Campuchia chú trọng đào tạo cổ ngữ Pāli trong giáo dục Phật giáo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1200 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1200 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại học Phật giáo Preah Sihanouk Raja (SBU), một cơ sở giáo dục lâu đời nhất ở Campuchia, vừa qua đã lên kế hoạch nhằm cung cấp chương trình tiến sĩ về ngôn ngữ Pāli trong tương lai để thúc đẩy giáo dục sinh viên Phật giáo.

Thượng tọa Dith Vireak, người đứng đầu chương trình sau đại học tiếng Pali tại SBU, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm số lượng sinh viên. Không thể bắt buộc mọi người đảm nhận công việc quan trọng mà chúng ta làm ở đây, mà cần tìm cách thu hút họ, đặc biệt là ngôn ngữ Pali”.

Hòa thượng Yorn Seng Yeat, Phó Hiệu trưởng SBU cho biết hiện tại không có một cơ sở giáo dục nào dạy ngôn ngữ Pāli, kể cả những trường của Phật giáo. Phải nhờ vào số lượng sinh viên du học ở các nước như Sri Lanka, Myanmar,… và tốt nghiệp trở về với bằng tiến sĩ, SBU có thể đào tạo và cấp bằng sau đại học cho sinh viên. Gần đây, SBU đã tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài.

Trước đó, vào ngày 15-3, SBU đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) với Đại học Somaiya Vidyavihar ở thành phố Mumbai (Ấn Độ). Thỏa thuận này nhằm mục đích thiết lập một diễn đàn học tập và nghiên cứu với mục tiêu nâng cao năng lực của cả sinh viên lẫn giảng viên và hỗ trợ sự phát triển chung của một hệ thống giáo dục chất lượng hiện đại.

Hai bên sẽ tập trung vào vấn đề trao đổi sinh viên, tổ chức các chuyến thăm viếng lẫn nhau của giảng viên của hai trường, nghiên cứu giữa các tổ chức, quảng bá các khóa học và lộ trình đào tạo cũng như chia sẻ thông tin và dịch vụ của mỗi trường.

Để thúc đẩy phát triển mảng Phật giáo Nguyên thủy, Hòa thượng Seng Yeat cho biết ông đang xem xét để tiến hành các ký kết với một số trường đại học ở Thái Lan, Sri Lanka và Myanmar. Đối với Phật giáo Đại thừa, hiện ông đang đàm phán với các trường đại học ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

“Chúng tôi cũng đang liên lạc với một số trường đại học ở Mỹ. Khi ký kết biên bản ghi nhớ với các trường nước ngoài, chúng tôi tập trung vào năng lực cốt lõi của mình: đào tạo về ngôn ngữ Pāli, Sanskrit và Phật giáo. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với họ trong các lĩnh vực khác, nhưng chủ yếu chúng tôi muốn làm việc với các chuyên gia Phật giáo trên toàn thế giới”, Hòa thượng chia sẻ.

Thượng tọa Sem Chhunly là một nhà sư Campuchia, tốt nghiệp tiến sĩ Pāli từ Sri Lanka vào năm ngoái, và hiện đang giữ vị trí chủ tịch của Hiệp hội Hỗ trợ Pali vừa mới được thành lập. Thượng tọa cho biết: “SBU đã nhận hai đợt tuyển sinh thạc sĩ, đợt trình bày luận văn của mình sẽ được tiến hành vào cuối tháng Tư”.

Thượng tọa Chhunly, cũng là Phó Giám đốc phòng Sau đại học của SBU, giải thích rằng nhiều sinh viên Pāli đã lấy bằng cử nhân về các chuyên môn khác, nhưng sau khi theo học ngôn ngữ Pāli trong nhiều năm đã đủ điều kiện để học thạc sĩ về mảng ngôn ngữ này. “Ở góc độ học thuật, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhưng vẫn còn những thủ tục pháp lý cần tuân thủ và tất nhiên chương trình tiến sĩ cần kinh phí lớn hơn”, Thượng tọa chia sẻ.

Quách Mạnh Ly, một doanh nhân nổi tiếng điều hành các công ty tư nhân trong lĩnh vực giáo dục cũng như các lĩnh vực khác, nói với The Post rằng ông đã cúng dường khoản tiền học bổng với hơn 20.000 đô-la cho các nhà sư Phật giáo theo học tại SBU.

“Mục đích của học bổng là tăng cường sự hiểu biết của mọi người về Phật giáo, cũng như khuyến khích phát triển nghiên cứu văn học Khmer. Cuối cùng, tôn giáo của chúng ta cung cấp nền tảng phục vụ cho quốc gia của chúng ta”, ông nói.

Là cơ sở giáo dục lâu đời nhất của Campuchia, SBU được thành lập vào năm 1954, dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo phái và Tôn giáo. Vào cuối năm 2022, có 1.993 sinh viên đã đăng ký học tại 3 chi nhánh ở Phnom Penh, Kampong Chhnang và Battambang. SBU hiện có 9 phân khoa, bao gồm Triết học Phật giáo, Luật, Quản lý Giáo dục, Quản lý Tổng hợp, Văn học Khmer, Sinh thái học, Pali, Xã hội học và ngôn ngữ Anh. Theo Bộ Lễ nghi và Tôn giáo, tính đến cuối năm 2022, Campuchia có tổng cộng 5.133 ngôi chùa với tổng số 68.967 tu sĩ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày