Rủ nhau “vác” gạch cung tiến xây dựng chùa

Bắt đầu từ mùa lễ hội đầu năm nay, đã có hàng ngàn lượt người dân và du khách thập phương hành hương cùng nhau “vác gạch” vượt sông, leo núi để cung tiến tu bổ xây dựng chùa Lôi Âm nằm trên địa bàn xã Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Chùa Lôi Âm tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi cao trên 350m, tương truyền được xây dựng vào thời Trần. Theo như truyền thuyết được truyền miệng từ đời này qua đời khác thì mảnh đất này xưa kia là một mảnh đất linh thiêng. Nhiều cụ bô lão trong vùng còn kể lại rằng: vùng núi cao trùng điệp này xưa vốn nhiều lũ yêu ma ẩn náu và lộng hành. Chúng thường xuyên quấy nhiễu, cướp bóc và hãm hại người dân khiến cho dân chúng kinh hãi mà phải bỏ quê quán đi tha phương cầu thực.

Khi những ngôi làng lân cận đã vãn người, hầu hết chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ yếu sức không kịp chạy, lũ yêu ma bèn bắt giữ cầm tù tất cả dân làng làm nô lệ.

Năm tháng trôi qua, trong đó, có một cậu bé mồ côi cha mẹ đã dần trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Chứng kiến cảnh yêu ma lộng hành, chàng trai bèn trốn thoát hành hương nhiều năm ròng cuối cùng cũng gặp được đức Phật.

Đức Phật ban cho chàng trai một hộp gỗ, dặn khi nào về đến quê nhà đợi đúng giữa đêm khuya khi yêu ma lộng hành hãy mở hộp ra. Như lời dặn của Đức Phật, chàng trai hành hương về quê nhà, tập hợp tất cả người dân trong làng đợi đúng thời khắc giữa đêm và mở hộp.

Khi nắp hộp vừa mở ra, một mùi hương trầm lan tỏa khắp nơi nơi cùng với đó là tiếng tụng kinh niệm Phật vang xa văng cẳng khắp núi rừng. Lũ yêu ma kinh hãi hú hét bỏ chạy toán loạn.

Từ đó, nơi đây trở nên thái bình. Cứ vào giữa đêm, mùi hương trầm và tiếng tụng kinh niệm Phật lại âm vang khắp núi rừng. Thấy vậy, nhân dân trong vùng cùng nhau lập lên một ngôi chùa thờ Phật tại đỉnh ngọn núi cao nơi chàng trai mở hộp Phật gọi là chùa Lôi Âm.

Theo sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, vua Trần Nhân Tông cùng các đại sư Pháp Loa, Huyền Quang, những nhà sáng lập Thiền phái Trúc Lâm trong Đạo Phật Việt Nam đã từng đến giảng kinh ở đây vào thời Trần, cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV.

Hiện nay, chùa đang được xây dựng lại từ các phế tích. Đặc biệt năm 1975, Hồ Yên Lập ngay dưới chân núi được hình thành do nước đổ vào từ sông Míp và sông Vạn Nho với diện tích hồ rộng đến 18.376ha có những hòn đảo có hình thù lạ như đảo Cua, đảo Bàn Tay giữa lòng hồ tạo nên một cảnh trí như chốn Bồng Lai  khi hành hương lễ Phật chùa Lôi Âm.

Du khách cõng gạch “tích phúc” dựng chùa thiêng

Muốn đến chùa Lôi Âm, du khách sẽ vượt qua lòng hồ Yên Lập rộng mênh mông, nước trong xanh biêng biếc bằng xuồng máy của nhà chùa hoặc xuồng máy của các hộ dân ven hồ.

Chùa tọa lạc trên đỉnh ngọn núi cao giữa những cánh rừng thông cổ thụ bạt ngàn. Quãng đường leo núi lên chùa gần 4km là một lỗi mòn đã nhẵn vết chân hàng triệu khách hành hương trong suốt mấy trăm năm dựng chùa.

Trải qua bao thăng trầm biến động của thời gian, chùa Lôi Âm đã xuống cấp trầm trọng và đang được trùng tu xây dựng. Nhiều năm trở lại đây, như đã thành một thông lệ, bất cứ du khách và Phật tử lên lễ chùa đều “cõng gạch” góp phần “tích phúc” dựng lại chùa Lôi Âm.

Gạch xây chùa hoặc được các Phật tử mua sẵn để dưới chân núi đã buộc sẵn hai, ba viên một túm để phật tử và du khách tùy theo sức của mình “cõng” theo lên chùa trên đường hành hương.

Nhiều du khách định hành hương lên chùa Lôi Âm đã chuẩn bị gạch “tích phúc” từ nhà để mang lên đỉnh núi góp xây chùa.

Chị Nguyễn Thị Khiêm Nhu – Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa “cõng” gạch vừa chia sẻ: “Góp gạch “tích phúc” xây chùa Lôi Âm đã trở thành một nghĩa cử đẹp và ý nghĩa của những phật tử và du khách thành tâm hướng thiện. Dù chỉ là những viên gạch nhỏ bé nhưng mang được lên đỉnh núi giúp nhà chùa, chúng tôi cũng thấy lòng thảnh thơi nhiều”.

Các bạn trẻ là những người nhiệt tình nhất trong việc “cõng” gạch tích phúc. Nhiều bạn quan niệm rằng cả hai người yêu nhau mà cùng chung tay mang gạch lên chùa Lôi Âm được được ba lần nhất định sẽ được Đức Phật phù hộ hạnh phúc trăm năm.

Ngự trên đỉnh núi, một vùng đất bằng phẳng và rộng rãi, tòa chính điện chùa Lôi Âm khang trang đã được xây dựng từ chính những viên gạch “tích phú”. Đặc biệt, lên chùa Lôi Âm, du khách không thể không qua chùa Hang nằm tiếp ngay sau chùa chứng 500m dưới một tảng đá lớn chênh vênh mà vững chãi bên sườn núi.

Trao đổi với PV, ông Phạm Quốc Uy – Chủ tịch UBND phường Đại Yên cho biết: “Di tích Chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập là cụm di tích đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo nên việc du khách “cõng gạch” lên chùa để tôn tạo là những hành động rất đẹp và có ý nghĩa. Lễ hội chùa Lôi Âm chính thức diễn ra vào 27 tháng Giêng hàng năm. Nhưng từ tết đến nay, dù chưa đến ngày khai mạc chính hội đã có đến hơn 30 nghìn lượt du khách thăm chùa.

Chúng tôi đã cũng đã triển khai tất cả các ban ngành để đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực di tích. Đặc biệt, khu rừng thông quanh di tích là rừng đầu nguồn với những cây thông cổ thụ từ thời Pháp thuộc hàng trăm năm tuổi rất quý giá dễ phát sinh nguy cơ cháy rừng. Chúng tôi đã đặt các biển cảnh báo và yêu cầu các hộ kinh doanh ven đường lên chùa cam kết chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra cháy rừng đảm bảo cho mùa lễ hội năm nay an toàn và thành công
”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày