Tăng Ni, Phật tử huyện Nhà Bè đoàn kết trong các Phật sự

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1129 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1129 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GN - “Trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, với phương châm phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật, Tăng Ni và Phật tử huyện Nhà Bè đã luôn gắn kết trong các hoạt động Phật sự tạo nên sự phát triển ổn định các ban ngành, đặc biệt các hoạt động an sinh xã hội, ích đạo lợi đời luôn được chú trọng”.

Đó là nhận định của Thượng tọa Thích Thiện Từ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Nhà Bè khi nhìn lại hoạt động của Phật giáo của một huyện vùng ven TP trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Chăm lo cho người nghèo

Trong các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2016-2021, Thượng tọa Thích Thiện Từ cho biết công tác từ thiện xã hội, chăm lo cho người nghèo được chú trọng. Thực hiện tinh thần tương thân tương ái theo truyền thống nhân đạo của dân tộc, Ban Trị sự Phật giáo huyện kết hợp với các tự viện, nhà hảo tâm thường tổ chức đi cứu trợ vùng sâu vùng xa, các tỉnh bị lũ lụt thiên tai miền Trung, miền Tây và cao nguyên; tặng quà cho người nghèo; tặng học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, trường dạy trẻ mồ côi…

Đặc biệt, tại địa phương, vào những dịp lễ Phật đản, Vu lan và các lễ lớn của Phật giáo, Ban Trị sự cùng Tăng Ni kêu gọi mạnh thường quân tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; giúp đỡ các hộ gia đình bị sạt lở ven sông, tặng áo quan cho người mất gặp khó khăn; tặng quà đến nạn nhân chất độc da cam; chăm lo người có công với cách mạng… Riêng tại chùa Pháp Võ, nơi cưu mang khoảng 60 em mồ côi, hàng tháng còn tổ chức bếp ăn từ thiện để giúp những hoàn cảnh nghèo khó.

Thượng tọa Thích Thiện Từ, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo tặng quà đến gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh...

Thượng tọa Thích Thiện Từ, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo tặng quà đến gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh...

Trong năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, đời sống người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thực hiện lời kêu gọi của Giáo hội và chính quyền địa phương, Tăng Ni, Phật tử các tự viện chung sức chia sẻ, tặng nhiều nhu yếu phẩm đến những khu vực cách ly, khu vực khó khăn do giãn cách xã hội.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ, trên tinh thần uống nước nhớ nguồn, Ban Trị sự GHPGVN huyện Nhà Bè kết hợp cùng chính quyền huyện tổ chức 2 lần trai đàn kỳ siêu các Anh hùng liệt sĩ huyện vào năm 2019 và 2020 tại Nhà Truyền thống của huyện ở ấp 3 - xã Hiệp Phước; tặng quà tri ân những gia đình thương binh liệt sĩ trong địa bàn. “Phật giáo huyện luôn cố gắng cùng chung sức chăm lo, hàn gắn vết thương lòng và hỗ trợ thiết thực cho gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… Đó là thể hiện tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc”, Thượng tọa Thích Thiện Từ cho biết.

Hoạt động ban ngành ổn định

Trong nhiệm kỳ IX, Phật giáo huyện Nhà Bè đã có Văn phòng Ban Trị sự độc lập tại địa chỉ 9/19 Nguyễn Bình, ấp 2, xã Nhơn Đức. Phật giáo huyện cũng đã từng bước triển khai văn phòng hành chánh điện tử, thực hiện thông tin Phật sự nhanh chóng qua kênh Zalo.

Trong 5 năm qua, Ban Trị sự GHPGVN huyện Nhà Bè đã ký xác nhận 20 đơn xin cấp giấy chứng nhận Tăng Ni, 88 đơn xin cấp sổ an cư, 18 đơn xin xuất gia, 23 đơn xin thọ giới, 2 đơn đề nghị bổ nhiệm trụ trì và 1 bổ nhiệm Ban quản tự; 5 đơn xin nhập hộ khẩu, 26 đơn xin tạm trú, 23 đơn xin học khóa bồi dưỡng trụ trì, 4 đơn xin sửa chữa trùng tu tự viện, ngoài ra còn một số xác nhận khác.

Hiện có 6 đạo tràng khóa tu Bát quan trai, khóa tu An lạc tại các chùa Đức Phú, Pháp Võ, Phước Linh, Võ Linh… vào mỗi Chủ nhật cùng nhiều hoạt động nổi bật khác về hoằng pháp, thông tin - truyền thông.

Phật tử tham dự lễ vía Phật A Di Đà tại chùa Đức Phú

Phật tử tham dự lễ vía Phật A Di Đà tại chùa Đức Phú

“Đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự nhiệt tình hành đạo của Tăng Ni và đặc biệt là sự hộ pháp đắc lực của giới Phật tử tại gia”, Thượng tọa Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Nhà Bè nhận định.

Bên cạnh đó, Thượng tọa Thích Thiện Từ cho biết vẫn còn những hạn chế mà Ban Trị sự và Tăng Ni chưa hoàn thành tốt công việc. “Do địa bàn rộng, Tăng Ni ít nên các việc Giáo hội giao phó còn chậm trễ. Trong những Phật sự chung, một vài Tăng Ni chưa hết lòng phụng sự. Một vài tự viện và tịnh thất chưa kiện toàn về mặt pháp lý nên quyền sử dụng đất và bổ nhiệm trụ trì của các cơ sở tự viện còn vướng mắc”, Thượng tọa nói.

Duy trì nề nếp thiền môn quy củ trong Tăng đoàn

Thượng tọa Thích Thiện Từ cho biết trong phương hướng nhiệm kỳ 2021-2026, Phật giáo huyện Nhà Bè sẽ chú trọng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ban Trị sự và Tăng Ni các tự viện, nêu cao tinh thần đoàn kết hòa hợp, duy trì nề nếp thiền môn quy củ, hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử huyện nhà chấp hành theo Hiến chương Giáo hội và luật pháp Nhà nước.

Bên cạnh đó, Ban Trị sự và các tự viện sẽ quan tâm hơn nữa việc chăm lo cho người nghèo tại địa phương, phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, cứu khổ vị tha, thông qua những việc từ thiện đúng nghĩa tại các nơi. Vận động Tăng Ni thành lập nhóm thiện nguyện của tự viện, giữ gìn vệ sinh môi trường bằng hình thức quét dọn thu gom rác tại khu dân cư tại địa phương có các tự viện, tăng cường đoàn kết mối quan hệ với các đoàn thể tại địa phương trong các công tác xã hội.

Tổ chức trai đàn cầu siêu các hương linh dịch khí thương vong, trai đàn cầu siêu các anh hùng liệt sĩ, trai đàn cầu siêu các nạn nhân tử nạn giao thông. Duy trì các lễ truyền thống, các khóa An cư trên địa bàn.

Phật giáo huyện Nhà Bè hiện có 21 tự viện, trong đó có 13 tự viện chính thức, 11 tự viện có dấu tròn, với tổng số 81 Tăng Ni trong toàn huyện. Công tác từ thiện xã hội trong nhiệm kỳ IX, thống kê chưa đầy đủ đã vượt trên 56 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày