GNO - Nhét tiền, sờ tượng Phật ở chùa Bái Đính; chen lấn, rải tiền trên mái chùa Đồng Yên Tử; tranh lộc, ném tiền, rải gạo, đánh bài, nói tục, thậm chí xô xát cãi vã của người dân tại chùa Hương... những hình ảnh thiếu văn hóa ấy lại xuất hiện khá nhiều trên các tờ báo lớn trong những ngày vừa qua. Đó không phải là câu chuyện mới và cũng không phải là vấn đề riêng của một số ngôi chùa kể trên. Nó đã trở thành vấn nạn chung của xã hội. Ở đâu có du lịch văn hóa tâm linh, ở đó ít nhiều vẫn còn những hình ảnh xấu xí này.
Cảnh tượng bát nháo mùa lễ hội như vậy, sao có bình an đây? - Ảnh: TTO
Cứ mỗi khi Tết đến xuân về, du khách nói chung và Phật tử nói riêng lại có dịp hành hương lễ Phật, tham gia các lễ hội với mong ước cầu an, cầu may cho cả năm. Đó không chỉ là niềm tin tôn giáo mà nó đã trở thành một nét văn hóa trong tâm thức mỗi người Việt Nam chúng ta.
Song, hòa lẫn trong không khí thiêng liêng ấy là những thói quen xấu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng của những nét văn hóa đó. Đáng buồn thay, dù đã có những bài viết phản ánh vấn đề trên nhưng dường như năm nào tình trạng này cũng tái diễn.
Những ngày đầu năm, hình ảnh tiền lẻ được rải trên tượng Phật dường như đã không còn xa lạ với rất nhiều người. Rải tiền cho Phật như một cách mua bán, đổi chác để nhận lại phước lộc cho mình. Điều này đi ngược lại với quan điểm của nhà Phật. Chúng ta nên nhớ rằng, Phật không nhận tiền bạc để gia hộ cho bất cứ ai. Và việc sờ tượng Phật, xoa tiền vào chuông đồng cũng không thể giúp người ta nhận được may mắn, bình an như nhiều người vẫn nghĩ. Việc rải gạo, muối lại càng không đem lại lợi ích gì ngoài việc lãng phí nguồn thực phẩm và tăng thêm gánh nặng môi trường.
Cuộc sống luôn xoay vần bên hai chữ nhân quả. Làm thiện tích phước, làm ác nhận quả. Không một ai có thể giúp mình ngoại trừ mình. Tham, sân, si còn trong những tờ tiền đó, còn trong tâm ta đó thì làm sao có thể xây tháp phước lành cho bản thân?
Việc thứ hai là sự chen lấn dâng hương và tranh giành, cướp lộc trong các lễ hội. Sự chen lấn, tranh giành, thậm chí là dùng bạo lực là sự thể hiện rõ nhất của tính tham lam trong mỗi con người. Người ta tranh nhau chỉ để bản thân mình sở hữu được cái may mắn, cái tài lộc. Tâm không tịnh, nghĩ sai, làm sai thì chắc chắn rằng, quả ngọt sẽ không có trong vườn công đức. Đó là còn chưa kể đến những việc làm này còn tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản cá nhân của mỗi người.
Xót xa hơn, những hành động phản cảm như vô tư cười nói, chơi bài, viết vẽ lên cây trái trong chùa, nói tục, xô xát lại được người ta thản nhiên thực hiện. Không chỉ riêng khu vực đền chùa mà ngay cả những nơi công cộng, khu vui chơi, địa điểm du lịch nói chung thì những hành động trên cũng đáng bị lên án. Ứng xử với môi trường, với con người xung quanh thiếu văn hóa như vậy thì còn đâu một chút tâm thành?
Suy cho cùng, việc lên chùa cầu tài lộc, an yên, thậm chí cúng sao giải hạn cũng chỉ là cách để người ta cảm thấy an tâm hơn trước cái gọi là số mệnh. Tuy nhiên, số mệnh mỗi người là do tự thân họ nắm bắt, không có vị thần linh hoặc một sức mạnh siêu nhiên nào có thể thay đổi quy luật nhân quả. Như đã nói, làm việc thiện ắt có quả lành, làm ác sẽ nhận quả đắng. Giữ tâm thanh tịnh, nghĩ điều hay, làm việc tốt sẽ có phước báo. Thấy người gặp nạn không giúp đỡ, thấy việc tốt không làm, nói lời cay độc, làm việc phương hại đến người khác,... thì dù có cầu cúng vạn lần cũng không thoát khỏi hai chữ nhân quả.
***
Để có thể “đem xuân về với tâm mình”, ngoại trừ việc nâng cao tri thức, mỗi người cần thực tập dần những thói quen tốt, bài trừ những thói quen xấu và loại bỏ dần những suy nghĩ không đúng ra khỏi tâm mình. Hãy thực tập những thói quen tốt từ những việc nhỏ nhất. Ra đường, thấy hòn đá trên lối đi chung thì nên dời chỗ khác, tránh để người khác vấp phải. Lên xe buýt, nên nhường ghế cho người già, người khuyết tật,... Dừng đèn đỏ, đừng cố chen lấn lên trước.
Trong gia đình phải kính trên nhường dưới, hiếu kính với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em. Với họ hàng, hàng xóm láng giềng nên thường hỏi han, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Với mọi người xung quanh, sống chân thành và không vì lợi mình mà hại người. Sống phải biết yêu thương, quý trọng vạn vật quanh mình.
Bên cạnh đó, muốn bỏ đi những cái xấu trong thân, khẩu, ý thì bản thân mỗi người phải tự nhận thức cái đúng, sai trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Thấy người khác làm sai thì nhẹ nhàng nhắc nhở và không bao giờ được làm việc đó, dù là những việc nhỏ nhặt. Trẩy hội, lễ chùa, chớ thấy người khác chen lấn cướp lộc, dâng hương, rải tiền mà làm theo. Tới nơi công cộng không được vứt rác bừa bãi. Phàm việc gì cũng nên suy nghĩ, cân nhắc trước khi nói và làm, không hùa theo đám đông nếu việc đó là sai.
Khi loại bỏ những tạp niệm, loại bỏ tham sân si, thân tâm ắt sẽ an lạc, con người ta sẽ bình thản hơn khi đối mặt với cuộc đời này. Tâm bình thì thân an, mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn nhờ việc bình tâm suy xét, giải quyết công việc và sắp xếp, cân bằng các mối quan hệ trong cuộc sống. Được như vậy, xuân sẽ vẹn tròn, bốn mùa đều sẽ an vui.
Tâm Thanh
_______________
* Bạn đọc có ý kiến gì về hiện tượng xấu xí tồn tại bao năm qua, đến hẹn lại lên này? Xin mời gửi về: toasoan@giacngo.vn. Trân trọng!