GNO - Không khí nhộn nhịp, vui tươi bao trùm lên hầu hết các ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh khi ngày Tết Chôl Chnăm Thmây đang cận kề.
Tết Chôl Chnăm Thmây có ý nghĩa là đón mừng năm mới, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới |
Tết thường diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 Âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó |
Đây cũng là dịp người Khmer tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư sãi ở chùa và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất. Một nhà sư chùa Âng đang tháp hương tại các tháp cốt trong khuôn viên chùa |
Trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, Phật tử tắm rửa sạch sẽ, mang hương hoa, thức ăn lên chùa cúng dường. Các nhà sư sẽ tụng kinh cầu an năm mới và chúc các Phật tử hưởng được 4 pháp của Đức Phật là sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh |
Để bước vào 3 ngày lễ chính thức, người dân Khmer phải tất bật chuẩn bị trước đó cả tuần. Hình ảnh các nhà sư tại chùa Silathro Thmothol (chùa Điệp Thạch) đang dọn dẹp khuôn viên chùa |
Lễ đài đón chư Thiên năm mới với nội dung chào đón năm mới Phật lịch 2566 - Dương lịch 2022 với đứa con thứ 5 của MahaPrum giáng trần lúc 10 giờ ngày 15-4 |
Các tiết mục văn nghệ chào đón Tết Chôl Chnăm Thmây được các bạn trẻ tập luyện kỹ lưỡng với sự hướng dẫn của một nhà sư |
Một chú sa-di nhỏ tuổi đang lau dọn các đồ vật xưa tại chùa. Hình ảnh rất dễ bắt gặp khi đến thăm các chùa Khmer ở Trà Vinh dịp Tết này. Mỗi người đều chung tay chuẩn bị để đón Tết Chôl Chnăm Thmây |
Một nhà sư đang chăm chú cắt các khuôn chữ tiếng Khmer để trang trí trong dịp lễ |
Phút nghỉ ngơi thư giãn bên con vật yêu quý của mình |
Những ngày trước Tết, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh các nhà sư dọn dẹp, sửa sang lại khuôn viên của ngôi chùa như treo cờ, kết cổng chào, trang trí sân khấu để rước chư Thiên. Các cây tre cao nhất sẽ được lựa chọn để treo cờ Phật giáo trước cổng chùa |
Chánh điện cũng được lau dọn kỹ lưỡng, hương hoa và đèn luôn sáng mang lại không khí nhộn nhịp |
Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của Tết năm mới, được tiến hành ở 8 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa. Việc đắp núi cát này có rất nhiều ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc |
Theo Phật giáo Nam tông Khmer, núi cát tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ 3, là nơi cất giữ mớ tóc mà Đức Phật Thích Ca đã cắt bỏ để đi tu. Đắp núi cát thể hiện sự tôn kính đối với Đức Phật |
Hình ảnh một phật tử Khmer cung kính trước các bức tượng Phật tại ngôi chùa Sala. Đây cũng là nơi diễn ra lễ Tắm Phật trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây |
Trước Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra lễ rước Tam tạng kinh điển từ chùa đến các điểm tập trung, thường là đại diện cho người dân các ấp. Sau đó, họ sẽ tiến hành các nghi thức lễ bái, tụng kinh và cung thỉnh các nhà sư thuyết pháp |
Một nhà sư chùa Kompong Sala đang thuyết giảng về ý nghĩa của nghi thức rước Tam tạng kinh điển cho người dân hiểu. Hoạt động này có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giáo dục các thế hệ kế thừa và gìn giữ bản sắc của người Khmer |
Trong ngày này, người dân cũng tiến hành cúng dường tứ vật dụng (đồ ăn uống, quần áo, thuốc men, vật trải tọa thiền) đến các sư trong chùa để họ có đủ phương tiện tu tập thực hành đạo giải thoát. Hình ảnh các nhà sư chùa Kompong Sala đang trên đường đến điểm rước kinh Tam tạng để dự lễ trai tăng |
Đến ngày lễ chính thức, người dân sẽ tự tay nấu cơm và thức ăn sau đó mang đến chùa dâng lên các nhà sư và lắng nghe họ thuyết pháp để cầu nguyện năm mới bình an |
Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 với nhiều hoạt động tỏ lòng tưởng nhớ Đức Phật, chúc mừng cha mẹ, ông bà đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý |