Tâm thư một Phật tử: “Xin đừng phân biệt tông phái…”

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Con thấy hiện nay một bộ phận Phật tử (xuất gia lẫn tại gia) cực đoan bài xích, đả phá niềm tin và phương pháp tu tập khác với niềm tin và phương pháp tu tập của mình, dù đều là người tu học Phật.

Kính thưa quý tôn đức và quý thiện tri thức,

Theo con nghĩ, dù là Nguyên thủy (Nam tông), Phát triển (Bắc tông), Khất sĩ đều cùng là thành phần của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo như một cái cây có đủ gốc, thân và cành lá. Đó là quy luật hình thành và phát triển. Theo thời gian, mấy ngàn năm du nhập và tiếp biến văn hóa từng khu vực, quốc gia, vùng miền, những nơi Phật giáo đi qua, đã làm cho Phật giáo phát triển và trở nên phong phú hơn, đặc sắc hơn, đáp ứng được nhu cầu số đông và nhu cầu thời đại.

Chỉ có gốc mà không có thân, cành lá thì không là cái cây hoàn chỉnh. Nhưng làm sao một gốc cây còn nhựa sống mà không phát triển ra thân, lá cành?. Theo quy luật Duyên sinh, Vô thường mà trải qua mấy ngàn năm Phật giáo không hề thay đổi diện mạo là điều không thể có!

Con nghĩ chúng ta phải chấp nhận sự biến đổi vì đó là một quy luật tất yếu, điều quan trọng là làm sao đừng để bị tha hóa hoàn toàn.

Cần có sự tôn trọng sự khác biệt giữa các hệ phái, các truyền thống tu học và văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, có tinh thần tôn trọng sự khác biệt mới có thể hòa hợp. không nên phân biệt, kỳ thị vì đây là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, thù nghịch, chiến tranh.

Quan niệm cố chấp, cực đoan (thiên kiến, kiến thủ) thường dẫn đến bất mãn, chia rẽ, đối nghịch và những hành động mù quáng sai lầm vốn là chướng ngại của an lạc giải thoát và từ bi, trí tuệ. Thay vì giải thoát khỏi ràng buộc (kiết sử), chấp thủ thì lại cột trói mình chặt thêm; thay vì an lạc thì lại tạo ra khổ não.

Đứng trên lập trường quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy mà đánh giá, phán xét Phật giáo Phát triển hoặc ngược lại, việc làm này không hợp lý, thật hết sức khiêng cưỡng, khập khiễng!

Giữa các truyền thống tu học cũng vậy, không thể cứ khăng khăng khẳng định đây là con đường duy nhất, đây là pháp môn tối thượng, đây là chân lý, những cái còn là là sai, là phi chân lý, là mạo xưng, mạo nhận. Điều này chẳng khác nào bác sĩ Đông y và bác sĩ Tây y tranh cãi nhau phương pháp về điều trị, ai cũng cho mình là đúng. Lập trường quan điểm của Tây y và Đông y khác nhau nhưng hiệu quả điều trị của mỗi bên đều có ưu có khuyết.

Con thấy hiện nay một bộ phận Phật tử (xuất gia lẫn tại gia) cực đoan bài xích, đả phá niềm tin và phương pháp tu tập khác với niềm tin và phương pháp tu tập của mình, dù đều là người tu học Phật. Nhiều vị tu học theo truyền thống Nguyên thủy cho mình là đạo Phật gốc, cực lực phê phán, chỉ trích niềm tin, giáo lý, pháp môn tu học của người theo Phật giáo Phát triển, cho Phật giáo Phát triển là Bà-la-môn giáo, là mê tín dị đoan, là tu sai, u mê, hoang tưởng v.v.. Vì thiên kiến, cố chấp mà có những lời nói, hành xử thiếu thận trọng, thiếu từ bi và hiểu biết dẫn đến khổ não cho nhiều người, gây hoang mang, chia rẽ, bất mãn trong giới Phật tử.

Một số vị (xuất gia lẫn cư sĩ, Nguyên thủy lẫn Phát triển) mượn danh nghĩa phục hồi đạo Phật gốc đã quy chụp, gán ghép nhiều pháp môn tu tập, quan niệm tín ngưỡng và kinh điển Phật giáo Phát triển (Đại thừa) là sản phẩm của Trung Quốc.

(Thật sự thì tuy có kinh điển do Trung Quốc ngụy tạo nhưng không phải tất cả kinh điển Đại thừa đều do Trung Quốc tạo ra, và dù là ngụy kinh cũng bắt nguồn từ tư tưởng Phật giáo chính thống như Nhân quả, Luân hồi, Tái sinh, Vô thường, Vô ngã. Một số tín niệm của Phật giáo Đại thừa bắt nguồn từ Ấn Độ chứ không phải là Trung Quốc như nhiều người quy chụp, v.v...).

Con thấy đây là hành vi hết sức lệch lạc, không đúng với đạo đức, chuẩn mực Phật giáo. Người đệ tử Phật phải có tâm ngay thẳng (trực tâm), chơn chánh, không nên vì bất cứ mục đích gì mà xuyên tạc sự thật, phỉ báng giáo điển. Người đệ tử Phật phải có tâm lượng bao dung, có cái nhìn phóng khoáng, có nhận thức tích cực.

Càng sa đà mê muội hơn khi công kích, chỉ trích, phỉ báng các vị Tổ sư Trung Quốc, Phật giáo Trung Quốc và pháp môn truyền thừa của họ. Sự cực đoan hoang đường này có thể dẫn đến mối nguy hại là chia rẽ, mâu thuẫn, xung đột giữa các hệ tư tưởng, tông phái, truyền thống tu học, truyền thống tín ngưỡng, kể cả văn hóa.

Chân lý là chân lý của mọi người và trí tuệ thuộc quyền sở hữu của những ai sản sinh ra nó, những ai biết tìm kiếm, học tập, trau dồi, rèn luyện. Ai cũng có khả năng đạt được nếu biết tu tập, trưởng dưỡng, dù người đó thuộc thành phần nào trong xã hội, thuộc tầng lớp, giai cấp nào, thuộc quốc gia, chủng tộc nào.

Lòng từ bi và sự giáo hóa của Đức Phật không dành riêng cho người của bộ tộc Thích Ca, không dành riêng cho thành Ca-tỳ-la-vệ, không dành riêng cho đất nước Ấn Độ, mà dành cho tất cả chúng sanh. Hạnh nguyện cao đẹp của Ngài là mang lại an lạc hạnh phúc cho chúng sanh. Là đệ tử Phật sao lại gieo rắc phiền não khổ đau cho chúng sanh bằng sự phân biệt, kỳ thị?

Con ngưỡng mong Giáo hội có những động thái tích cực trong quản lý, giáo dục - đào tạo, hoằng pháp, quan tâm tạo khối đoàn kết, hòa hợp giữa các hệ phái, giữa các thành viên Giáo hội, giữa các ban ngành, tự viện và giữa các Phật tử trong ngôi nhà Phật giáo.

Kính mong!

Phật tử Phan Minh Đức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày