Và từ Hiền tăng, chúng ta miên mật tiến tu, từng bước chứng được Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm và Tứ quả của Sa-môn là Thánh tăng A-la-hán. Vì vậy, người xuất gia phải tối thiểu chứng Sơ quả; nếu không, thì còn buồn, giận, lo, sợ, tức còn kẹt phiền não, trần lao, nghiệp chướng là phạm tội phá pháp, một điều tối kỵ đối với người xuất gia.
Phải khẳng định rằng trên bước đường tu, phải đạt được Sơ quả đầu tiên là thềm thang căn bản vững chãi giúp chúng ta tiến tu nhẹ nhàng, chắc chắn lên Thánh tăng. Thật vậy, vì Sơ quả Tu-đà-hoàn là Dự lưu nhập vào dòng Thánh, hay dòng thác trí tuệ của Như Lai. Còn chưa vào dòng trí tuệ của Như Lai thì chúng ta luôn hiểu thế này, thế nọ theo nghiệp chướng của mình. Tu hành mà không vào hàng Hiền thánh, chúng ta là Sa-môn thường chấp vào cái được là kiến thức, hiểu biết nào đó nhưng chỉ là phiền não thôi. Kinh Pháp hoa gọi đây là tăng thượng mạn Thanh văn.
Như đã nói, bốn quả của Thanh văn là Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả. Nhưng Trí Giả đại sư của Thiên Thai tông chia bốn quả Thanh văn khác với cách trên. Theo ngài, trong hàng Thanh văn có bốn hạng là tăng thượng mạn Thanh văn, thị hiện Thanh văn, thoái chuyển Thanh văn và thú tịch Thanh văn.
Thị hiện Thanh văn thực sự là Phật, Bồ-tát, nhưng các ngài hiện thân vào hàng Thanh văn. Điển hình là Đức Thích Ca thiệt là Phật nhưng Ngài hiện thân lại cuộc đời, Ngài mang thân tứ đại, vẫn là Sa-môn xuất gia, tu hành. Ngoại đạo cũng gọi Ngài là Sa-môn. Nhưng với pháp nhãn của bậc Thánh thì hình thức bên ngoài của Đức Thích Ca là Sa-môn, còn cốt lõi bên trong Ngài đã là Phật.
Chúng ta tập nhìn người theo Phật, không phải chỉ có thân hữu hình bề ngoài, nhưng quan trọng là con người thực bên trong quyết định. Kinh Pháp hoa nói ý này rằng Đức Thích Ca là Bồ-tát đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác, vì thương nhân gian mà sanh lại. Vì thế, ở quốc độ nào có Thanh văn thị hiện, tức Phật thị hiện thì nơi đó được an vui, hòa hợp, phát triển… Thực tế chứng minh rằng xứ Ấn Độ trước khi Phật ra đời cũng có Sa-môn. Nhưng phải đến khi Phật Thích Ca hiện hữu, khoác áo Sa-môn mà thực sự Ngài là Phật thị hiện làm Thanh văn để giáo hóa độ sanh, thì Ngài đã thay đổi nhiều quan niệm tiêu cực của đất nước này trở nên tốt đẹp mà không ai có thể làm được.
Muốn có cái nhìn chính xác về một thầy tu từ bề ngoài Tăng tướng phải thấy được trí tuệ bên trong và tâm từ bi của họ. Quán sát như vậy, chúng ta nhìn về chiều sâu bên trong thấy Phật có hai đặc tính nổi bật là từ bi và trí tuệ. Đức Phật cũng là người nhưng Ngài tới đâu thì chỗ đó được an vui, hết phiền não.
Kinh Pháp hoa nói lý này rằng chỗ nào có hành giả Pháp hoa chỗ đó không có tai họa, được an vui. Chúng ta tụng kinh Pháp hoa cứ tưởng mình là hành giả Pháp hoa, nhưng không mang an lành đến cho người thì không phải là hành giả Pháp hoa. Đức Phật là hành giả Pháp hoa kiểu mẫu, bước chân hành đạo của Ngài đến thành Xá Vệ, Tỳ Da Ly, Vương Xá…, thì đức hạnh từ bi của Ngài khiến cho cuộc sống nơi đó được an lạc, xua tan cả dịch bệnh.
Đặc tính thứ hai của Đức Phật là việc nào Ngài cũng làm được. Nói chính xác Phật có mười hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn, nghĩa là Ngài làm được tất cả mọi việc khó nhất mà không ai làm nổi. Còn hàng Nhị thừa A-la-hán thấy biết nhưng chưa làm được. Vì vậy, việc quan trọng của chúng ta tu hành là phải thấy, phải biết đúng đắn. Chúng ta chưa thấy, chưa biết coi như chúng ta chưa có gì.
Chúng ta phải thấy thật tướng các pháp, thấy rõ sự thật xảy ra trên cuộc đời. Đầu tiên, chúng ta điều người, thấy hình tướng bên ngoài của họ cho đến diễn biến tâm lý bên trong, tức thấy rõ nghiệp của họ, họ làm được gì, không làm được gì…
Không thấy, không biết con người thực bên trong, thí dụ nuôi đứa bé, cho cạo đầu xuất gia mà không thấy tánh, nghiệp bên trong của nó khiến bị nó hại mất mạng. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện thứ hai, Đức Phật nói phải thấy chính xác sự việc theo Thập như thị là cái thấy qua mười lăng kính: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.
Các thầy cô nên nhớ rằng độ người không dễ. Họ có duyên với mình mới độ được. Trên thực tế, những người tu hành có tầm nhìn thường chỉ độ người có duyên mà thôi. Thấy người giàu, người tốt, người giỏi, người có quyền thế thì muốn nhờ cậy, nhưng người không có duyên với mình, chắc chắn không thể nhờ được.
Lịch sử cho thấy rõ lý này, đó là sư Lý Khánh Vân độ Lý Công Uẩn xuất gia, nhưng ông này vô chùa phá tàn mạt. Sư Vạn Hạnh thấy biết ông này có duyên với ngài, mới nói để ngài độ cho. Vì Vạn Hạnh thấy rõ khả năng của Lý Công Uẩn có thể làm vua và làm được nhiều việc tốt cho đạo pháp, lợi ích cho đất nước, chứ không có căn tánh làm sư. Ngài đã giáo dưỡng ông trở thành vị minh quân, trong khi Lý Khánh Vân không có tầm nhìn sáng như vậy, chỉ muốn ông làm sư mà nào ông có thích tụng kinh, bái sám đâu.
Xưa kia, Đức Phật vào làng khất thực không phải vì đói mà xin ăn, nhưng Ngài tìm người có duyên để độ, không phải ai Phật cũng độ được. Trong ba điều Phật không làm được là Phật không thể độ người không có duyên với Ngài. Theo kinh Pháp hoa, phẩm Thí dụ, những người có duyên với Phật là họ đã từng trồng căn lành ở chư Phật quá khứ. Vì thế, chỉ cần người khai ngộ là họ phát tâm tu hành. Và tiêu biểu là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát gọi là hàng Tam thừa được độ thoát.
Nói chính xác, chỉ có con đường duy nhất xuyên suốt tu Thanh văn, tiến lên Duyên giác và Bồ-tát, họ ở thế gian nhưng có tâm nhàm chán cõi tạm bợ này, muốn ra khỏi sáu đường sinh tử luân hồi mới được Phật độ thoát. Những người còn ham muốn dù là nhân thừa và thiên thừa cũng thuộc Phật thừa, nhưng họ cũng ở trong sinh tử. Người còn ham muốn là còn ham mê năm món dục thì sau khi chết, họ còn bị sợi dây sinh tử luân hồi trói chặt. Tu hành theo Phật, muốn đạt Sơ quả phải vượt qua sự chi phối của ngũ dục là ăn ngủ, tiền của, danh vọng, địa vị, sắc đẹp.
Chúng ta xuất gia không muốn tất cả mọi thứ, không muốn có bằng cấp, không muốn làm trụ trì, không muốn làm chức vụ nào cả. Riêng tôi, từ khi khoác áo Sa-môn cho đến ngày nay, Phật tử thường hỏi thầy muốn gì để con cúng dường. Tôi nói không cần là không muốn gì, có gì ăn đó. Tập làm Sa-môn thì phải sống như vậy. Còn muốn thì mình sợ bị đọa.
Ngoài ra, làm Sa-môn không kẹt tình cảm. Tôi thường nghe các trụ trì than rằng làm trụ trì là làm dâu trăm họ, phải làm vừa lòng nhiều người. Tôi tập tu theo Phật, không làm vừa lòng ai nhưng được lòng tất cả. Vì vậy, bây giờ có nhiều người muốn gặp tôi, nhưng tôi không gặp ai, vì gặp người này, không gặp người khác là có vấn đề. Với tôi, mọi việc tùy nhân duyên.
Việc của Giáo hội muốn tôi làm là Tăng sai, tức ý của tập thể, đại diện là Hòa thượng Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự yêu cầu tôi làm Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thêm một thời gian nữa, nên tôi phải làm. Trong khi thực sự tôi có trách nhiệm phải lo cho Tăng Ni cả nước, chứ không riêng gì Tăng Ni Học viện này. Tăng sai mà không làm là thiếu trách nhiệm. Nhưng Tăng không sai mà mình muốn làm là tham vọng, phát sinh phiền não.
Ta không vì quyền lợi nào trên cuộc đời này, nhưng phải làm để Phật pháp trường tồn lợi lạc cho nhiều người. Thực lòng mà nói, với tôi, còn ở trong sinh tử luân hồi là điều nguy hiểm vô cùng, rất đáng lo sợ.
Vì vậy, tu hành đầu tiên phải thành tựu pháp Không, vô tác, vô nguyện, chúng ta sẽ có được Niết-bàn. Tôi thực tập pháp quán Không, thấy mình thoát khỏi thân ngũ uẩn, rớt vô biển Không, có điều lạ là thấy tất cả đều Không, núi không còn là núi, mình cũng không có. Nói thì dễ nhưng thực hành vô cùng vất vả để chứng được Niết-bàn giải thoát.
Tôi gặp một thiền sư nói rằng khi mình quán Không, rớt vô chỗ Không rồi, thì đó là dùng thức, tức hiểu biết của mình để quán Không. Chỗ này được Trí Giả dạy rằng coi chừng lọt vô thế giới ma. Một là rớt vô ngũ ấm ma mà tưởng ấm ma và thức ấm ma rất quan trọng. Vì vậy, rớt vô cảnh giới Không nhưng từ Không hiện có. Không này do thức phát sinh. Tu hành chưa thoát được thức thì thức này hiện đủ thứ. Thức ấm ma hiện nghĩa là tiềm thức của mình đã chứa đủ thứ, những gì có trong thức sẽ hiện ra. Thí dụ tôi sanh trong vùng chiến tranh, nên tiềm thức của tôi đã có cảnh chết chóc, tù đày. Do đó, khi rớt vô Không là thức ấm ma thì những cảnh này hiện ra.
Trí Giả bảo phải sám hối cho sạch ngũ ấm ma. Ngũ ấm ma của Phật là gì? Là từ khi Phật mang thân ngũ ấm thì nó có. Còn chúng ta từ vô thủy kiếp đã có ngũ ấm ma. Chính vì vậy mà Phật chỉ cần một đêm thiền định thì Ngài xóa sạch ngũ ấm ma.
Chúng ta tu, trong tâm, trong thức có đầy đủ mọi thứ. Riêng tôi lạy Hồng danh sám hối để đưa Phật vào tâm, loại bỏ tất cả ma này thì ảo ảnh biến mất, không còn ma này hiện ra. Lúc đó vào định, mình chỉ thấy màu sắc đen, vàng, trắng hiện ra là nhờ công phu tu tập tụng kinh hàng ngày. Tuy Phật và kinh dù là ảo ảnh không thực nhưng đã có sẵn trong tiềm thức mình do tu tập thì những cái này xuất hiện. Như tôi chuyên tụng kinh Pháp hoa, ngồi thiền thì ảo ảnh này hiện.
Vì vậy, Bổn môn Pháp hoa phần đầu là danh hiệu Phật, Bồ-tát, tôi thấy trong tiềm thức, tức thấy trong giấc mơ. Trước kia, chưa đem Phật vô tâm, ngủ chỉ thấy chiến tranh. Nhưng nay thì chỉ thấy Phật, Bồ-tát hiện ra. Tất cả Phật và Bồ-tát mà tôi thấy trong giấc mơ, tôi ghi chép lại. Tôi không tụng kinh Pháp hoa nữa, nhưng tụng danh hiệu Phật, Bồ-tát thì có Phật, Bồ-tát và cảnh giới của các ngài hiện ra là tôi bắt đầu sống với tâm thức hơn là sống với thế giới vật chất.
Ở giai đoạn đầu, thấy biết của tôi do cảm tính là Phật, Bồ-tát, chư thiên báo mộng. Trong giấc mơ, tôi thấy Phật hộ niệm, chỉ định tôi làm trường ở đây, nhưng tỉnh giấc mơ thì thấy khu này là rừng hoang. Theo tôi, mơ và thực song song gắn kết với nhau, tuy là giấc mơ nhưng vẫn có thực trong cuộc sống. Vì vậy, trên bước đường tu của tôi, mơ là thực. Tuy nhiên, có người mơ, nhưng đó chỉ là ảo ảnh, nên thực tế mất hết, không phải như giấc mơ thấy. Người bạn đồng tu với tôi mơ có một chỗ ở để tu, nhưng không được Phật hộ niệm, nên suốt đời long đong lận đận cũng chưa có được chỗ dung thân.
Tôi nhớ lại thuở nhỏ học về Thiên Thai tông, Tổ Thiên Thai là Trí Giả đại sư đến Ngọc Tuyền tu, ở đó có dòng suối trong rất đẹp nên có tên gọi như vậy. Ngài dựa vào vách đá tu thiền và trong thiền định, ngài thấy chỗ ngài ngồi thiền xuất hiện ngôi đại già-lam có Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền đến ngự. Đến khi ngài xả thiền, ảo ảnh này biến mất. Nhưng thực tế ít lâu sau, khi Tùy Dạng Đế lên ngôi, ông tới Ngọc Tuyền đảnh lễ Trí Giả, xin thọ Bồ-tát giới và xin xây dựng ngôi chùa ở đây. Như vậy, tuy chùa chưa có, nhưng Tổ Thiền Thai đã thấy có chùa.
Ngược lại, ở Việt Nam, khi Tổ Phật Ý ở tổ đình Từ Ân được Nhà nước bảo hộ, nhưng ngài vào thiền định thấy ngôi chùa sắc tứ này biến mất. Ngài liền gọi Tổ Viên Quang đến bảo rằng vận mạng của ngôi chùa này sắp hết, ông lên gò đất mà người ta cúng cho tôi, ở đó tu sẽ gìn giữ được mạng mạch Phật pháp. Quả đúng như lời Tổ nói, khi Pháp chiếm Sài Gòn, họ đã phá hủy ngôi chùa sắc tứ Từ Ân và trên gò đất mà Tổ dạy ngài Viên Quang làm chùa đã trở thành tổ đình Giác Lâm một thời nơi đây Phật giáo phía Nam đã phát triển rất mạnh. Như vậy, chùa đã có nhưng Tổ thấy không còn chùa.
Có thể khẳng định cái thấy của người tu đắc đạo thấy được sự thật của sự vật, hoàn toàn khác với cái thấy hạn hẹp, cái thấy không đúng của phàm phu.
Thấy rõ cái lý này và kiểm chứng với thực tế tu hành, tôi xác định rằng những gì có trong giấc mơ và thực tế cũng xảy ra đúng như giấc mơ thì điều mơ ước đó đúng. Còn thực tế không đúng như mơ là vọng tưởng thôi.
Như Phật dạy, một việc phải được quán sát đủ theo mười như thị thì thấy đúng sự thật. Chúng ta cố gắng thấy đúng như vậy thì làm không sai. Còn chúng ta nghĩ như vầy nhưng thực tế không đúng với cái chúng ta nghĩ thì sanh phiền não.
Tóm lại, Phật khuyên chúng ta phải vô dòng thác trí tuệ của Phật để chúng ta nương vào trí tuệ Phật giúp chúng ta tự sáng mà bình thường chúng ta không thấy, không biết. Vì vậy, học giáo lý, chúng ta suy nghĩ, sử dụng, từng bước chứng được Sơ quả Dự lưu thấy sự thật, nhờ ở thiền định được Phật, Bồ-tát hộ niệm thì trở ra thực tế cuộc sống, có Bồ-tát xuất gia, tại gia hỗ trợ.
Riêng tôi, việc xây dựng và điều hành Học viện này do Phật sai tôi làm, nên các ngài hộ niệm. Hàng ngày tôi lạy nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na-do-tha Bồ-tát lai thính Pháp hoa kinh và lục vạn hằng hà sa Bồ-tát Tùng địa dũng xuất, nên tôi được hai thế lực Bồ-tát này ủng hộ. Thực tế, gần nhất là người có thế lực ở nhân gian ủng hộ, Phật tử cúng dường và chính quyền giúp đỡ. Tôi biết các Bồ-tát ở hội Pháp hoa đã khiến họ đến hỗ trợ. Nói cách khác, Bồ-tát nhân gian gắn liền với Bồ-tát mười phương.
Có sư cô nói Hòa thượng dạy con cách tập hợp quần chúng. Tôi không biết, không kêu, tự họ tới. Tôi chỉ nguyện người có duyên thì Phật khiến họ tới.
Bồ-tát lai thính Pháp hoa kinh mình thấy, mình biết và họ giúp mình. Còn lục vạn hằng hà sa Bồ-tát Tùng địa dũng xuất là những người giúp mình mà mình không biết, không kiểm soát được, nhưng những Bồ-tát này mới thực sự quan trọng và gắn bó lâu dài.
Trên bước đường tu, cố gắng thực tập pháp Phật, đúng như pháp tu hành sẽ có được sự thấy biết trong thiền định vượt ngoài thấy biết hữu hạn của kiến thức thế gian. Và thể hiện được sự thấy biết đúng như thật trong thực tế cuộc sống làm lợi lạc cho nhiều người cùng thắp sáng Chánh pháp trên nhân gian này.