GN - Mấy ngày qua, ở xóm tôi nhiều người cứ nhốn nháo, bàn tán xôn xao về đám tang của ông Lục. Khen cho cái đám to, hoành tráng nhất từ trước đến nay ở trong thôn. “Ăn no to đám”- là câu cửa miệng của những người đi gánh đám ông về.
Mà to cũng phải, vì sáu đứa con của ông đều thành đạt, hiện đang làm ăn kinh doanh lớn ở trong Nam, miền Tây. Đám ông Lục để bảy ngày, trống kèn inh ỏi, xe hơi của quan khách đến phúng điếu ra vào choáng ngợp. Chưa hết, nhiều lẵng hoa tươi to, đẹp dồn dập chuyển đến, hoa nhiều đến nỗi nhà đám không còn chỗ để chưng, phải trải dài từ cửa ngõ nhà ông đến đầu xóm và ra tận đường quan, rồi các bức liễn, bức hoành nhiều vô kể, sặc sỡ sắc màu với nội dung “Thành kính phân ưu” phủ kín cả khu vườn…
Nhưng mấy ai hiểu rằng, trong cảnh xô bồ náo nhiệt chỉ là cái vỏ bọc mang tính hình thức ấy là cả quãng đời trống trải, thiếu vắng tình thương của ông: vợ mất sớm, đàn con đều Nam tiến, một mình ông vào ra lủi thủi trong ngôi nhà trống vắng và khu vườn rộng rậm rịt cây lưu niên.
Suốt mấy chục năm nay ông tự phục vụ mình như đi chợ, nấu ăn, đi khám bệnh, mua thuốc uống vào những lúc ốm đau. Hai năm cuối đời, ông mướn người giúp việc vì đã già yếu không còn tự lo liệu nổi bản thân. Có lần chúng tôi sang chơi, ông tâm sự: “Thú thật với cháu, bác đây không thiếu tiền, tụi nó gửi tiền ra tiêu thoải mái, nhưng bác buồn lắm vì sống xa con cháu, thiếu vắng tình thương. Ban ngày còn đỡ, về đêm một mình buồn da diết, cháu ạ!”.
Ông sống thầm lặng và ra đi cũng thầm lặng. Trong giờ phút lâm chung cũng không đứa con nào kịp có mặt để ông nói một lời trăng trối. Có điều lạ là buổi tẩn liệm người ta phun rượu, vuốt ve mãi nhưng mắt ông cứ mở trân trân như còn nuối tiếc, lưu luyến điều gì ở thế gian? Có người còn đoán mò: Ông “nuối” mấy đứa con vì muốn nhìn thấy chúng nó lần cuối nên không chịu nhắm mắt!
Còn chị giúp việc cho ông suốt hai năm nay thì chia sẻ: Khi thấy ông yếu nhiều, tui điện thoại cho mấy người ở trong đó thì họ có vẻ lo lắng nhưng rồi đều nói: “Tụi tui bận quá, khối lượng công việc khổng lồ không thể bỏ mà đi được, mọi chuyện nhờ chị lo liệu, ông muốn chi thì chị cứ mua cho ông ăn, khi nào ông có mệnh hệ gì thì tụi tui… bay ra”.
Mùng 3 Tết Bính Thân vừa rồi, là hàng xóm láng giềng lân cận nên tôi dẫn vợ con sang chúc thọ ông, ông gọi mấy đứa nhỏ lại xoa đầu, vuốt ve, tặng bao lì xì rồi nước mắt ông lưng tròng. Tôi thầm nghĩ: Ông đang ao ước gia đình, con cháu ông cũng được đoàn tụ, sum vầy, đặc biệt là trong những ngày lễ, Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc như thế này - một ước mơ quá đỗi bình dị trong cuộc sống, nhưng với ông thì quả là xa vời, và chỉ mãi mãi là giấc mộng đẹp mà thôi!
Nay sang thắp cho ông nén nhang, thấy cảnh người vào ra tấp nập nhộn nhịp, trang hoàng lộng lẫy hoành tráng, trầm hương tỏa thơm nghi ngút, cảnh uống ăn xô bồ, tiếng nói cười vui vẻ của con cháu, người thân. Bỗng ngước nhìn lên di ảnh, tôi thấy hình như ông đang chằm chằm nhìn tôi và như muốn nói với tôi điều gì.
Trong tôi cũng đang dấy lên một nỗi niềm khó tả, bâng khuâng, xao xuyến… và thầm nói với ông rằng, mong ông hãy an vui nơi chín suối cùng người bạn đời của ông, không còn hiu quạnh, đơn côi như khi đang sống trên thế gian này nữa, ông nhé! Rồi hình như ông đang mỉm cười nhìn tôi - người hàng xóm thân thiết của ông.