Tăng Ni dấn thân hoạt động dù còn nhiều khó khăn

GN - Xây dựng lại từ nền tảng ban đầu

Ngược về quá khứ, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có lịch sử Phật giáo lâu đời. Từ thời nhà Mạc, Phật giáo đã được xây dựng trong nền tảng hệ thống chính trị - văn hóa của xứ sở. Nhiều cơ sở chùa chiền cũng như tượng pháp, pháp khí Phật giáo đã được tạo dựng rất sớm, đánh dấu một giai đoạn lịch sử đặc trưng phân chia này. Do hoàn cảnh lịch sử, chư Tăng Ni hành đạo cũng dần vắng bóng. Đỉnh điểm là năm 1979 vị tu sĩ cuối cùng nơi đây cũng viên tịch. Từ năm 1979 đến năm 2006, Phật giáo Tuyên Quang vào “danh sách trắng”, là một giai đoạn gián đoạn vắng mặt Phật giáo.

tuyenquang.JPG


HT.Thích Gia Quang trao phái quy y đến các Phật tử tại Tuyên Quang

Cùng với các hoạt động thành lập Giáo hội cấp tỉnh vùng Tây Bắc của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang được thành lập ngày 24-12-2009 tại Quyết định số 196/QĐ/HĐTS-VP I của HĐTS GHPGVN và Văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Tuyên Quang số 2705/UBND-NC. Theo sự suy cử và phân công của TƯGH, HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư làm Trưởng ban Đại diện. Đến năm 2012, Phật giáo Tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành Đại hội đại biểu nhiệm kỳ đầu tiên với 10 vị Tăng Ni tham gia Ban Trị sự.

Cùng trong tình hình chung như các tỉnh Tây Bắc khác đều vắng tu sĩ Phật giáo, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đáp ứng sự kêu gọi của Ban Trị sự về dấn thân làm Phật sự tại địa phương, chư vị Tăng Ni đã đến nhận cơ sở tự viện để hoằng pháp, làm Phật sự. Bước đầu những cơ sở và chùa chưa có sư trụ trì, Phật tử đã khắc phục mọi khó khăn, hợp sức với nhân dân địa phương để tiếp nối truyền thống Từ bi - Trí tuệ của Phật giáo. Chư tôn đức Tăng Ni với số lượng ít ỏi ban đầu đã cố gắng đem giáo lý đạo Phật truyền bá vào quần chúng nhân dân, tổ chức những ngày lễ lớn trang nghiêm và đạt hiệu quả cao. Với sự nhiệt tâm xây dựng một hình thái Phật giáo cho bà con địa phương, các cảnh chùa được dần tôn tạo, tạo nhiều khung cảnh cho Phật tử địa phương và các nơi đến thăm viếng. Điều đó không chỉ  làm chỗ dựa tinh thần tâm linh và còn đưa diện mạo Phật giáo Tuyên Quang mỗi ngày một khởi sắc.

Dù có nhiều khó khăn, nhưng đến cuối nhiệm kỳ này, Ban Trị sự đã tiến hành bổ nhiệm chính thức 10 vị Tăng Ni trụ trì các tự viện. Ngoài ra các vị đang làm Phật sự tại các tự viện khác, sẽ tiến tới bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tới, nhằm ổn định quản lý và để các vị an tâm hoạt động Phật sự tại địa phương. Đây cũng là cách để quản lý chặt chẽ, nhằm phối hợp với các cấp chính quyền địa phương xử lý các trường hợp lạm dụng Phật giáo để làm những việc phi Chánh pháp, trái pháp luật và vụ lợi cá nhân. Tuy với số lượng Tăng Ni tương đối ít ỏi, nhưng từ năm 2013, Ban Trị sự cũng đã tổ chức đều đặn các khóa an cư kiết hạ cho chư Tăng Ni tham gia tập trung. Khóa An cư kiết hạ hàng năm được tổ chức tại chùa An Vinh - Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh - dành cho chư Tăng, và chùa Hương Nghiêm dành cho chư Ni.

Trong nhiệm kỳ này, để thống kê và khảo sát lại các tự viện đã tồn tại trong quá khứ, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã làm việc với các sở ban ngành để lập danh sách. Hiện đã khảo sát và định vị được toàn tỉnh có 30 ngôi chùa và 10 phế tích. Trong nhiệm kỳ đến sẽ tiếp tục khảo sát các phế tích khác, dần phục hồi lại vị trí vùng đất Phật giáo có truyền thống trong quá khứ. Được biết, đây là tỉnh có 2 báu vật Phật giáo được xem là bảo vật quốc gia, đó là 2 chiếc Đại hồng chung tôn tạo dưới thời nhà Mạc. Trong hơn 30 ngôi chùa, nhiều chùa được xếp hạng di tích lịch sử.

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự phát tâm cúng dường của Tăng Ni, Phật tử và nhân dân, nhiều chùa đã được xây dựng, trùng tu tôn tạo như chùa An Vinh xây dựng ngôi Tam bảo, chùa Hang xây dựng ngôi Bảo tháp, chùa Đồng Yên, chùa Minh Cầm, chùa Phổ Linh, chùa Nghiêm Sơn, chùa Hiên, chùa Phật Lâm, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, chùa Phúc Long... được trùng tu tôn tạo đã làm cho văn hóa Phật giáo tôn nghiêm, phục vụ nhân dân Phật tử địa phương và du khách thập phương mỗi khi đến tham quan.

Dù số lượng Tăng Ni tương đối “mỏng” nhưng công tác hoằng pháp cũng được Ban Trị sự chú trọng. Các ngày lễ lớn trong năm như Đại lễ Phật đản, Vu lan đều được các chùa tổ chức một cách long trọng và trang nghiêm, thu hút không chỉ tín đồ Phật tử mà còn có bà con nhân dân địa phương đến tham dự. Các chùa thường xuyên tổ chức thuyết giảng vào ngày mùng 1, 14, 15, 30 hàng tháng cho các Phật tử. Ở các chùa có các sư trụ trì cũng đều kết hợp tuyên truyền con đường chánh tín của đạo Phật; kêu gọi Phật tử tham gia các hoạt động chung của các địa phương, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan.

Bên cạnh đó, cùng với chính quyền địa phương giữ gìn ổn định an ninh chính trị ở mỗi khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa mới và đời sống nông thôn mới. Trên tinh thần “dẫn nhân nhập đạo”, lễ giỗ tổ hàng năm chùa An Vinh, HT.Thích Gia Quang đã làm lễ quy y Tam bảo cho trên 300 người mỗi năm.

Nói về mặt mạnh của Phật giáo tỉnh nhà, TT.Thích Thanh Phúc - Phó Thường trực Ban Trị sự, đề cập ngay đến hoạt động từ thiện. Với địa bàn là một tỉnh vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, bên cạnh bà con dân tộc có khó khăn thì bà con dân tộc Kinh vùng sâu vùng xa cũng gặp nhiều khó khăn về đời sống. Các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn... là những huyện vùng sâu vùng xa và đều nằm trong danh sách giúp đỡ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Những hoạt động như xây nhà tình nghĩa - tình thương, chương trình áo ấm cho em, hay các sự trợ giúp học bổng cho các em học sinh nghèo cũng được quan tâm... Số tiền đóng góp cho các chương trình từ thiện này theo Thượng tọa cho biết lên đến hàng tỷ đồng trong 5 năm vừa qua.

Ổn định để tiếp tục phát triển

Với những công tác đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tuy còn ở mức độ khiêm tốn, nhưng toàn thể chư tôn đức trong Ban Trị sự cũng như Tăng Ni tỉnh nhà đều ý thức rằng mỗi Phật sự tại địa phương mình cũng đều làm cho Phật giáo Tuyên Quang ngày một rạng rỡ hơn. Để làm được điều đó thì không chỉ là sự cố gắng của riêng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh mà còn là sự chung tay góp sức của Tăng Ni. Để làm được như vậy, Thường trực Ban Trị sự tỉnh Tuyên Quang cũng đã nhất trí tiến hành bổ nhiệm trụ trì cho các ngôi tự viện như: chùa Trùng Quang, chùa Linh Thông, chùa Khoan Lư, chùa Châm, chùa Mã Sơn...  để chư Tăng Ni cùng với chính quyền địa phương ổn định sinh hoạt các Phật sự cũng như công tác địa phương.

Ngoài ra, việc phục dựng ngôi chùa cổ Phú Lâm tại thành phố Tuyên Quang cũng sẽ được xúc tiến thực hiện. Ban Trị sự cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Bảo tồn bảo tàng của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh khai quật, tìm dấu tích và công nhận các chùa phế tích (nền móng), từng bước phục dựng các di chỉ phế tích các ngôi cổ tự.

Trao đổi với phóng viên Giác Ngộ trước thềm Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ II, HT.Thích Gia Quang cho biết: Cùng với sự phát triển chung của các tỉnh Tây Bắc, Tuyên Quang có một lợi thế là địa phương có nền Phật giáo lâu đời; sự thâm tín Tam bảo trong bà con nhân dân đã có sẵn. Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử nên đã bị gián đoạn một thời gian cũng như sự thiếu vắng hình bóng của Tăng Ni cũng đã làm cho các hoạt động Phật giáo bị tụt giảm. Chúng tôi cố gắng hết sức để dần khôi phục lại hình ảnh Phật giáo nơi đây bằng cách kêu gọi Tăng Ni về Tuyên Quang tham gia đóng góp Phật sự, xây dựng Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn không chỉ riêng tỉnh Tuyên Quang, mà các tỉnh Tây Bắc đều cùng như vậy.

Đặc thù của các tỉnh Tây Bắc là có nhiều bà con dân tộc sinh sống. Nhiệm vụ hoằng pháp không chỉ hướng đến người Kinh, mà còn phải truyền bá giáo lý đạo Phật đến các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh. Đến với bà con dân tộc không chỉ là sự giúp đỡ những khó khăn về miếng cơm manh áo hay công cụ sản xuất, mà còn phải đem ánh sáng Phật pháp tới cho bà con, cùng được thấm nhuần Phật pháp. “Để làm được Phật sự lớn lao đó, chúng tôi kêu gọi sự dấn thân của Tăng Ni trẻ. Hiện nay một số huyện vùng sâu vùng xa đã bổ nhiệm các vị Tăng Ni về phụ trách, tuy nhiên cần phải có thêm Tăng Ni để phụ trách các tự viện địa phương. Có thể chúng tôi sẽ học hỏi Ban Trị sự tỉnh Quảng Bình về việc công bố thư thỉnh mời Tăng Ni các địa phương khác về Tuyên Quang dấn thân phụng sự.

Nhiệm kỳ vừa qua tuy là nhiệm kỳ đầu, có nhiều khó khăn nhưng tập thể Ban Trị sự cũng đã cố gắng hết sức để hoàn thành các công tác Phật sự đề ra, cũng như sự chỉ đạo của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Với những thành tựu như thế, chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ sự ổn định đó để tiếp tục phát triển hơn”, vị giáo phẩm đứng đầu Phật giáo tỉnh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày