1. Đọc bài viết cũng là câu chuyện chọn con đường tu của cô cách đây bốn năm - khi vừa rời ghế giảng đường, ngành báo chí. Bây giờ, sau bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu năm-tháng vần xoay, tôi nhận được ở người bạn ngày xưa của mình một thứ năng lượng của sự tu tập: vững chãi và bằng an.
Bạn của tôi, bây giờ là Sư cô Chân Chuyên Nghiêm đã hiến tặng cho tôi sự bình yên của con đường tu học, cắt ái từ thân, khoác áo nâu sòng. Đó là câu chuyện cũ kỹ về những ngày hành điệu nơi đồi thông Bát Nhã, hay là những “đấu tranh tư tưởng” với má, với bạn bè, với những câu nói nửa thật, nửa ngờ của ai đó: “Bộ mày thất tình hả?”.
Có lẽ trong tâm thức của nhiều người bình-thường, chưa hiểu rõ chùa chiền và đạo Bụt, luôn luôn là: đi tu chắc do thất tình, do buồn chán… Đủ mọi lý do tệ hại để “đẩy” một ai đó vào chùa là suy nghĩ thường tình của mọi người. Có lẽ đó là do thứ văn hóa của “chuyện tình Lan và Điệp” hoặc nhiều câu chuyện thương tâm khác, đẩy đưa con người vào chốn thiền môn như một phương pháp lánh đời, chạy trốn!
Họ chắc chưa hiểu lắm con đường của người xuất thế chính là chọn con đường từ bỏ. Bỏ ngôi nhà “lửa” với ba món thiêu đốt tâm can con người là tham-sân-si để tìm về nước tịnh, để hiến tặng cho đời bằng an (như Sư cô Chân Chuyên Nghiêm đã hiến tặng cho con hôm nay).
Đoạn chia sẻ cuối cùng của cô trong bài viết là “Đi tu thì dễ còn tu mới khó. Bốn năm rồi, dù có nếm trải đủ niềm vui, nhiều khó khăn nhưng tôi luôn nói với má “con vẫn còn muốn tu má à!” - đã tưới tẩm trong tôi những hạt giống hạnh phúc đủ để nảy mầm, để tôi tiếp tục phát nguyện với Như Lai, với mẹ, với sư chị, sư em của mình là tôi vẫn muốn tu. Vẫn muốn đi con đường ấy trong mọi lúc, mọi nơi, trong giờ phút hiện tại mầu nhiệm này!
2. Sáng nay, sư chị tôi nhắn tin bảo: dù đã rất cố gắng thực tập nhưng vẫn còn phiền não, xin sám hối. Tôi vừa mở mắt, đọc được tin ấy, và mỉm cười. Cười, bởi vì phiền não vốn là bản chất của cõi Ta bà này, bởi vì chúng ta còn yếu ớt, còn chìm ngập trong thị-phi, trong biết bao điều hơn-thua, được-mất.
Đi tu là rời khỏi ngôi nhà "lửa" (tham-sân-si) - Ảnh: langmai.org
Bao nhiêu cái dập dồn “tấn công” nên mình không đủ sức chuyển hóa và phiền não là lẽ đương nhiên. Nhưng mình phải biết là mình đang phiền não. Đó là yếu chỉ, bởi phải biết mình đang phiền não thì mình mới có con đường để thoát khỏi phiền não, có cơ hội để ôm ấp, chuyển hóa não phiền.
Chỉ sợ là mình không biết mình đang khổ, đang buồn, đang giận, đang thương… Nếu mình không biết thì cũng có nghĩa là mình đã để cho những thứ ấy đánh lừa và dẫn mình vào mê lộ mà mình cứ nghĩ là mình đang đi trên con đường bình-thường… Vì có quá nhiều người đi trên con đường ấy nên mình ngỡ nó là bình thường, là phải, còn đi ngược lại những điều đó thì là trái, là trốn đời, là yếm thế…
Đi tu là đi trên con đường sáng, là biết mình đang khổ (vì mình từng gieo nhân khổ sở, nay hái quả, gặt trái) để rồi thong dong nhìn nó, chào nó, sống chung với nó. Rồi thì mọi khổ-đau cũng qua đi, qua đi như vô lượng kiếp mình từng đi qua những miền sanh tử, khổ đau vậy đó. Chỉ có điều, bây giờ mình chọn con đường tu, mình biết khổ và chuyển hóa bằng cách lắng nghe nỗi khổ, hiểu, ôm ấp, thương nỗi khổ của mình, của nhân thế thì mình đã gieo vào mảnh vườn tâm mình những hạt giống lành cho “cây bi-trí nở hoa”.
Cứ thế mà đi, mà phát nguyện vượt thoát ngôi nhà lửa, ngôi nhà được làm bằng cốt thép Tham, gạch ngói Sân và xi măng Si thì mình có thể tự tin để khẳng định với má, với anh, với chị, với sư chị, sư em rằng: Con vẫn muốn tu nữa/ Em vẫn muốn đi tu/ Anh vẫn muốn xuất gia…
Ờ, hiểu như thế cũng có nghĩa là mình hiểu được rằng: đi tu hay xuất gia chính là rời khỏi ngôi nhà ngũ uẩn, rời khỏi ngôi nhà tham-sân-si chứ không phải chỉ là hình thức xa cha, xa mẹ vào chùa ở mà thôi!