Phật giáo Theravāda ở Đông Nam Á và trên thế giới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Theravāda – “bộ phái của các bậc Trưởng lão”, được phát triển dựa trên giáo lý cốt lõi của Phật giáo và là hình thức Phật giáo chủ yếu được thực hành ở Đông Nam Á và sau này lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Cũng giống như tất cả các truyền thống Phật giáo khác, Phật giáo Theravada đã phân chia thành nhiều dòng truyền thừa trong suốt nhiều thiên niên kỷ kể từ sau khi Đức Phật nhập diệt. Sự phân chia bộ phái lần đầu tiên được cho là đã diễn ra Kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 2, sau khi Đức Phật Niết-bàn khoảng một thế kỷ và hình thành nên bộ phái là tiền thân của truyền thống Theravada sau này.

Có nhiều chủ thuyết khác nhau đã được đưa ra để lý giải nguyên nhân của sự phân phái này, nhưng đa số các học giả cho rằng một nhóm các vị tu sĩ có tư tưởng cách tiến đã đề xuất một số điều khoản để bổ sung vào giới luật mà họ đang vâng giữ. Nhưng không được đa số chấp nhận, vì vậy, Tăng đoàn lúc bấy giờ đã chia ra hai trường phái chính là Thượng tọa bộ (Sthaviravāda) gồm các tu sĩ có khuynh hướng bảo thủ và Đại chúng bộ (Mahāsānghika) gồm các tu sĩ có khuynh hướng cải cách.

Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, dưới sự bảo trợ của hoàng đế Ashoka, các nhà truyền giáo đã đem Phật giáo đến Ceylon (nay là Sri Lanka); tại đây, Phật giáo đã được tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ, và trở thành quốc giáo của hòn đảo này. Mặc dù chúng ta không thể biết chắc những nhà truyền giáo này thuộc bộ phái nào của Phật giáo, nhưng có thể họ thuộc một nhánh nào đó của Phật giáo.

Bởi vì Phật giáo sau đó hầu như biến mất khỏi Ấn Độ do các cuộc xâm lược của ngoại bang cũng như các biến động về xã hội và chính trị khác, nên Phật giáo Theravada ngày nay mà chúng ta biết về cơ bản là bắt nguồn từ đảo quốc Sri Lanka. Trên thực tế, kinh điển Pāli chứa các giáo lý nền tảng về các phương pháp thực hành Phật giáo đã được viết lần đầu tiên ở Sri Lanka; ngoài ra, các bộ luận nổi tiếng cũng được trước tác tại đây.

Từ Sri Lanka, Phật giáo đã được truyền bá sang một số khu vực của Đông Nam Á; giáo lý đã được áp dụng rộng rãi tại các vương quốc mà ngày nay là một phần của Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Trong quá trình truyền bá đó, giáo lý của Phật giáo Theravada đã được tiếp biến và phát triển tùy vào văn hóa và tín ngưỡng của mỗi vùng miền mà Phật giáo đi qua.

Trong nhiều thế kỷ, một vài hình thức của truyền thống Phật giáo Theravada nhấn mạnh đến việc thực hành bố thí và tạo công đức với mục tiêu tái sinh ở cõi lành hơn là thiền định và trí tuệ với mục tiêu giác ngộ. Nhưng điều này đã bắt đầu thay đổi vào thế kỷ XIX.

Ví dụ, ở Thái Lan, Vua Mongkut - hình mẫu của vua Xiêm La trong vở nhạc kịch The King and I - từng là một tu sĩ, người đã thúc đẩy Tăng đoàn Phật giáo tuân thủ Luật tạng nghiêm ngặt hơn và chú trọng đến thiền định cũng như hướng đến sự giải thoát. Vào đầu thế kỷ XX, Thiền sư Ajahn Mun Bhuridatta đã phát động một trường phái thậm chí còn khổ hạnh hơn là Dhammayut, hay còn gọi là Truyền thống Rừng thiền Thái Lan.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Truyền thống Theravada ở Đông Nam Á

Ấn Độ là cái nôi của Phật giáo, nhưng truyền thống Phật giáo Theravada lại tìm thấy ngôi nhà lâu dài nhất của mình ở Đông Nam Á, nơi mà các giáo lý và phương pháp tu tập của nó đã được áp dụng xuyên suốt gần 22 thế kỷ.

Ngày nay, tại Sri Lanka, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, đa số người dân theo Phật giáo Theravada. Trong quá trình Phật giáo phát triển, tôn giáo này đã định hình và có ảnh hưởng sâu sắc đối với bối cảnh văn hóa cũng như tình hình chính trị trong suốt chiều dài lịch sử của các quốc gia này.

Ghi chép sớm nhất cho thấy sự truyền bá của Phật giáo Nguyên thủy từ Ấn Độ đến Đông Nam Á bắt nguồn từ thời hoàng đế Ấn Độ Ashoka. Vào khoảng năm 250 trước Tây lịch, ông đã gửi một số vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, trong đó có cả con trai và con gái của mình, đến Sri Lanka để truyền bá Phật pháp.

Từ đây, Phật giáo Theravada đã tìm đường đến các vương quốc Đông Nam Á trong khu vực, bao gồm cả Myanmar ngày nay; và trong vài thế kỷ tiếp theo, nó tiếp tục lan rộng khắp khu vực bằng nhiều cách như thương mại, hôn nhân và tôn giáo. (Đồng thời, Phật giáo Đại thừa cũng phát triển nhiều nơi ở Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua giao thương và truyền giáo trên Con đường tơ lụa)

Từ khoảng thế kỷ VII đến giữa thế kỷ XIX, các cuộc xâm lược của ngoại bang, sự trỗi dậy của Hồi giáo, nội bộ phân phái và các thế lực khác đã khiến cho Phật giáo Theravada suy tàn ở Đông Nam Á. Trong khoảng thời gian đó, các vị tu sĩ và Phật tử đã thực hiện những chuyến hành hương từ nơi họ đang sống, như Sri Lanka, Thái Lan và Myanmar, đến những vùng mà Phật giáo đang bị ảnh hưởng để phục hồi việc xuất gia và thọ giới cho các nhà sư.

Thời gian gần đây, đời sống cư sĩ ở các quốc gia theo truyền thống Theravada ở Đông Nam Á xoay quanh mối liên kết giữa cư sĩ và tu sĩ. Những người Phật tử tại gia ngoại hộ tứ sự cho Tăng đoàn nhằm tích lũy công đức thông qua những hành động bố thí, cúng dường (dana), trong khi các vị tu sĩ Phật giáo trở thành những vị thầy tâm linh, vừa tu tập giải thoát cho chính mình, vừa là người đứng đầu trong nền giáo dục tôn giáo và phi tôn giáo, tụng kinh và ban phước, đồng thời chủ trì các nghi thức tang lễ và các hoạt động tinh thần khác.

Cho đến ngày nay, truyền thống xuất gia gieo duyên vẫn là một trong những nét đẹp văn hóa của các nước theo truyền thống Phật giáo Theravada; nhiều thanh niên xuất gia tạm thời trong một vài ngày hoặc lâu hơn, một phần vì để được học hỏi cũng như trưởng dưỡng đạo đức cho bản thân, và cũng là để mang lại danh tiếng và công đức cho gia đình của họ.

Trong nhiều thế kỷ trước, phương pháp thiền định nhìn chung là sự thực tập của những vị tu sĩ. Nhưng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Sri Lanka, Thái Lan và Myanmar đã trải qua các cuộc chấn hưng Phật giáo Theravada. Phong trào này đã khiến cho lời dạy của Đức Phật về sự giải thoát cá nhân càng thêm quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Từ đây, các vị tu sĩ cũng bắt đầu dạy thiền cho cư sĩ, tạo ra những thay đổi to lớn trong nền văn hóa của các nước Đông Nam Á.

Phật giáo Theravada ở phương Tây và trên toàn thế giới

Cho đến thế kỷ XIX, ngoài các quốc gia châu Á thì Phật giáo Theravada hầu như không được thế giới biết đến. Các nhà truyền giáo, quan chức và học giả người Anh và người Pháp đã bắt gặp truyền thống tâm linh đặc biệt này khi họ xâm chiếm Đông Nam Á vào những năm 1800.

Các học giả châu Âu bắt đầu quan tâm đến Phật giáo Theravada thông qua các bản kinh văn được ghi chép lại một cách tỉ mỉ; và vào năm 1881, học giả người Anh Thomas William Rhys Davids đã thành lập Hội Văn bản Pāli (Pāli Text Society) để thúc đẩy nghiên cứu và phiên dịch các bản kinh văn được viết bằng ngôn ngữ Pāli.

Đây cũng là lần đầu tiên kinh điển Phật giáo đến với quần chúng bằng tiếng Anh, một loại ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Myanmar, người Anh tấn công Phật giáo và cố gắng cải đạo người dân của quốc gia này sang Cơ đốc giáo đã châm ngòi cho phong trào Vipassana - một nỗ lực của các nhà sư và các nhà lãnh đạo khác nhằm phục hồi và bảo vệ Phật giáo.

Phật giáo Theravada đã thu hút sự chú ý ở Hoa Kỳ tại Nghị viện Tôn giáo Thế giới năm 1893 được tổ chức tại Chicago thông qua bài thuyết trình đặc biệt về những lợi ích của Phật giáo đối với xã hội phương Tây của một vị Phật tử tại gia người Sri Lanka tên là Anagarika Dharmapala. Cũng trong khoảng thời gian đó, các nhà lãnh đạo của phong trào Thông thiên học Tây phương đã tiếp nhận các giáo lý của truyền thống Theravada tại Sri Lanka và bắt đầu truyền bá rộng rãi những bản kinh văn của Phật giáo.

Vào những năm 1960 và 1970, Phật giáo Theravada bắt đầu du nhập vào phương Tây bằng nhiều cách khác nhau. Những người tị nạn sau chiến tranh ở Đông Nam Á bắt đầu định cư ở Hoa Kỳ và châu Âu và mang theo cả nền văn hóa Phật giáo mà họ được tiếp nhận khi còn ở quê hương; họ xây dựng chùa chiền và thành lập các cộng đồng Phật giáo ở nhiều nơi.

Sự truyền bá của Phật giáo Theravada đã trở nên mạnh mẽ từ những năm 1980. Ngày càng có nhiều trung tâm Phật giáo dành cho cư sĩ nở rộ trên khắp thế giới: Henepola Gunaratana, một nhà sư người Tích Lan, đã thành lập Hội Bhavana ở Tây Virginia; nhóm của Jack Kornfield đã thành lập Spirit Rock ở California; Amaravati, một tu viện theo Truyền thống Rừng thiền Thái Lan, được thành lập ở Anh; và vào những năm 1990, Abhayagiri và Tu viện Rừng thiền Metta đều được mở cửa ở California.

Ngày nay, internet đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá các giáo lý của Phật giáo nói chung và của truyền thống Theravada nói riêng. Sự truyền bá Phật giáo không còn là thách thức quá khó khăn như các thế kỷ trước. Các bản kinh văn và những bài pháp thoại đã có sẵn trên các nền tảng mạng internet để Phật tử cũng như những người muốn tìm hiểu về Phật giáo đều có thể truy cập miễn phí.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày