Phật pháp và quá trình chữa lành của một người nghiện rượu

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Laura Burges là một người từ trong bóng tối của nghiện ngập rượu chè đã dần dần bước ra ánh sáng nhờ sự soi sáng của Phật Pháp. Dưới đây là câu chuyện chuyển hóa và chữa lành của cô.

Thực hành theo phương pháp của Phật giáo, chúng ta sẽ có cơ hội học tập và thay đổi lối sống từ trong ra ngoài. Rèn luyện những đức tính vẹn toàn bên trong nội tâm để từ đó điều phục và dẫn dắt các thói quen cũng như hành động, thay vì bị những cơn lốc xoáy bên ngoài cuốn đi mà không hề hay biết. Khi hướng vào bên trong như thế, bản thân người thực tập sẽ có cảm giác được về nhà. Thậm chí trong quá khứ đã từng bị người khác bỏ rơi, nhưng chúng ta cũng ý thức được rằng chúng ta không được bỏ rơi chính mình.

Một khi đã nhận ra và không bị cuốn theo những thôi thúc gây nghiện của mình, chúng ta đã bắt đầu biết học cách đối phó với những cảm xúc mạnh mẽ khi chúng phát sinh thay vì phớt lờ, từ chối và phủ nhận chúng, những thái độ đó chỉ đẩy chúng ta càng xa rời bản thân mình và không thể tự điều trị cho chính mình.

Nhờ vào sự tu tập theo Phật giáo, tôi có thể vượt qua những cám dỗ và các vấn đề khó khăn với nụ cười bình dị trên môi. Tôi có thể mặc một chiếc áo đen, tụng kinh bằng tiếng Nhật và trở thành một người khác. Tôi nghĩ bản thân dễ dàng trở thành một người khác hơn là trở thành chính mình. Nhưng điều đó không hiệu quả đối với tôi. Tôi cần cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc và trọn vẹn để có thể sống bình an và hạnh phúc mỗi ngày. Điều quan trọng mà tôi học được trong quá trình hồi phục là bản thân không cần phải hành động theo cảm xúc để được là chính mình. Chúng không thể hủy hoại tôi và những người xung quanh, bởi vì tôi có thể quyết định khi nào là thích hợp để hành động và thực hiện những gì tôi muốn.

Vào một buổi sáng nọ, vị thầy đầu tiên của tôi chặn tôi ở hành lang bên ngoài thiền đường và nói với tôi: “Con đã có sẵn mọi thứ con cần. Con nên ngưng mọi sự tìm cầu từ bên ngoài”. Đây như là một thách thức để bắt đầu một cuộc sống mới theo hướng từ trong ra ngoài. Vào thời điểm đó, các phương pháp thực hành đích thực của Phật giáo bắt đầu bén rễ trong tôi bởi vì tôi hiểu ra rằng con đường cổ xưa này không yêu cầu tôi phải chối bỏ những lý tưởng sống của mình, đăng ký vào một nhóm tôn giáo nào đó hay chạy theo bất cứ vị thầy nào.

Theo phương pháp của truyền thống Tào Động, quan trọng là ngồi xuống. Chỉ cần ngồi xuống tĩnh tâm giữa những bộn bề, cám dỗ và lo toan của cuộc sống thì khi đó, chúng ta đã có thể trân trọng và khẳng định món quà tỉnh thức và sức mạnh tỉnh giác vốn có của chúng ta. Chúng ta ngồi để tôn vinh những bậc tiền bối, những người đã tu tập và phục hồi rất tốt trong quá khứ, chính sự kiên trì và cống hiến của họ là món quà quý giá cho chúng ta ngày nay. Chúng ta ngồi với toàn bộ thân tâm của chính mình, chứ không phải một ý tưởng viển vông nào đó ở quá khứ hay ở tương lai. Thiền sư Đạo Nguyên đã từng khẳng định: “Tâm này là Phật”. Không phải là bất cứ điều gì khác mà chính là tâm trí này đang chờ đợi chúng ta quay về để khám phá.

Lần đầu tiên bước chân vào thiền đường, tôi hy vọng đạo Phật sẽ có thể sửa chữa bản thân tôi, và cải thiện đời sống của mình. Tôi sẽ đi sâu vào con đường thực hành Phật giáo cổ xưa và bỏ lại bản thân vỡ vụn của mình trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi dần nhận ra rằng đây là lối suy nghĩ “từ ngoài vào trong”, áp dụng các phương pháp thực hành theo kiểu “sửa sai” một cách máy móc.

Trong quá khứ, chính tôi đã sử dụng cách tương tự như vậy, uống thật nhiều rượu - mang một thứ gì đó bên ngoài vào trong cơ thể - để khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Từ “say” (intoxicate) có nghĩa là “đem chất độc vào.” Và giờ đây, khi tôi sử dụng Phật giáo theo cách đó, như một loại thuốc giải độc cho con người thật của tôi. Khi cố gắng sửa chữa bản thân và phủ nhận những phần bị vỡ vụn của bản thân, thì sự thực hành của tôi là trống rỗng và, mặc dù có thiện chí, nhưng lại chênh vênh và vô hồn.

Trong Phật giáo, sự hồi phục của chúng ta có thể bắt đầu từ trong ra ngoài. Trong tập Phổ khuyến tọa thiền nghi, Thiền sư Đạo Nguyên dạy: “Hãy lùi lại một bước để xoay ánh sáng chiếu thẳng vào bên trong”. Điều này trái ngược với mọi thứ mà nền văn hóa hiện đại nói với chúng ta. Chúng ta được dạy rằng hạnh phúc và thành công nghĩa là có được tất cả những thứ tốt đẹp ngoài kia. Bằng cách nào không quan trọng, bạn có thể nói dối, gian lận và trộm cướp, nhưng quan trọng nhất là không để mình trở thành kẻ thua cuộc. Tuy nhiên, khi đã đặt chân lên con đường tu tập và hồi phục tâm thức, chúng ta có thể ngưng tìm cầu những thứ ngoài thân và bắt đầu khai thác sự giàu có trong tâm của chúng ta.

Tất cả những gì bạn yêu thích sẽ bị hoại diệt và biến mất. Những thứ chúng ta bám víu, đồng nhất và nghĩ rằng chúng sẽ trường tồn lại chẳng thể tồn tại lâu dài, kể cả thân thể này. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên và thanh thản giữa sự mất mát đó; và nơi duy nhất chúng ta nghỉ ngơi là trong chính thời điểm này, khi chúng ta sống sâu sắc, phong phú và trọn vẹn ngay bây giờ, gặp gỡ từng người và sống với một trái tim rộng mở. Đây cũng là nơi chúng ta có cơ hội gặp niềm vui, trở về nhà thông qua hơi thở và ý thức được bản chất thực sự của chúng ta.

Bất cứ khi nào cảm thấy buồn, tôi thường ngồi xuống và quan sát nó diễn ra. Bởi vì dính mắc vào những hành động và thái độ của người khác, rồi đánh giá bản thân theo một số tiêu chuẩn bên ngoài, tiếc nuối quá khứ và lo sợ tương lai. Đây là lúc những thói quen như giận dỗi và tự ti lại bén rễ trong tâm tôi. Có lẽ tôi bắt đầu mong đợi những điều từ người khác mà họ không hề hay biết và tôi cũng kỳ vọng vào bản thân về những điều mà tôi chưa dành thời gian để thực hiện. Nhưng tất cả những suy nghĩ đó đã giày vò tâm trí tôi. Vì vậy, khi biết đến Phật pháp, tôi đã bắt đầu tha thứ cho bản thân, tha thứ cho người khác, nhận ra rằng tất cả chúng ta chỉ đang làm những gì tốt nhất có thể.

Đầu tiên, tôi phải thực hiện điều đó từ trong ra ngoài. Không phải vì tôi muốn làm hài lòng những người tôi yêu quý, cũng chẳng phải để trở thành một người mẹ tốt hơn, hay một người tử tế gì cả. Tôi phải thừa nhận một sự thật cơ bản rằng tôi là một người nghiện rượu và không bao giờ có thể như những người khác, đây cũng chính là điều mà tôi đã tự chứng minh với mình nhiều lần.

Tiếp đến, tôi phải sẵn sàng yêu cầu được giúp đỡ. Vào cuối cuộc nhậu, có điều gì đó kêu gọi từ sâu thẳm con người tôi: “Làm ơn, làm ơn giúp tôi với”. Lúc đó tôi không biết rằng mình đang ở ngưỡng cửa thức tỉnh của một sức mạnh bên trong bản thân mà tôi không thể tiếp cận được.

Thứ ba, tôi phải sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ. Điều này đòi hỏi tôi phải buông xuống mọi sự kiêu ngạo và ngã mạn của mình. Tôi phải gác lại mọi thứ mà tôi nghĩ rằng tôi biết về bản thân và sẵn sàng cởi mở với bản thân và học hỏi từ những người khác, những người đã khám phá ra cách giữ tỉnh táo trong nhiều trường hợp. Họ thực sự rất khác với tôi.

Thứ tư, tôi phải sẵn sàng giúp đỡ người khác giống như những sự giúp đỡ đã được dành cho tôi một cách miễn phí. Tôi đã phải vươn tay vào bóng tối và giúp kéo những người đau khổ khác lên chiếc thuyền cứu hộ của sự phục hồi.

Trong những phương pháp mà tôi đã thực hiện trong quá trình hồi phục, tôi bắt đầu tìm thấy nguồn lực sâu xa bên trong mình, nhờ vào con đường trung thực, tự suy ngẫm và hành động nghiêm túc này.

Từ các phòng phục hồi, tôi đã tìm được sức mạnh để quy y Phật, Pháp và Tăng - Ba ngôi báu trong Phật giáo. Quy y Phật là tin vào tánh giác vốn có của mình. Quy y Pháp là buông bỏ và chấp nhận điều mà thầy Suzuki gọi là “mọi thứ như nó là”. Quy y Tăng là tìm thấy niềm an ủi trong sự kết nối hòa hợp và thanh tịnh của cộng đồng. Quy y Tam bảo là một sức mạnh rất lớn của bản thân tôi và đó là tất cả những gì tôi cần biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày