Thế nào là thất bại?

GN - Tự nhiên, tôi lại muốn viết một bức thư, và thư viết muốn gửi tới không chỉ một người mà là cho những bạn trẻ, nhất là những bạn vừa bước qua kỳ thi tốt nghiệp, sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Viết để chia sẻ về thất bại, về sự thành công và đối mặt với hai sự biểu hiện ấy trong cuộc sống.

Thành công, ảnh Như Hùng.jpg

Nếu thành công, xin đừng tự mãn - Ảnh: Như Hùng

Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thư tôi với lời khuyên chân thành về việc nhận nhìn cũng như có thái độ sống tích cực khi bước vào lãnh địa của thành công, thất bại và bước qua ranh giới giữa hai khái niệm, hai biểu hiện ấy? Tôi chắc là không bởi bạn hiểu là nguyên do tôi viết và gửi thư này đi, phải không? Đó là vì mùa thi, vì như tôi đã mở đầu lá thư rằng, đối tượng đón nhận thư là các bạn trẻ - “sĩ tử” hai kỳ thi quan trọng đã và sẽ diễn ra.

Đã nhắc đến thi cử là nhắc tới kết quả đỗ và không đỗ. Người đỗ so với người không đỗ được xem là thành công; và, người đỗ mà đỗ không cao so với năng lực hoặc dự định, mong muốn thì được cho là thất bại. Nhưng, người không đỗ chưa hẳn đã bị xem là thất bại bởi với số điểm ấy (tuy không đỗ) nhưng nó đã vượt hơn năng lực bình thường nên có thể xem đó là… thành công! Vì vậy, thất bại hay thành công vốn không phải chỉ dựa trên kết quả cứng nhắc của một kỳ thi mà nó tùy vào cái nhìn cũng như thực tế năng lực cũng như mong muốn của chủ thể trong trường hợp cụ thể nào đó.

Ở đây, tôi không muốn nói đến chuyện đỗ hay chưa đỗ của thí sinh mà ở cái nhìn về kết quả mà bạn đã và sắp đạt được trong những kỳ thi. Kết quả ấy phản ánh năng lượng học tập và đôi khi là sự rủi may của thi cử mà người ta vẫn thường nói “học tài thi phận”.

Tất nhiên, năng lực và sự cố gắng của bản thân quyết định, còn sự rủi may do nghịch duyên kia cũng chỉ là phụ mà thôi, không phải hoàn toàn quyết định kết quả. Khi chúng ta đã cố gắng hết mình, làm bài hết khả năng thì kết quả thế nào chúng ta cũng sẽ an lòng, vui vẻ chấp nhận. Đó là thái độ tích cực và cần thiết của những ai muốn chế tác hạnh phúc thật sự cho mình. Ai tin nhân quả và sống với nhân quả sẽ hiểu rằng mình đã làm hết mình là nhân, số điểm đạt được là quả, và kết quả ấy là lẽ đương nhiên phải thế, không có gì phải buồn bã.

Chấp nhận là một sự thành công, phản kháng lại kết quả đã có là một thất bại, bởi hành động ấy sẽ làm cho mình khổ đau. Tất nhiên, kết quả như đã nói là nó đã được tạo ra từ năng lực thực tế và sự cố gắng, chuyên cần chứ không phải từ sự lười biếng trước đó. Sự thành công trong việc chế tác an vui này sẽ làm mình có nhiều thành công khác, như tinh thần thoải mái, từ đó làm mình sáng suốt hơn, học hành, nghiên cứu cũng minh mẫn và có kết quả cao hơn. Đó là quá trình mà nếu bạn nhìn dưới lăng kính Phật giáo sẽ thấy rằng một người thành công bao giờ cũng bắt nguồn từ việc chuyên cần (tinh tấn) và ý thức vươn tới những giá trị cao đẹp (ở đây là kho tàng tri thức của nhân loại) – đó là nhân-duyên-quả tất yếu.

Do vậy, nếu đạt kết quả tốt bạn cũng đừng tự mãn, tự đắc rồi thôi không cố gắng, ngủ quên trên đó. Thành công thực sự không thể dựa trên sự lừa dối trước đó (quay bài, sử dụng tài liệu, nhờ bạn làm dùm…) mà phải được chứng minh từ thực lực và sự cố gắng trong một thời gian dài. Do đó, giả dụ bạn chưa thành công hoặc thành công không như mong đợi thì phải nhìn lại, suy xét mọi lẽ, phải chăng mình đã chưa thật cố gắng; phải chăng mình đã chưa cẩn thận, mình đã hấp tấp (chưa chánh niệm, còn thô tháo) nên mình đã mắc lỗi, đã phạm sai lầm…? Nếu quả tình như thế thì thất bại ấy là lẽ đương nhiên, nó nhắc mình bài học đứng lên, bài học làm lại từ đầu bằng sự bền bỉ trau dồi kiến thức. Còn nếu bạn thực có khả năng nhưng chỉ vì sự thiếu may mắn nhất thời thì hãy tin là cơ hội vẫn còn phía trước cho những ai biết ước mơ, dám ước mơ, biết nuôi dưỡng mơ ước của mình…

Nhận diện như thế, để bạn không mù mờ hành xử một cách dại dột, nông nổi bằng cách đặt dấu chấm hết cuộc đời mình khi gặp phải một khúc quanh (không đỗ hoặc đỗ không như mong đợi trong một kỳ thi). Nếu bạn hành xử như cách mà một vài bạn trẻ đã từng làm trong những mùa thi trước, làm tổn thương cho gia đình, cho những người thân thương như vậy mới đúng là một thất bại lớn mà bạn không có cơ hội sửa chữa. Còn sống, và còn ước mơ, mình sẽ còn cơ hội để thành đạt trên con đường học vấn, bạn ạ!

Chúc bạn luôn thành công với những nỗ lực bền bỉ của mình!

Bạn của bạn

Bạn nghĩ như thế nào về thất bại? Và khi gặp phải thất bại bạn đã ứng xử như thế nào? Hãy chia sẻ cách mà bạn đã làm để vượt qua thất bại hầu giúp bạn trẻ có thêm kinh nghiệm. Vui lòng gửi chia sẻ về Giác Ngộ Online, e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày