Nhắc đến phở Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay tới các món lừng danh như phở bò tái, phở gà, phở thịt… Trong những năm gần đây, đặc biệt vào mùa lễ chùa, người Việt lại “biến tấu” để có thêm một món mới, đó là phở chay.
Không giống như nhiều món chay khác vốn nhạt, hương vị đơn giản, phở chay có vị ngon đặc biệt không thua kém gì các loại phở thông thường.
Phở chay được người Việt biến tấu từ phở Hà thành - món ăn đã nổi tiếng với người dân khắp mọi miền đất nước, cũng như du khách nước ngoài có dịp ghé thăm thủ đô.
Dù mới xuất hiện nhưng phở chay rất được ưa chuộng vì tính đơn giản, hương vị lại độc đáo đặc biệt. Cũng là vị ngọt của nước dùng, nựng mùi thơm từ các loại gia vị nhưng phở chay được chế biến hoàn toàn từ thực vật.
Giống như các loại phở khác, nước phở là yếu tố quan trọng nhất. Nếu như nước dùng cho phở bò, phở gà được làm từ xương ống, thịt lợn, con riêng với nồi nước dùng cho món phở chay lại thay thế bằng mía, hoa hồi, củ cải trắng hoặc các loại thảo dược khác – những loại rau củ mang đến vị ngọt tự nhiên. Để hấp dẫn hơn, người ta dùng thêm các loại gia vị thông dụng khác như mì chính, hạt tiêu…
Cũng từ việc sử dụng nguyên liệu hoàn toàn là thực vật nên khi chế biến món ăn này cần lưu ý về thời gian ninh nước dùng. Để nhân phở chín vừa (tránh nhừ hoặc non lửa quá) cần có kinh nghiệm trong chế biến phở. Thông thường để chế ra nồi nước dùng cho món phở chay cần ít thời gian hơn so với các món bún, phở khác.
Mỗi người có một sở thích và thói quen dùng phở chay. Do vậy nguyên liệu chế biếncũng rất linh hoạt. Gia vị thường dùng có hành lá, rau mùi (quế), gừng, hạt tiêu, hoa hồi; kết hợp cùng những nguyên liệu nấm hương (hoặc nấm rơm), mọc nhĩ, ớt tươi (ớt cay hoặc ngọt tùy ý). Với người ăn chay bán phần thì có thể dùng thêm giò chay, thịt gà chay…
Từng đó nguyên liệu, với tỷ lệ nhất định sẽ chế biến được thứ nước phở thơm, ngọt tự nhiên. Và, những bánh phở trắng tinh được nhúng vào nhanh chóng, sau khoảng hai đến ba phút là hoàn thành món phở chay hấp dẫn.
Nồi nước dùng phở chay được nấu thành công thường có màu trong, dậy mùi thơm nức cùng vị ngọt thanh mát, đặc biệt từ các nguyên liệu rau củ. Trong xã hội hiện đại, không chỉ người nội trợ muốn làm phở chay để phòng ngừa bệnh tật cho thành viên trong gia đình, mà có rất nhiều nhà hàng, khách sạn đã đưa món ăn này vào thực đơn chính.
Quả thực, xã hội càng phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều món ăn hấp dẫn, sang trọng thì người ta lại muốn tìm đến những thức đơn giản nhẹ nhàng mà lại hấp dẫn, bổ dưỡng như phở chay.
Lễ chùa đã trở thành tục lệ truyền thống mà bất cứ người Việt nào cũng thực hiện vào dịp đầu Xuân. Ngoài việc thắp hương, dâng lễ tại chùa chiền thì trong những dịp đi lễ chùa người dân Việt còn muốn bày tỏ lòng thành bằng việc ăn chay. Không chỉ phục vụ cho các phật tử, mà trong xã hội hiện đại đồ ăn chay còn được rất nhiều người ưa dùng. Ngoài tác dụng giúp tâm trí thanh thản, nhẹ nhàng thì cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng việc ăn chay giúp phòng chống được nhiều bệnh tật như béo phì, cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh sỏi mật, loãng xương (Do thành phần thức ăn chay chứa ít lượng LDL-cholesterol). Ăn chay cũng có nhiều cách, phù hợp với sức khỏe, điều kiện của từng người. Có thể là ăn chay thuần túy (chế biến đồ ăn chỉ từ thực vật, tuyệt đối không có nguyên liệu từ các loài động vật, kể cả phụ gia như mỡ); hoặc ăn chay bán phần (vẫn sử dụng một số thức ăn từ động vật, như trứng, sữa…) Thực phẩm chay chỉ là thực vật: rau, củ, quả và các loại ngũ cốc. Nhưng món ăn chay thì lại rất đa dạng: từ cơm chay, bún chay, gỏi chay đến các món có thành phần chỉ là một loại thực vật như đậu phụ, hủ tiếu nam vang… |