đêm Vu lan, đêm của đất trời vô thanh. Trên dòng sông quê, những ngọn hoa đăng Phật tử thả ở bến chùa rộn rã trôi về. Con sông lấp lánh và đêm hơn. Những ánh hoa đăng huyền diệu trong đêm đen tịch mịch.

Tôi bày bánh mứt ra đĩa, rót trà dâng mẹ, mùi nhang trầm tỏa khói thơm nức ngát trên bàn thờ của ba. Khoảnh khắc đó tôi thấy mình đang sống trong những yêu thương ấm áp của gia đình. Tôi biết rằng trên đời này mình vẫn còn một người mẹ yêu thương tôi vô điều kiện. Giữa trăm ngàn đau thương, một tia hạnh phúc, một điều ấm áp cũng trở thành nguồn sống nảy nở trong tim tôi.

*

Ba mẹ ruột tôi đã không còn trên cõi đời này nữa nên tôi càng thấu hiểu câu hát: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. Điều quan trọng với tôi bây giờ là đem những yêu thương, hiếu hạnh bù đắp cho người mẹ hiền lành ở bên ngã ba sông. Tình yêu thương không ranh giới, nó tỏa đi muôn phương, hóa thành những điều tuyệt vời nhất.

Chỉ buồn cho Nhân, anh mãi chạy theo những phù phiếm, anh đã quá tôn sùng cái bản ngã của mình mà quên đi những giá trị bình dị mà thiêng liêng biết mấy. Đêm Vu lan đất trời đẹp lạ, tôi ngồi bên mẹ một chốc, biết mẹ ngóng Nhân về nhưng không nói với tôi. Tôi chạy vào trong buồng, nhắn Nhân, mặc cho anh có trả lời hay không.

“Về đi, Nhân. Mẹ mong. Chúng ta có nhiều phương để đi, nhưng chỉ có một phương để trở về”…

Tôi ra hàng ba ngồi ngóng đợi. Không phải là cảm giác ngóng chồng như những đêm anh về khuya, nghe tiếng xe, tiếng chó sủa hay tiếng gió rít qua cửa kính tôi đều nhấp nhổm… Mà là mong ngóng một người thân ở phương xa trở về. Vì ở đây còn mẹ, với một trái tim lấp lánh như sao.

Có bóng ai nghiêng ngả bên kia sông. Quen lắm. Tôi chạy xuống bờ sông. Đêm nước dâng đầy. Và sóng.

Nhà đò đã ngủ mất rồi. Nhưng còn chiếc xuồng nhấp nhô bên bờ. Đợi…

Đêm ấy, có người vội vã qua sông. Cho kịp mùa hiếu hạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày