Phật giáo tỉnh Long An tổ chức Đại giới đàn Liễu Lạc kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567

Các giới tử vân tập tại chùa Pháp Minh, chuẩn bị bước vào kỳ khảo hạch Đại giới đàn Liễu Lạc vào chiều 21-5
Các giới tử vân tập tại chùa Pháp Minh, chuẩn bị bước vào kỳ khảo hạch Đại giới đàn Liễu Lạc vào chiều 21-5
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại giới đàn Liễu Lạc được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An tổ chức vào các từ ngày 21 đến 24-5 (nhằm mùng 3 đến 6-4-Quý Mão).

Địa điểm tổ chức: Chùa Pháp Minh, ấp Giồng Lớn, X.Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa (dành cho giới tử Tăng), và chùa Long Thành, ấp Bình Tả 1, X.Đức Hòa Hạ, H.Đức Hòa (dành cho giới tử Ni).

Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn Liễu Lạc cho biết: “Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chọn thời điểm tổ chức Đại giới đàn Liễu Lạc từ ngày 21 đến 24-5 nhằm hướng đến chào mừng Đại lễ Phật đản PL.2567, đồng thời mở đầu cho mùa An cư kiết hạ, tạo điều kiện cho Tăng Ni giới tử an cư trọn vẹn 3 tháng để học giới luật, tiến tu đạo nghiệp”.

Về lý do chọn tôn hiệu Đại giới đàn là Liễu Lạc, Hòa thượng Thích Minh Thiện chia sẻ thêm: Hòa thượng Thích Liễu Lạc là vị danh Tăng của Phật giáo Long An và Thiên Thai Giáo Quán tông; suốt đời Hòa thượng phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.

Ngài đã thế phát xuất gia cho nhiều người, sau này trở thành bậc thạch trụ cho Phật giáo Việt Nam và tông Thiên Thai, như: Hòa thượng Thích Đạt Hảo (1916-1996); Ni trưởng Thích nữ Đạt Đạo (1901-1971), Ni trưởng Thích nữ Đạt Tâm (1912-2012)… Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An kính thỉnh tôn danh Hòa thượng kiến lập Đại giới đàn Liễu Lạc để tỏ lòng hậu thế kính ân, ngưỡng vọng công hạnh của Hòa thượng”.

Đại giới đàn Liễu Lạc chính thức khai mạc vào lúc 8g, ngày 22-5, dự kiến có từ 250 - 300 giới tử tham dự.

Chân dung Hòa thượng Thích Liễu Lạc

Chân dung Hòa thượng Thích Liễu Lạc

Về thân thế và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Liễu Lạc, Hòa thượng Thích Minh Thiện cho biết ngài có thế danh Trương Văn Trình, pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc; sinh năm Kỷ Mão (1878), nay thuộc ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hòa thượng thuộc thế hệ thứ 19 dòng phái Ngọ Đình, đời thứ 21 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 49 tông Thiên Thai Giáo Quán, là đệ tử nối pháp của Tổ Nhiên Công Hiển Kỳ.

Vào năm Canh Tuất (1910), báo hiếu song thân đã chu toàn, ngài theo ý nguyện của mình, thực hiện ước mơ từ thời trai trẻ. Bấy giờ, Đại Trưởng lão Trần Quốc Lượng (tức Tổ Hiển Kỳ) từ Hương Cảng trở về thăm Việt Nam. Hòa thượng đảnh lễ Đại Trưởng lão, xin xuất gia theo đạo Minh Sư tại Minh Đức Phật đường, Cầu Kho, quận 1, Sài Gòn. Từ đó, ngài siêng năng học đạo, tu hành dần dần làm đến chức vị Đảnh hàng Lão sư, mọi người quý mến gọi là Ông lão Năm.

Tháng giêng, năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng cùng huynh đệ đến Thanh Sơn thiền viện, yết kiến Tổ Hiển Kỳ, nhập chúng tu học theo quy luật thiền môn, được Tổ ban pháp danh Tu Tịnh, pháp hiệu Liễu Lạc.

Cũng trong dịp này, Thanh Sơn thiền viện khai mở Đại giới đàn, Hòa thượng đảnh lễ thỉnh cầu Tổ Hiển Kỳ cho phép được lãnh thọ giới pháp và được Tổ hoan hỷ chấp thuận. Đầu tháng 3 năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng cùng hai vị sư huynh (Hòa thượng Liễu Thiền, Hòa thượng Liễu Chứng) xin với Tổ trở về Việt Nam, mang theo các kinh điển, giáo pháp tông Thiên Thai và pháp khí để hành trì tu niệm, hành đạo tại trú xứ.

Hòa thượng trở về quê hương Đức Hòa, chuyển đổi ngôi từ đường thành chùa, tận lực xây dựng lấy tên hiệu chùa Pháp Minh. Hòa thượng tu hành đạm bạc, tinh chuyên giới luật, hạnh đức thanh cao. Ngài luôn được thỉnh vào hàng Tôn chứng sư Đàn giới Tỳ-kheo tại các giới đàn chùa Tôn Thạnh.

Ngày mùng 2 tháng Chạp năm Bính Tý (1937), Hòa thượng an nhiên viên tịch trong tiếng chuông mõ niệm Phật của môn đồ, trụ thế 59 tuổi. Tông phong Thiên Thai và tứ chúng đệ tử cung thỉnh nhục thân Hòa thượng nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Pháp Minh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày