Thiền định Phật giáo giúp giảm thiểu phản ứng đối với ngoại cảnh

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1219 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
GNO - Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm Sinh Lý Thế Giới (International Journal of Psychophysiology) cho thấy phương pháp thiền định truyền thống của Phật giáo có thể giảm sự chú ý đối với những tác nhân bên ngoài.

Điều này cũng đúng với nguyên tắc quan trọng của Phật giáo về việc thu nhiếp các căn, rút lui khỏi các cấp độ ý thức và cảm giác từ ngoại cảnh xung quanh thông qua năm giác quan.

Trong suốt nhiều thế kỷ, thiền định là nền tảng căn bản của các phương pháp thực hành Phật giáo. Trước đây, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thiền có thể mang lại những thay đổi tích cực đối với sức khỏe tinh thần, khả năng tập trung và giảm thiểu căng thẳng.

Về bản chất, thiền trau giồi trạng thái tĩnh lặng và chánh niệm, giúp cho hành giả an trú vào hiện tại. Chính chủ đề này đã thúc đẩy một nhóm các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách thức mà phương pháp chánh niệm của Phật giáo tạo ra các chuyển dịch ở cấp độ thần kinh.

Với mục đích tìm hiểu mối tương quan phức tạp giữa thiền định Phật giáo và tác động phương pháp này đến hoạt động của não bộ, 115 hành giả lão luyện từ các tu viện khác nhau trên khắp Ấn Độ cùng các nhà nghiên cứu đã hoàn thành một chuỗi khảo sát thực nghiệm về các chủ đề liên quan. Nhóm người tham gia là các nhà sư có độ tuổi từ 25 đến 80 tuổi, thuận tay phải và không bị khuyết tật thính giác hay chấn thương cũng như các vấn đề về thần kinh trước đó.

Hoạt động não bộ của các nhà sư đã được ghi lại bằng điện não đồ (EEG) - một phương pháp ghi lại hoạt động của não, bao gồm việc đặt các điện cực lên da đầu để đo các sóng điện do não tạo ra. Điện não đồ đã được hoàn thành trong khi họ tham gia vào các trạng thái thiền định khác nhau. Để có một góc nhìn khách quan, tất cả hoạt động não bộ của họ đã được đo lường trong trạng thái tỉnh táo thụ động, như để tâm trí được tự do.

Trước khi ghi lại hoạt động của não bộ, các nhà sư sẽ cho biết tuổi tác và trình độ học vấn của họ. Sau đó, họ sẽ đánh giá chất lượng thiền định của họ. Kết quả cho thấy, so với trạng thái thụ động, phương pháp thực hành thiền định đã khiến giảm biên độ MMN - một phản ứng đặc biệt của não xảy ra khi mọi người nghe thấy những kích thích bất ngờ và hiếm gặp của ngoại cảnh, chẳng hạn như tiếng động lớn hoặc âm thanh bất ngờ.

Đối với những người tham gia, thực hành thiền định truyền thống đã giúp giảm biên độ MMN, có nghĩa là những người tu tập thiền thuần thục có ít phản ứng hơn đối với những loại kích động từ ngoại cảnh trong quá trình thực hành của họ. Nói cách khác, họ ít bị phân tâm hoặc quấy rầy bởi những âm thanh bất ngờ khi nhập vào trạng thái thiền định.

Hơn thế nữa, nghiên cứu còn phát hiện thấy sự giảm biên độ sóng não liên quan đến việc đánh giá các rối loạn cảm giác hiếm gặp khác nữa. Hiểu một cách đơn giản hơn, khi thiền sâu, các nhà sư ít có khả năng bị giật mình bởi những âm thanh bất ngờ hoặc gây xao lãng. Nghiên cứu này phản ánh sự tập trung sâu sắc vào nội tâm và giảm sự chú ý đến với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, trong khi nghiên cứu này còn cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa thiền định và hoạt động của não thì vẫn còn có một số điều lưu ý. Trạng thái tỉnh giác đã chọn có thể không phải là phương pháp hữu hiệu nhất để đưa ra kết luận rõ ràng vì nó có thể không đủ kích thích não để tạo ra những phản ứng đáng kể.

Hơn nữa, quan trọng là phải xem xét những khác biệt tiềm ẩn của từng cá nhân trong các phản ứng trạng thái kiểm soát đã chọn, vì có thể những phương pháp này có thể hiệu quả đối với người này nhưng không hẳn có hiệu quả đối với người khác.

Ngoài ra, nghiên cứu không phân biệt các nhà sư dựa trên tuổi tác hoặc kinh nghiệm thiền định của họ, mà lại sắp xếp hết tất cả họ vào một nhóm. Và mặc dù cần phải tìm hiểu sâu hơn nữa để hiểu hơn về thiền định Phật giáo, kết quả của nghiên cứu này đã giúp làm rõ hơn về tác dụng đáng kể của thiền định đối với não bộ.

Nghiên cứu “Thiền định truyền thống của Phật giáo làm giảm sự tiêu cực không phù hợp ở những người tu hành có kinh nghiệm” (Traditional Buddhist meditations reduce mismatch negativity in experienced monk-practitioners) được thực hiện bởi một nhóm 15 nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Sviatoslav V. Medvedev, giáo sư tại Viện Não nhân loại thuộc Học viện Khoa học Nga ở Moscow.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày