GN Xuân - HT.Thích Nhật Quang, trụ trì thiền viện Thường Chiếu, trong một lần giảng giải về Nghiêm huấn tùng lâm, với trọng tâm là những lời huấn thị của Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam, có kể câu chuyện rằng:
“... Một hôm, Thiền sư Huệ Nam và Thiền sư Văn Duyệt cùng đi hành cước, ngang vùng đó thấy một Tăng sĩ cũng đi hành cước. Vị ấy mang gánh đồ đạc quá nhiều, chẳng những mang gánh mà còn thuê người mang gánh phụ nữa. Thấy thế ngài Văn Duyệt quở, kẻ hành cước cần phải buông bỏ càng nhiều càng tốt, tại sao phải cưu mang cực khổ đến như vậy, làm sao học đạo?”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bên những trà cụ
Xuân Hạ Thu Đông trong bộ sưu tập của mình - Ảnh: H.Độ
Kể xong, Hòa thượng dạy: “Đây là một bài học cho chúng ta. Mình cũng thế, đã không chịu buông xả lại còn mang gánh thêm. Những vật dụng tầm thường, có cũng được không có cũng được thì buông bỏ bớt cho nhẹ gánh. Người ham thích chất chứa, sẽ nặng nề cho cái gánh của mình, cho bước du phương của mình. Càng chất nhiều càng nặng, không ích lợi chi hết. Người xưa dạy cái gì thực sự cần thiết thì dùng, cái gì không cần thiết thì ném quách cho xong. Nghĩ đến chuyện tu hành thì mạnh dạn bỏ đi, bố thí chia sớt cho người khác. Từ đó mình mới nhẹ nhàng, đúng như đạo lý đã học.
Đây là điểm nhỏ nhưng rất bổ ích cho cuộc sống chúng ta hiện nay. Thực sự mình giữ quá nhiều vật dụng không cần thiết. Nếu tâm vọng động dấy lên thì càng chồng chất những nhu cầu ấy. Người tu cần kiểm điểm lại cuộc sống của mình, dứt khoát buông bỏ những vật dụng không cần thiết. Giả dụ bây giờ mình có một bộ trà thời Càn Long, nghe nói tới năm bảy cây vàng. Phật tử thương mua cúng dường cho mình, nên ta quý bộ trà này. Chưng bày nó cũng thêm duyên dáng, rồi khuya khuya, trưa trưa châm trà uống gật gù như mấy ông tiên.
Song nếu ai chịu khó suy xét lại một chút xem thử bộ trà như thế có cần thiết đối với mình không? Chúng ta tu Phật chứ không phải tu tiên. Có một bộ trà quý, thích khoe với bạn hữu, cho nên ai đến thăm ngồi nhâm nhi một hai tiếng đồng hồ, thiệt là mất thì giờ. Chưa kể tới chuyện dặn dò đệ tử: “Tụi con nhớ nghe, bộ trà này quý lắm đó, năm bảy cây vàng lận. Cho nên phải giữ gìn cẩn thận, bể một cái là hết giá trị”. Hôm nào lỡ có đứa đệ tử vụt chạc, quăng bể cái chung thì tam bành lục tặc nổi lên. Chỉ là bộ trà thôi, mà dần dần dính mắc, xông ướp trong lòng mình, để cuối cùng bị đồng hóa với nó, thiêu rụi công phu tu hành bao nhiêu năm trời. Một bộ trà quỷ quái như thế thì giữ làm gì. Dẹp quách cho xong!”.
Từ lời giảng dạy của Thiền sư Huệ Nam và Hòa thượng Nhật Quang, đối với những người có thú sưu tập ấm trà suy nghĩ gì?
Thứ nhất, loại người thích mua ấm trà về trưng bày trong tủ ngắm nghía săm soi chứ không dám mang ra pha trà để uống hoặc mời khách. Nhóm thứ nhất có thể vui thú khoe khoang với mọi người về việc “biết chơi” ấm trà.
Loại người ở nhóm thứ nhất hầu hết không có trải nghiệm về uống trà, luyện ấm, giữ ấm, phát hiện ra những điều thú vị xoay quanh chiếc ấm mình đang dùng. Thiệt ra là chưa dùng đến mấy ngày hoặc chỉ uống vài lần lấy lệ!
Loại người thứ nhất, có thể đầu tư vài ấm trà để vài năm sau bán lại kiếm lời, hoặc để lại cho con cháu giống như cách để lại đồ cổ. Đây là nhóm sưu tập ấm thích hí luận, tán dóc, lãng phí thời gian và khoe khoang. Đặc biệt là tâm cố chấp, sân si, phiền não rất dễ bung ra khi có ai đó làm phật ý mình.
Thứ hai, loại người mua ấm trà về để dùng, sưu tập ấm theo từng chủ đề sơn thủy, mai lan cúc trúc, linh vật, tên tuổi nghệ nhân v.v...
Loại người thứ hai trưởng thành thú uống trà theo năm tháng. Đối với người chơi vì số đông, chơi a dua sẽ rơi vào trạng thái “mau ăn, chóng chán”.
Loại người thứ hai, chơi ấm và tự trải nghiệm với bản thân về thú vui uống trà sau khi ý thức việc lạm dụng rượu bia sẽ gây tác hại rất nhiều cho cơ thể. Bỏ bia rượu hoặc hạn chế thức uống có chất cồn nồng độ cao, chuyển dần qua uống trà là bước “sơ ngộ” ban đầu.
Loại người thứ hai, “tự chơi tự chứng”. Tự chứng là tìm ra nguồn vui chân thật từ việc uống trà. Uống trà, chơi ấm vì chính mình, không bị lôi cuốn theo đám đông. Uống trà là uống trà chứ không phải uống vì ấm xịn, đất xịn, ấm do nghệ nhân A, B, C chế tác.
Loại người thứ hai hay chia sẻ kinh nghiệm thưởng trà cùng với các trà hữu để từ đó mọi người cùng học hỏi lẫn nhau, có thêm những người bạn tốt trong quá trình đến với trà và ấm.
Thế giới ấm và trà là muôn hình vạn trạng. Duyên tốt hay duyên xấu là do chúng ta quyết định theo cách của mình. Để có buổi uống trà ngon, thi vị hoặc đạo vị bao giờ cũng cần có nhiều yếu tố tụ hội: (1) không gian thoáng đãng, thanh khiết, tĩnh lặng; (2) người trà chủ am hiểu về nước, trà, ấm dùng cho từng loại trà và cách pha ấm trà ngon; (3) những trà hữu am hiểu nhau, không trò chuyện huyên náo, không vọng động, tâm trạng bình an; và (4) không tê tê, say say khi thưởng trà.
Chiếc ấm trà cho dù rất quý giá, nó được làm từ những “đại sư” nhưng trà chủ không biết pha trà, không pha đúng loại trà thích hợp với ấm, không có không gian thưởng trà tương xứng với chiếc ấm quý, dùng nước chưa tương thích với trà, uống trà với tâm trạng bất an, thiếu bạn hiền thầy tốt cùng đối ẩm trà v.v... thì chưa thể gọi là buổi thưởng trà “thắm tình đạo vị”.
Người xưa từng nói “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm” cả bốn yếu tố này phải hòa quyện với nhau, không tách rời từng chi tiết được. Không có việc gì trong cuộc sống này mà không cần đến yếu tố nhân duyên, uống trà mà không có tinh thần “hòa, kính, thanh, tịnh” thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Vậy thì, “Uống trà đi” !