GN - Lần đầu tiên tôi thực sự ‘thiền’ là lúc tôi đang đứng rửa chén ở bệ rửa chén trong nhà bếp. Cha tôi đang hấp hối. Ung thư. Loại ung thư nằm trên giường chờ chết trong phòng khách nhà. Tôi đã bay về Nebraska để thăm ông lần cuối, để cầm tay ông, nói lời giã từ. Giờ, câu hỏi ám ảnh trong đầu là khi nào.
Ảnh minh họa
Tôi năm nay 26, sống trong căn phòng nhỏ có lẽ đã trăm tuổi ở thành phố San Francisco, làm người pha rượu trong quán bar để trang trải chi phí cho những năm cao học, sống nhờ vào cà-phê và những ly rượu cốc-teo. Đứng bên bệ rửa chén, tôi có thể nghe đôi vợ chồng trẻ đang hút bụi trong phòng trên gác, gia đình người Hoa ở bên kia hẻm khua nồi chảo, và chiếc xe điện kêu leng keng trên đường California, cách đây một lốc đường.
Tâm tôi như dính vào dòng nước chảy xoáy xuống cống.
Khi nào cha mất? Lúc đó tôi đang ở đâu? Vừa ra khỏi lớp? Đang leo dốc Nob Hill? Hay đang pha rượu Martini? Ngày mai? Tuần sau? Chắc tôi phải mua một bộ suit đen. Mua vé máy bay. Phải nhờ người làm thay. Mà không. Nghĩ sao quá đen tối. Cha vẫn còn đó mà. Nhưng cho đến khi nào? Tôi phải chuẩn bị thế nào đây? Tôi còn đầu óc gì để nghĩ đến những thứ khác nữa chứ?
Tim tôi muốn nhảy dựng lên mỗi khi chuông điện thoại reo. Tôi nóng nảy, bồn chồn, thần kinh muốn đứt ra với toàn những giấc mộng dữ.
Ban ngày là người của học thuật và đêm làm kẻ pha rượu, vì tôi đang theo chương trình cao học, môn thần học về phụ nữ Mác-xít. Tôi đã được dự một hội thảo chuyên đề về Phật giáo tại Mỹ, nhưng lúc đó tôi chưa thực sự thấy ảnh hưởng của nó.
Việc hành thiền đối với tôi luôn là việc để người khác làm. Đại loại là người già, phụ nữ trung niên nhàn rỗi, không có việc gì làm. Với áo quần quấn quanh người, nhang trầm, sáo nhạc theo kiểu bụi đời. Không phải mẫu người của tôi.
Cuộc sống của tôi là bia với nachos (Nd: món ăn Mễ: bánh chip + phô-mai nướng chảy trên mặt) vào những tối thứ Năm ở thành phố Berkeley, sau đó là sushi với nhạc jazz ở quán Yoshi. Còn các thứ Bảy là những giờ được uống rượu Gin, nước khoáng miễn phí ở các khu kinh doanh, rồi ngà ngà say trèo lên xe điện về khu Mission ăn tối. Sau cơn say, tôi tỉnh dậy với các trận ói mửa ra áo quần, rồi ngất ngưởng men theo đường Polk đến lớp học.
Nhưng tôi cũng thường tập yoga và cũng biết chút ít về triết thuyết yoga. Một vài điều trong tư tưởng thiền Phật giáo cũng lưu lại trong tôi từ hội thảo đầu tiên ấy. Điều cơ bản trong thiền là khuyến khích ta thực hành trong cuộc sống thế tục hàng ngày. Ngay cả khi đang làm những việc nhơ uế, tẻ nhạt như: chùi rửa nhà vệ sinh, chà sàn nhà, dẫn chó đi dạo.
“Thiền” rửa chén
Nên tôi đứng ở bồn rửa chén, ngạt thở với âu lo, nước nhểu đầy tay, tự nhủ: Rửa. Chà. Thở một hơi. Cảm nhận sự ướt át của nước trên tay. Xối. Lấy khăn. Lau đĩa. Quay vòng. Đặt vào rổ để ráo. Thở một hơi. Lấy cái kế tiếp. Chậm lại. Rửa. Xả. Lau. Lặp lại.
Hơi thở nông cạn của tôi trở nên sâu. Trái tim mong manh của tôi dừng chạy tốc độ. Tâm nhiễu loạn trở nên trong sáng.
Và đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, tôi cảm thấy bình lặng.
Như Michael Stone, một vị thầy Phật giáo đã nói: “Bạn không cần phải luôn nghĩ về cuộc đời mình”. Lo lắng việc cha tôi sẽ ra đi khi nào không giúp cho thực tại hiển nhiên trở nên dễ dàng tí nào. Đắm chìm trong chi tiết cũng không giúp tôi làm chủ được sự mất mát không thể tránh.
Trong những tuần lễ tiếp theo đó, trong chờ đợi, cuộc sống của tôi quay quanh việc tìm những nơi chốn tôi có thể hành thiền. Tôi trốn vào thánh đường Grace, nhắm mắt lại, và thở. Cha tôi từng là linh mục Cơ Đốc giáo, nên nhà thờ đối với tôi luôn là chỗ để nương náu, dầu rằng niềm tin của tôi đã vượt xa hơn cái tôn giáo mà tôi từng được dạy dỗ lúc thiếu thời. Trái tim luôn trầm tư về truyền thống đã dạy tôi rằng - “Sự an bình ở trên mọi hiểu biết” - đã có được đôi phút bình an.
Mọi thứ trở thành cơ hội để tôi quán sát hơi thở: lúc nấu ăn, chạy bộ, nghe nhạc, đi ra trạm xe buýt. Những cuộc hành thiền đơn giản như thế kéo tôi ra khỏi nỗi đau của mình, giúp tôi sống có mục đích, giúp tôi đi tới.
Vào những ngày với trạng thái buồn thảm nhất, tôi ngồi trong xe buýt và hành thiền tâm từ, gửi tâm từ, và sự an bình đến người đàn ông có bàn chân voi ở trước mặt, đến bác tài, đến người phụ nữ luống tuổi, vô gia cư nằm ngủ trên chiếc ghế đối diện tôi. Cầu mong cho họ được bình an, thoát khổ giúp đầu tôi nhẹ đi, tim tôi lâng lâng vì tôi có thể quan tâm đến ai đó.
Cha tôi ra đi ba tuần sau cái lần tôi đứng ở bồn rửa chén. Trước đó các bạn cùng phòng và tôi đã dự định tổ chức một buổi tiệc cocktail đúng một ngày sau đó. Tôi sẽ mua các loại phô-mai đắt tiền đầy giỏ đi chợ, cùng các loại rượu, sẽ ôm đầy tay những hoa mẫu đơn và hoa lay-ơn.
Tuy nhiên, buổi sáng đó, khi đang trên xe điện về nhà từ tòa nhà Ferry, tôi biết sẽ không có bữa tiệc nào cả. Đêm hôm trước, mẹ gọi điện thật trễ và báo tin. Tôi đã gửi thư đến tất cả khách mời báo tin buổi tiệc đã bị hủy.
Và mọi việc cứ thế diễn ra
Tôi bỏ bộ suit đen vào va-li, khóc cùng đám bạn, rồi bước lên máy bay. Chúng tôi đã than khóc. Đã đau đớn.
Thần chết đã len vào xương tủy của tôi. Đã thở hồn vào từng tế bào ký ức, trụ vĩnh viễn giữa những vết sẹo, những nếp nhăn trên da dẻ dạn dày. Giờ tôi biết chết là cái không thể tránh; cả cho cha mẹ tôi, và bản thân. Cái biết thâm sâu đó vừa là một sự giải thoát lớn lao, vừa là lời nhắc nhở nghiêm trang.
Lo lắng thái quá về cái chết không ích lợi gì. Ngoại trừ việc mất đi những giây phút yên ả.
Vậy mà đã 11 năm trôi qua. Giờ tôi là huấn luyện viên yoga và dạy thiền, và việc tu tập, thực hành là cách sống của tôi. Nó đã giúp tôi đi qua nỗi đau mất cha, nó dung dưỡng niềm đam mê riêng tư thành một nghề nghiệp thành đạt, nó duyên cho tôi gặp chồng, nâng đỡ tôi qua những lần vượt cạn, trở thành một người mẹ.
Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến giây phút đó, vào chạng vạng tháng Tư lúc đang rửa chén, đang cố giữ tâm không bấn loạn khi nghĩ đến hơi thở cuối cùng của cha.
Và tôi cảm ơn sâu xa đến sức mạnh của việc hành thiền. Nó sẽ giúp tôi vượt qua đoạn đường đó của chính tôi.
RACHEL MEYER
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Washing Dishes, Waiting For Death, tạp chí Phật giáo Tricycle, tháng 8-2016)